Tâm huyết với nông nghiệp công nghệ cao

QUỐC TUẤN 30/10/2017 10:56

Dù không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng Nguyễn Quốc Phong đang mở ra lối đi riêng bằng mô hình thiết kế vườn rau cho các ngôi nhà ở thành phố và ấp ủ khát vọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Anh Nguyễn Quốc Phong bên một mô hình “rau cho nhà phố” đã được lắp đặt và cho ra sản phẩm.
Anh Nguyễn Quốc Phong bên một mô hình “rau cho nhà phố” đã được lắp đặt và cho ra sản phẩm.

Quyết định táo bạo

Nguyễn Quốc Phong (quê xã Tam Hòa, huyện Núi Thành) năm nay 32 tuổi, từng là sinh viên Trường Đại học Duy Tân ngành công nghệ thông tin. Ra trường, anh Phong gắn bó 7 năm liền với một doanh nghiệp viễn thông và đến đầu năm 2016 có mức lương trung bình hơn 20 triệu đồng/tháng. Ấy vậy mà Phong đã quyết định bỏ ngang công việc để trở về quê nhà nghiên cứu làm nông nghiệp sạch. Quyết định khá liều lĩnh của anh thậm chí còn bị hàng xóm, bà con bảo là “khùng” và thiếu chín chắn. Bà Nguyễn Thị Hương, mẹ của anh bộc bạch: “Có ai mà muốn con mình khổ đâu, nhưng quyết định là ở nó nên dù có phần lo lắng tôi vẫn ủng hộ cho con trai mình”.

Suốt mấy tháng trời, anh Phong chỉ loanh quanh ở nhà để mày mò tìm hiểu làm nông nghiệp sạch với mô hình trồng thử nghiệm rau thủy canh. Nhưng rồi mọi chuyện trở nên khó khăn khi những nhược điểm về môi trường, kinh nghiệm, đầu ra, nhất là vốn đầu tư dần hiển hiện khiến ý tưởng của anh bị chững lại. Nhận thấy dự án của mình không có nhiều triển vọng, Nguyễn Quốc Phong đã linh hoạt tự nghiên cứu để điều chỉnh hướng đi và chuyển sang mô hình thiết kế các vườn rau cho nhà phố do nắm bắt được nhu cầu của nhiều hộ dân ở đô thị muốn trồng rau sạch nhưng lại không có diện tích vườn rộng. Quá trình khởi nghiệp của anh Phong cũng lắm gian nan, sau nhiều tháng nghỉ việc thì vốn liếng của anh cũng không còn nhiều, trong khi phải chạy vạy khắp nơi để tìm kiếm đối tác, nhà cung cấp vật liệu để lắp đặt mô hình.

Hai khách hàng đầu tiên nhận lắp đặt mô hình “rau cho nhà phố” chính là hai người bạn thân của Phong. Nhận thấy sự chật vật trong quá trình khởi nghiệp của anh, hai người bạn tại Đà Nẵng tự nguyện làm “chuột bạch” với trị giá 5,5 triệu đồng/mô hình để tiếp thêm niềm tin cho Phong cũng như giúp anh có cơ hội kiểm tra lại quá trình vận hành của mô hình. Được biết, với mô hình này, các ngôi nhà ở thành phố chỉ cần dùng 2m2 là đã có thể lắp đặt để trồng nông sản sạch. Từ cuối năm 2016 đến nay, anh Phong cùng các cộng sự của mình đã lắp đặt được gần 50 mô hình “rau cho nhà phố” tại Đà Nẵng và đăng ký thương hiệu H2O Farm để hoạt động. Thời gian để mỗi mô hình được lắp đặt hoàn chỉnh trong vòng 1 ngày và dự án của anh đang có 5 lao động phụ giúp thường xuyên. Nguyễn Quốc Phong chia sẻ: “Hiện nay trung bình mỗi tháng có khoảng 10 đơn hàng đặt thiết kế mô hình này và mình đang tính tới phương án mở rộng thêm lực lượng lao động bởi sợ quá tải”.

