HĐND TP.Tam Kỳ vừa thông qua chủ trương thành lập 4 phường trên địa bàn thành phố theo chỉ đạo về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Chủ trương sáp nhập xã, phường và tên gọi phường mới được người dân Tam Kỳ đồng tình ủng hộ.
Đồng thuận cao
Nói về chủ trương sáp nhập các xã, phường, ông Phan Công Ba trú ở phường An Xuân (Tam Kỳ) cho rằng, ông hoàn toàn ủng hộ vì đây là cơ hội thuận lợi cho các địa phương phát triển trong tình hình mới. Đối với địa bàn Tam Kỳ, từ 12 xã, phường sáp nhập còn 4 đơn vị hành chính cấp xã, theo ông Bình cũng là điều hợp lý.
“Hiện nay quy mô dân số và diện tích mỗi xã, phường của TP.Tam Kỳ khá nhỏ nên việc sáp nhập không có gì ngạc nhiên. Về tên gọi cho các phường mới thành lập khá hay, phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương. Chẳng hạn, các phường An Mỹ, An Xuân, Trường Xuân là vùng lõi của Tam Kỳ từ trước đến nay nên sau khi sáp nhập lấy tên phường Tam Kỳ cũng là điều đúng đắn” - ông Bình chia sẻ.
Theo UBND TP.Tam Kỳ, trên cơ sở đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh, thành phố đã tổ chức lấy ý kiến cử tri về đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Kết quả cho thấy, tỷ lệ cử tri đại diện hộ gia đình ủng hộ việc sáp nhập rất cao với hơn 98% và tỷ lệ đồng thuận với tên gọi của các phường mới hơn 95%.
Theo đó, sáp nhập 12 xã, phường trên địa bàn thành phố để thành lập 4 đơn vị hành chính cấp xã mới, bao gồm: Phường Tam Kỳ (nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của phường An Mỹ, An Xuân, Trường Xuân), phường Bàn Thạch (phường Tân Thạnh, Hòa Thuận, xã Tam Thăng), phường Quảng Phú (phường An Phú, xã Tam Thanh, Tam Phú), phường Hương Trà (phường Hòa Hương, An Sơn và xã Tam Ngọc).
Sau khi sáp nhập, phường mới Tam Kỳ có quy mô dân số hơn 44 nghìn người và diện tích 8,3km2, nơi đặt trụ sở làm việc dự kiến tại phường An Mỹ. Phường Bàn Thạch có quy mô dân số 36,8 nghìn người và diện tích 34,7km2, nơi đặt trụ sở làm việc dự kiến tại phường Tân Thạnh.
Phường Quảng Phú có quy mô dân số hơn 28,8 nghìn người và diện tích 36,2km2, nơi đặt trụ sở làm việc dự kiến tại phường An Phú. Phường Hương Trà có quy mô dân số hơn 33,5 nghìn người và diện tích 14,6 km2, nơi đặt trụ sở làm việc dự kiến tại phường An Sơn.
Tiếp nối truyền thống
Tam Kỳ là vùng đất thuộc huyện Hà Đông, phủ Thăng Hoa của đạo Thừa Tuyên - Quảng Nam, được hình thành từ năm 1471 dưới thời vua Lê Thánh Tông. Đến năm 1906, đời vua Thành Thái, huyện Hà Đông được nâng lên thành phủ Hà Đông và sau đó đổi thành phủ Tam Kỳ. Từ một phủ lỵ năm 1906, đến năm 1997 trở thành trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh Quảng Nam khi tỉnh được tái lập và phát triển lên thành phố vào năm 2006.
Từ đó đến nay, Tam Kỳ không ngừng vươn lên, khẳng định vai trò là đô thị loại II, trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa quan trọng của tỉnh và khu vực.
Đảm bảo quá trình tiếp nối truyền thống và giữ mạch nguồn phát triển trong tương lai, việc sáp nhập thành 4 phường và cách đặt tên gọi cho các phường mới của TP.Tam Kỳ được nhiều người đồng tình ủng hộ.
Dưới góc nhìn của mình, bà Đặng Thị Phú Hoa - Trưởng ban Pháp chế HĐND TP.Tam Kỳ cho rằng, các đơn vị hành chính phường mới trên địa bàn thành phố sau khi sắp xếp được điều chỉnh khép kín; tính liên cư, liên địa, thông suốt trong công tác quản lý nhà nước, thuận lợi trong quản lý dân cư. Đồng thời đảm bảo sự tương đồng về lịch sử, văn hóa, cư dân cũng như sự phát triển kinh tế xã hội.
Ông Phạm Hoàng Đức - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Tam Kỳ chia sẻ, Tam Kỳ từ bao đời nay là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa và truyền thống cách mạng vẻ vang. Theo dòng chảy lịch sử, cái tên “Tam Kỳ” đã trở thành biểu tượng, gắn liền với bao thăng trầm, đổi thay của vùng đất Quảng Nam “địa linh nhân kiệt”.
Trước yêu cầu thực tiễn phát triển, cùng với chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về sắp xếp đơn vị hành chính; tinh gọn bộ máy, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, cấp tỉnh là bước đi tất yếu, phù hợp với xu thế đổi mới và phát triển bền vững của đất nước.
Thực hiện chủ trương này, các ngành của thành phố, các xã, phường đã tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng các đơn vị hành chính cấp xã; xây dựng phương án sắp xếp, đảm bảo đúng quy trình, khoa học, chặt chẽ. Với tinh thần phát huy dân chủ, lắng nghe ý kiến nhân dân, thành phố đã tiếp thu, đề nghị tỉnh điều chỉnh tên gọi các phường mới mang đậm dấu ấn, chiều sâu văn hóa, lịch sử và được nhân dân thành phố đồng tình.
“Việc triển khai sắp xếp các đơn vị hành chính không thể tránh khỏi khó khăn, thách thức, nhất là trong việc tổ chức lại bộ máy; tâm tư, tình cảm của người dân, cán bộ, công chức. Song, chúng ta hiểu rằng, việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính là một quyết định mang tính lịch sử - không chỉ là phép cộng đơn thuần về địa giới hành chính mà là việc mở rộng không gian phát triển, là cuộc cách mạng đổi mới hệ thống chính trị nhằm bắt kịp xu thế phát triển mới” - ông Đức nói.