Tâm huyết với “võ ta”

THIÊN LÝ 19/04/2013 16:04

Võ sư Võ Kiểu, chưởng môn nhân võ phái Lạc Long Môn, vẫn miệt mài với những trang sách luận về nghiệp võ ở tuổi 75…

Võ sư viết nhiều sách

Bảy tuổi, Võ Kiểu đã theo sư phụ Võ Bá (ở Đại Lộc) học võ. Lên 14 tuổi, Võ Kiểu thi đậu bằng cấp huấn luyện viên võ thuật cổ truyền Việt Nam. Ông còn học boxing, nhu đạo, pencatsilat, wushu để nhận đẳng cấp Hồng đai đệ tam đẳng môn võ tự do (gồm võ ta, quyền anh, nhu đạo). Từ đó, ông tham gia huấn luyện viên võ thuật, sáng lập viên, nghiên cứu viên của nhiều hội quyền thuật, lò võ ở miền Trung.

Chân dung võ sư Võ Kiểu.
Chân dung võ sư Võ Kiểu.

Từ năm 1966, ông là Tổng thư ký Liên đoàn Quyền thuật miền Trung. Năm 1982, ông nhận nhiệm vụ huấn luyện viên võ thuật môn võ cổ truyền và quyền anh cho lớp võ sinh các câu lạc bộ võ thuật của Phòng TD-TT huyện Điện Bàn và Hội An. Từ năm 1983-1987, ông nhận trách nhiệm tổ chức võ đài thi đấu phục vụ quần chúng do các đơn vị huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, Hội An và Đà Nẵng tổ chức. Từ tháng 8.1988, ông tổ chức câu lạc bộ võ thuật 4 huyện miền núi  của Quảng Nam. Ở đâu, ông cũng là người trực tiếp huấn luyện và tự tay soạn giáo án giảng dạy. “Dạy võ là niềm đam mê của tôi. Dù dạy ở đồng bằng hay miền núi, tôi cũng thấy mình đã khuấy lên phong trào thể dục thể thao, giúp đồng bào mình có thêm cái để giải trí, rèn luyện sức khỏe” - ông bộc bạch.

Một số đầu sách của võ sư Võ Kiểu.
Một số đầu sách của võ sư Võ Kiểu.
Võ sư Võ Kiểu hiện được mời làm Trưởng ban cố vấn - biên soạn giáo trình sơ trung và cao đẳng Trường phổ thông võ thuật Bảo Long (Hà Nội). Ông đã được Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam tặng bằng khen vì những đóng góp cho sự nghiệp võ thuật cổ truyền, được Bộ VH-TT&DL trao kỷ niệm chương Vì sự nghiệp VH-TT&DL.

Cuối năm 1997, ông bàn giao câu lạc bộ võ thuật 4 huyện miền núi lại cho trưởng tràng Lê Đức Huy, một đệ tử tâm huyết của ông, rồi trở về quê (xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên) tiếp tục tham gia các hoạt động võ thuật thuộc Phòng VH-TT huyện. Từ đó, ông thường xuyên viết báo về võ thuật, giữ mục võ y đăng tải những bài thuốc y học dân gian; hay viết bài giới thiệu về các câu lạc bộ võ thuật, những chuyên đề võ lâm kể chuyện cho nhiều tờ báo, tạp chí… Hiện ông đã in được hơn chục đầu sách, do NXB Đà Nẵng ấn hành như: Chuyện võ huyện Duy Xuyên (2008), Chuyện võ Quảng Nam - Đà Nẵng (2003), Chuyện võ miền Trung (3 tập, 2006), Nêu danh võ tướng thời xưa (4 tập, 2011) và Chuyện xưa tích cũ (4 tập)… Đây là những sách viết về những võ tướng có công với đất nước. Về võ y, ông có các cuốn: Những bài thuốc hay gia truyền (NXB Đà Nẵng - 2001), Chuyên đề y học dân tộc cổ truyền (3 tập, NXB GTVT - 2004)… Về võ công, chuyên đề nghiên cứu tham khảo thực hành môn võ thuật cổ truyền (lưu hành nội bộ của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam) trình bày 9 bài võ, đáng chú ý có Phụng hoàng quyền pháp, Lạc long quyền pháp, Ngũ long quyền pháp... Ở mỗi tập sách, ông đều đề cập võ đức như một yếu tố căn bản, nêu bật công lao của các tiền nhân dùng võ thuật giữ nước.

