Buổi đối thoại giữa lãnh đạo TP.Tam Kỳ với doanh nghiệp diễn ra trong không khí cởi mở, cùng nhau chia sẻ những thuận lợi và khó khăn, hướng tới sự phát triển chung của thành phố.
Nhiều kiến nghị
Mở đầu buổi đối thoại, ông Nguyễn Thanh Tâm - Giám đốc Công ty CP TMDV Tâm Group mong muốn du lịch Tam Kỳ có những bước đột phá để phát triển. Nhiều địa điểm như làng bích họa Tam Thanh, Địa đạo Kỳ Anh, làng sinh thái Hương Trà, bãi sậy Sông Đầm... có thể làm du lịch phù hợp với du lịch cộng đồng mà thành phố hướng tới.
Ông Tâm nói: “Tôi đề xuất thành phố nên chọn Tam Thăng làm địa điểm đầu tư mạnh mẽ về du lịch vì nơi đây hội tụ nhiều yếu tố có thể tạo sự đột phá. Thành phố nên có cơ chế thoáng, hỗ trợ mạnh mẽ, chẳng hạn hỗ trợ về thuế để doanh nghiệp (DN) tự tin, mạnh dạn đầu tư phát triển du lịch. Chính sách tài chính cũng nên hỗ trợ để DN có thêm động lực, dù có thể nó không nhiều nhưng lại là nguồn lực tinh thần quan trọng”.
Ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó Chủ tịch Hội Khởi nghiệp sáng tạo TP.Tam Kỳ quan tâm đến vấn đề chuyển đổi số. Ông Quốc đặt vấn đề: “Thành phố sẽ có những giải pháp cụ thể, đồng bộ nào để hỗ trợ người dân và DN trong lộ trình chuyển đổi số? Đồng thời, Tam Kỳ có chính sách nào để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển, thu hút nguồn nhân lực đến và quay về đóng góp cho thành phố?”.
Trong khi đó, bà Bùi Thị Tuyết Nhung - Giám đốc HTX Best One đặt câu hỏi: “TP.Tam Kỳ có vùng quy hoạch nào để tạo điều kiện cho các DN khởi nghiệp xây dựng phân xưởng ở quy mô nhỏ không? Nếu có dự án làm nông trại nông nghiệp sạch thì Tam Kỳ có quỹ đất đã quy hoạch để tạo điều kiện làm dự án không? Hiện Best One đang cần từ 2ha - 5ha đất nông nghiệp để trồng cây nhàu phục vụ sản xuất, để có thể hợp đồng được với các đối tác lớn trên thế giới cung ứng sản phẩm từ trái nhàu”.
Sẵn sàng đồng hành
Ông Trần Nam Hưng - Bí thư Thành ủy TP.Tam Kỳ khẳng định: “Thành phố có đề án phát triển du lịch, xác định những địa điểm du lịch làm trụ cột, có biển, có sông, có di tích lịch sử, các điểm du lịch cộng đồng. Du lịch Tam Kỳ không thể phát triển một mình mà nằm trong chuỗi liên kết cùng các địa phương khác.
Thành phố làm du lịch là đi đầu tư hạ tầng, giao cho DN thực hiện, nhưng kéo khách đến với Tam Kỳ thì phải là DN, chính quyền không thể làm được việc đó. Phát triển du lịch làm sao phải để du khách đến, họ ở lại Tam Kỳ ít nhất một đêm thì đó mới là níu chân du khách”.
Với ý kiến từ Best One, ông Hưng đã yêu cầu HTX có đơn gửi đến UBND và Thành ủy Tam Kỳ ngay sau cuộc đối thoại. UBND TP.Tam Kỳ kiến nghị với Ban Thường vụ Thành ủy Tam Kỳ cho ý kiến, giải quyết nhu cầu của HTX. Theo ông Hưng, hỗ trợ DN không gì khác chính là hỗ trợ vào những nhu cầu bức thiết trong quá trình sản xuất mà DN cần.
Ông Bùi Ngọc Ảnh - Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho biết, TP.Tam Kỳ sẵn sàng hỗ trợ DN có dự án đầu tư, được thẩm định đảm bảo, thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. DN cần đất từ 1.000m2 đến 5.000m2 thì có thể đáp ứng được, vì đã quy hoạch khu đất 5ha để các DN quy mô nhỏ di chuyển đến. Việc trồng cây dược liệu và nông nghiệp phải phù hợp thổ nhưỡng, có thể là liên kết với nông dân trồng theo yêu cầu của DN, đó cũng là hướng đi hiệu quả.
Ông Ảnh cho biết: “Vấn đề đầu tư vào giáo dục bây giờ chính là tạo nguồn nhân lực cho tương lai. Đồng thời thu hút và kêu gọi những đơn vị về y tế có năng lực để phục vụ nhân dân Tam Kỳ, gắn du lịch - nghỉ dưỡng - khám chữa bệnh. Thành phố tạo môi trường để thu hút đầu tư. Hiện nay có những điểm đất sạch khoảng 10ha để kêu gọi DN đầu tư trong lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi, khoảng 2ha phục vụ kêu gọi đầu tư y tế. Lĩnh vực nữa là đầu tư đô thị, phát triển thương mại dịch vụ”.
Theo ông Ảnh, vấn đề chuyển đổi số đang được cả nước quan tâm. Năm 2023, TP.Tam Kỳ đặt mục tiêu đóng cửa Trung tâm hành chính công, bởi nhân dân Tam Kỳ phải tiếp cận với chính quyền số, xã hội số. Thành phố đi từng bước nhỏ nhưng phải nhờ các DN lớn cùng vào cuộc. Hạ tầng cần các DN lớn, chính quyền phải quyết tâm thực hiện.