(QNO) - Sáng 5.10, diễn đàn “Kết nối, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” do Hội Liên hiệp phụ nữ TP.Tam Kỳ tổ chức diễn ra sôi nổi, mang đến nhiều kết quả thiết thực thúc đẩy phong trào khởi nghiệp.
Kiên trì học hỏi
Bà Nguyễn Thị Kim Yển - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TP.Tam Kỳ cho biết, hội tổ chức diễn đàn “Kết nối, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp (KN)” với mong muốn giúp cán bộ và hội viên phụ nữ nắm bắt những chủ trương, chính sách về KN, khởi sự kinh doanh.
Đây cũng là cơ hội để phụ nữ thành phố đẩy mạnh các nguồn lực, gắn kết hệ sinh thái KN, tổ chức nhiều hoạt động kết nối, tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, góp phần nâng cao vai trò của phụ nữ tham gia xây dựng và phát triển kinh tế bền vững.
Như kỳ vọng, diễn đàn “Kết nối, hỗ trợ phụ nữ KN” đã tạo được không khí sôi nổi với các phần chia sẻ đến từ những tấm gương phụ nữ KN, nhà tiêu thụ sản phẩm và đại diện chính quyền.
Ở góc độ “người từng trải”, chị Huỳnh Thị Thu Thủy, đại diện hộ kinh doanh Bà Ba Hội (phường Tân Thạnh) chia sẻ: “Trong thời gian ngắn, sản phẩm Bà Ba Hội có sự phát triển tốt là nhờ vào nhiều yếu tốt. Bên cạnh định dạng, khẳng định thương hiệu với bộ “áo giáp” là thủ tục pháp lý vững chắc, chúng tôi tập trung vào khâu tiêu thụ khi kết hợp giữa kênh truyền thống và online. Đồng thời có chính sách bán hàng phù hợp thông qua chiết khấu, khuyến mãi… cho đại lý với tiêu chí “đôi bên cùng có lợi”.
Trong khi đó, chị Bùi Thị Tuyến Nhung (phường An Phú), người được biết đến với thương hiệu “Nhàu best one”, nói: “Tôi cho mình là người KN... “0 đồng” vì vốn liếng KN chỉ mấy chục triệu đồng. Có những lúc thật sự rất khó khăn nhưng tôi chưa bao giờ bỏ cuộc. Cứ có thời gian là tôi tìm tòi học hỏi; khóa đào tạo hay diễn đàn nào tôi cũng cố gắng tham gia”.
Những người KN như chị Thủy, chị Nhung còn cho rằng khâu kết nối, tiếp cận các chính sách hỗ trợ từ địa phương là hết sức quan trọng trong KN.
Không để khởi nghiệp "cô đơn"
Tại diễn đàn, khá nhiều ý kiến đề cập, quan tâm đến lĩnh vực thương mại điện tử; vấn đề đào tạo, nâng cao khả năng tiếp cận công nghệ thông tin vào sản xuất kinh doanh. Trong đó, điển hình là UBND TP.Tam Kỳ đã kết nối với đại diện sàn thương mại điện tử Sendo của FPT trao đổi, thông tin trực tuyến với đại biểu dự diễn đàn về những chính sách, điều kiện bán hàng trên sàn.
Ông Phạm Ngọc Sinh - Trưởng ban Điều hành hỗ trợ KN sáng tạo tỉnh nhấn mạnh, KN cần đầu tư vào công nghệ, khẳng định thương hiệu bằng cách xây dựng nhãn hiệu, nâng cấp mẫu mã và đảm bảo các chứng nhận liên quan.
Bà Vũ Thị Tố Uyên - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Tân Thạnh mong muốn thành phố quan tâm đào tạo, nâng cao kiến thức về ứng dụng công nghệ thông tin cho phụ nữ KN, nhất là những chị em lớn tuổi.
Ở góc độ kênh tiêu thụ, bà Nguyễn Thị Như Lai - Giám đốc Siêu thị Co.opMart Tam Kỳ cho biết, các chủ thể cần cam kết về độ ổn định của sản phẩm. Không thể có tình trạng khi “cầu vượt cung” thì phải chạy đi gom sản phẩm. Trong khi đó, bà Đỗ Thị Tường Vi, người đồng sáng lập chuỗi cửa hàng nông sản sạch An Phú Farm lưu ý, các chủ thể nên đầu tư vào hình thức sản phẩm để thu hút thị hiếu khách hàng.
Với tinh thần luôn sẵn sàng đồng hành với KN, không để "KN cô đơn", ông Bùi Ngọc Ảnh - Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho biết, thành phố đã và đang hỗ trợ, tạo sân chơi tốt nhất cho người KN. Không chỉ đứng ở góc độ xây dựng chính sách phù hợp, hỗ trợ vốn, mà mục tiêu hướng đến của thành phố là tạo cơ sở vững chắc cho KN thông qua các tổ chức như Hội KN sáng tạo TP.Tam Kỳ, Câu lạc bộ Phụ nữ KN Tam Kỳ.
Ông Bùi Ngọc Ảnh mong những người có đam mê, nhiệt huyết KN không nằm ngoài hệ sinh thái KN chung của nhà nước, để có sự đồng hành và hỗ trợ tốt hơn.