Khát vọng nông nghiệp công nghệ cao   

Từ nay đến cuối năm, Nguyễn Quốc Phong dự định sẽ hoàn tất việc mở một văn phòng và cơ sở tại TP.Đà Nẵng với diện tích khoảng 600m2² để trưng bày các mô hình nông nghiệp công nghệ cao của mình và hướng tới mở một văn phòng khác tại Quảng Nam trong năm 2018. Các mô hình mà dự án H2O Farm của anh Phong nhận thiết kế bao gồm: trồng rau thủy canh, trồng rau sạch tại nhà, trồng rau thủy canh hydroponics (rau ăn lá) và rau thủy canh aquaponis (cây leo). Ngoài tiến hành thiết kế, dự án của Phong cũng đảm nhận việc bảo trì 2 tuần/lần đối với các mô hình, vệ sinh hệ thống và cung cấp cây con. Hiện tại, H2O Farm đang có một vườn ươm cây giống trong nhà kính tại xã Bình Giang, huyện Thăng Bình với hơn 10 loại giống rau để đảm bảo đủ cây con cho các gia đình có nhu cầu.

Không dừng lại ở việc thiết kế “rau cho nhà phố”, H2O Farm của anh Phong cũng nhận thiết kế các dự án thủy canh thương mại, hệ thống tưới nhỏ giọt và đã lắp đặt được 2 dự án với tổng diện tích 1.400m2 tại TP.Đà Nẵng và thị xã Điện Bàn với chi phí khoảng 30 đến 50 triệu đồng/1.000m2. Anh Phong cho biết thêm, hiện nay đang có 2 đơn vị khác tại TP.Huế và huyện Đại Lộc đang đặt vấn đề thiết kế trồng rau thủy canh thương mại, nhiều khả năng hợp đồng sẽ được thực hiện trong năm nay. Ngoài ra, hiện nay trên toàn quốc cũng có nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm tìm hiểu mô hình của H2O Farm và rất tâm đắc muốn xúc tiến lắp đặt nhưng do tiềm lực còn hạn chế nên tạm thời dự án của Phong chưa thể mở rộng trên cả nước. Dự án H2O Farm của Nguyễn Quốc Phong hiện cũng được mời tham gia vào khóa ươm tạo thứ 4 đang diễn ra của Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng qua sự thuyết phục của ông Võ Duy Khương – Chủ tịch Hội đồng Điều phối mạng lưới khởi nghiệp Đà Nẵng.

Tuy vậy, Nguyễn Quốc Phong đang định hình và ấp ủ một khát vọng lớn hơn về nông nghiệp sạch với việc đưa ứng dụng IOT (Internet Of Things) vào canh tác. Đây nôm na được hiểu là chương trình ứng dụng để tính toán, xây dựng thu thập mọi cơ sở dữ liệu liên quan đến cây trồng hướng đến tự động trong canh tác nhằm cho mục tiêu cuối cùng là tăng năng suất và giá trị cho cây trồng. Hiện nay, H2O Farm đang tiến hành thử nghiệm mô hình này gần 3 tháng và nhận được kết quả tích cực. Sau một thời gian liên tục đi thực địa và xúc tiến mô hình tại TP.Đà Lạt, đầu năm 2018 tới, H2O Farm sẽ lần đầu tiên tiến hành lắp đặt ứng dụng IOT cho 2.000m2 đất trồng cà chua, ớt theo phương pháp thủy canh cho một số hộ nông dân tại đây. Theo nhận định của Phong, dù hệ thống nông nghiệp thủy canh ở TP.Đà Lạt khá phát triển nhưng còn chưa chuyên nghiệp. Dự án chỉ là bước khởi đầu và hy vọng trong tương lai H2O Farm sẽ tiếp tục là cầu nối, đòn bẩy để thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam.

QUỐC TUẤN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tâm huyết với nông nghiệp công nghệ cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO