Cơ quan chức năng TP.Tam Kỳ đang thực hiện các biện pháp để xử lý nghiêm nhiều trường hợp xây dựng nhà ở, công trình dân sinh sai phép, không phép trên địa bàn. Tuy nhiên, công tác chấn chỉnh tình trạng vi phạm trật tự xây dựng đang gặp một số vướng mắc.
Biện pháp “mạnh tay”
Đầu năm 2016, UBND phường Hòa Thuận và các ngành chức năng TP.Tam Kỳ đã tiến hành thực hiện biện pháp cưỡng chế tháo dỡ đối với 2 công trình nhà ở sai phép trên địa bàn (xây dựng trong năm 2015). Trong khi đó, đối với 3 trường hợp nhà ở không phép nhưng đủ các điều kiện xây dựng, địa phương đã hướng dẫn các thủ tục pháp lý để người dân thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình. Vấn đề đặt ra là khi thực hiện các biện pháp “mạnh tay”, cơ quan chức năng và cả người dân đều thiệt hại về tiền của và công sức. Do vậy, một biện pháp để ngăn chặn ngay từ đầu cũng được địa phương thực hiện. Ông Trần Kim Hà - Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Thuận cho biết: “Thời gian qua, thông qua các buổi họp tại khối phố cũng như qua các ngày lễ kỷ niệm, ngày hội đại đoàn kết toàn dân, địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến người dân. Bên cạnh đó, thông qua loa đài phát thanh của phường, chúng tôi đã đưa một số nội dung, thông tin về luật xây dựng, luật đất đai để người dân nắm rõ, từ đó giảm thiểu tình trạng xây dựng lấn chiếm, cơi nới trên địa bàn”.
Lực lượng chức năng TP.Tam Kỳ thực hiện cưỡng chế tháo dỡ công trình dân sinh cơi nới, lấn chiếm trái phép tại phường Tân Thạnh. |
Tuyên truyền các văn bản luật đất đai, luật xây dựng là cần thiết nhằm giảm thiểu tình trạng xây dựng nhà ở, công trình dân sinh không phép hoặc lấn chiếm, cơi nới trái phép. Tuy nhiên, đối với phường trung tâm thành phố có nhu cầu cao về xây dựng nhà ở, công trình dân sinh như Tân Thạnh thì việc quản lý trật tự xây dựng cũng không kém phần quan trọng để ngăn chặn người dân tái vi phạm. Theo ông Huỳnh Minh Cảnh - Chủ tịch UBND phường Tân Thạnh, hiện nay địa phương đã đạt được danh hiệu “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị”. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ kinh doanh nhỏ lẻ xây dựng công trình dân sinh lấn chiếm đất công, lề đường, lối thoát hiểm… “Địa phương đã tăng cường tuyên truyền, vận động nên một số hộ dân tự tháo dỡ công trình sai phạm. Đặc biệt là sau khi người dân trả lại mặt bằng nguyên trạng, chúng tôi tiến hành quản lý chặt chẽ bằng nhiều hình thức như trồng cây xanh, kiến thiết lại các vỉa hè, lối thoát hiểm để người dân không tái lấn chiếm xây dựng” - ông Cảnh nói.
Còn nhiều vướng mắc
Quản lý trật tự xây dựng hiệu quả cùng với việc kiên quyết xử lý các trường hợp sai phạm đã góp phần giảm thiểu tình trạng xây dựng nhà ở trái phép trên địa bàn thành phố trong thời gian qua. Trong khi cả năm 2015 có 61 trường hợp vi phạm thì đến thời điểm hiện tại, toàn thành phố có 15 trường hợp. Hai địa phương giảm nhiều nhất là phường Trường Xuân (từ 19 trường hợp năm 2015 còn 1 trường hợp tính đến thời điểm hiện tại năm 2016); và phường Hòa Thuận (từ 17 trường hợp còn 1 trường hợp). Tuy nhiên, việc lập lại trật tự xây dựng hiện nay vẫn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Theo ông Nguyên Đức Chính - Đội trưởng Đội quy tắc đô thị TP.Tam Kỳ, Nghị định số 180/2007/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng năm 2003 cho phép UBND cấp xã phường ra quyết định cưỡng chế công trình vi phạm trật tự xây dựng. Tuy nhiên, theo Thông tư 02/2014/TT-BXD của Bộ Xây dựng hướng dẫn thi hành một số điều Nghị định 121/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng thì UBND cấp xã phường không được ra quyết định cưỡng chế công trình vi phạm trật tự xây dựng. Điều này làm cho vai trò quản lý trật tự xây dựng cũng như việc ngăn chặn kịp thời người dân vi phạm tại các địa phương bị ảnh hưởng nhất định. Bên cạnh đó, Nghị định 180/2007/NĐ-CP (hướng dẫn thi hành một số điều luật xây dựng 2003) quy định, thanh tra xây dựng được phép đề nghị cấp có thẩm quyền ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước cho công trình vi phạm để người vi phạm không có điều kiện tiếp tục thi công. Tuy nhiên, Luật Xây dựng 2014 có hiệu lực thi hành (thay thế cho Luật Xây dựng 2003) đã bỏ quy định này, làm cho cơ quan chức năng gặp vướng mắc trong việc ngăn chặn và xử lý các trường hợp cố tình không chấp hành quyết định đình chỉ thi công.
Ngoài ra, Luật Xây dựng 2014 ra đời cũng cho phép người dân các xã nông thôn xây dựng nhà ở và công trình dân sinh (không nằm trong khu bảo tồn, khu di tích văn hóa) mà không cần phải xin phép xây dựng. Điều này khiến cho địa phương và cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Ông Chính nói: “Trong công tác quản lý trật tự xây dựng thì các xã phường có vai trò hết sức quan trọng. Do vậy, các địa phương phải tăng cường kiểm tra, phát hiện và có giải pháp ngăn chặn kịp thời các sai phạm. Địa phương cũng cần công bố rộng rãi các quy hoạch cho người dân nắm rõ thông tin cũng như đẩy mạnh cải cách hành chính trong việc cấp giấy phép xây dựng, tạo điều kiện cho người dân xây dựng nhà ở đúng quy định. Đối với người dân, khi xây dựng nhà ở, công trình dân sinh phải tìm hiểu các quy định của Nhà nước để tránh trường hợp sai phép, dẫn đến phải xử phạt, cưỡng chế gây thiệt hại tài sản”.
Một khi người dân nắm rõ pháp luật của Nhà nước, được tạo điều kiện lập các thủ tục xây dựng nhà ở, công trình dân sinh đúng quy định và cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ cũng như kiên quyết xử phạt các trường hợp sai phạm thì việc chấn chỉnh, lập lại trật tự xây dựng sẽ đạt kết quả.
TƯỜNG QUÂN