Võ Kiểu khai triển bài “Tứ phương cận chiến quyền pháp”.                                                                                                                                Ảnh: T.LÝ
Võ Kiểu khai triển bài “Tứ phương cận chiến quyền pháp”. Ảnh: T.LÝ

Cũng là hội viên Chi hội UNESCO thơ Đường Quảng Nam, võ sư Võ Kiểu còn “trình làng” tập “Lược sử trường ca”, mô tả những sự kiện lịch sử Việt Nam. Ông tâm sự: “Viết sách, tôi quan niệm làm sao thế hệ mai sau biết đến lịch sử võ ta, biết được truyền thống của cha ông dùng võ để đánh giặc giữ nước như thế nào, từ đó đề cao võ đức, tinh thần yêu nước”.

Trăn trở với “võ ta”

Những tập sách được xuất bản đều được ông trình bày một cách hệ thống về lý luận võ ta. Nói về võ ta, ông cho rằng, việc đổi tên “võ ta” thành “võ cổ truyền” từ khi thành lập Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam (năm 1991) là một… thất sách. “Ai không biết đó là võ cổ truyền? Còn khi gọi “võ ta”, tên gọi này đã là một cái đập ngực tự hào về một món võ gắn bó với dân tộc từ hàng ngàn năm qua, mang vẻ đẹp mà không môn võ nào trên thế giới có được. Nó không chỉ là một môn võ phòng thân, chống ngoại xâm mà còn là một tư tưởng vô cùng quan trọng trong hệ thống tư tưởng Việt Nam” – ông nói.

Cũng theo võ sư Võ Kiểu, thế đánh của võ ta không cứng như gậy mà mềm như roi; không chỉ là thứ để triệt hạ mà còn để khèo, đạp, móc… với 24 thế cước. Đặc biệt, các môn võ thế giới thì bay cào đánh xa, còn võ ta lại trườn sát đất, thoắt cái đã áp sát đối phương rồi tung đòn quyết định, có thể bằng cùi chỏ, đầu gối hay gót chân. Điều này rất phù hợp với dáng hình nhỏ bé, lanh lẹ của người Việt Nam. “Võ ta thực dụng lắm. Giao đấu không mang tính trình diễn thể thao như mấy môn phái khác. Chính vì thực dụng như vậy nên các món võ như karate, taekwondo thường thất bại trong thi đấu tự do với võ ta” – ông bình luận. Múa xong bài quyền “Tứ phương cận chiến quyền pháp” cho tôi xem, võ sư nói tiếp: “Võ ta rất chú trọng đến việc áp sát đối phương. Người càng nhỏ thì càng dễ dàng áp sát. Bởi vậy, không có môn phái nào mà trong thi đấu không cần phải phân loại võ sĩ theo hạng cân như ở võ ta. Đây là môn võ không cần phải luyện tay chân rắn như sắt chém gãy cả gạch đá, tất cả đều nhẹ, khéo léo. Khi cần, chỉ một ngón tay mềm cũng có thể khiến đối phương đau như bị dao đâm hay ăn phải búa tạ”.

Theo võ sư, tính thực dụng có được là vì võ ta được hình thành từ truyền thống đánh giặc giúp nước, nên các đòn của nó rất nguy hiểm, hạ gục đối phương càng nhanh càng tốt. Vì vậy, ngoài võ công ra, võ ta còn đề cao 3 nhân tố nữa. Người học võ chân chính phải biết viết sách về các bậc võ thuật đã có công với đất nước (võ triết), phải biết chữa bệnh (võ y), đặc biệt phải có đạo đức (võ đức). “Võ sĩ là người không biết đánh vật mặc dù đánh vật là chuyên môn của họ. Tiếc rằng, nền võ học này chỉ truyền miệng và đến nay những người nắm được tinh hoa của nó đã vắng dần. Những vẻ đẹp ấy bị chìm lấp dưới những vẻ đẹp thiên về hình thể của cá môn phái võ ngoại pháp” – võ sư Võ Kiểu nói.

Bởi niềm trăn trở ấy, ông miệt mài viết sách bàn về võ ta. Hiện ông đã hoàn thành bản thảo cuốn “Chuyện võ Điện Bàn”, nhưng tiếc là thiếu kinh phí để in. Dù đã 75 tuổi nhưng võ sư Võ Kiểu vẫn thường xuyên luyện tập võ thuật. Mỗi sáng, ông xách đến mấy trăm gàu nước tưới cho khu vườn rộng xung quanh nhà. Ai tới thăm đều được ông chuyện trò về võ thuật một cách say sưa. Ông luôn khiêm tốn và né tránh kể về những trận giao đấu trong quá khứ, bởi theo ông người học võ thường kỵ điều đó. Nhưng chúng tôi đã được nghe kể về thành tích ông từng đánh bại rất nhiều đối thủ thách đấu ở trong và ngoài nước.

THIÊN LÝ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tâm huyết với “võ ta”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO