Thành phố Tam Kỳ đang nỗ lực thực hiện các giải pháp để khắc phục tình trạng ngập úng cục bộ khi có mưa lớn.
Mưa lớn là ngập úng
Khảo sát của Phòng Quản lý đô thị TP.Tam Kỳ cho thấy, ngoài tình trạng ngập úng tại các nút giao thông như ngã tư Điện Biên Phủ - Hùng Vương, Trần Cao Vân – Hùng Vương, Trần Quý Cáp - Phan Bội Châu, khu vực trước UBND tỉnh và Quảng trường 24.3... thì mưa lớn cũng làm ngập úng tại nhiều khu dân cư trên địa bàn. Theo ông Nguyễn Ngọc Thế - Phó phòng Quản lý đô thị TP.Tam Kỳ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập úng, có thể nêu ra như do ách tắc trong quá trình thi công các dự án, khẩu độ mương thiết kế chưa phù hợp, lưới chắn rác tại các hố ga bị đánh cắp khiến rác thải tràn ngập mương thoát nước. Ngoài ra, còn do tình trạng xây dựng nhà cửa, đổ đất, xà bần không đúng quy định làm lấp mương tiêu thoát nước tự nhiên. “Trong khi đó, hệ thống thoát nước chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ. Công tác vận hành nạo vét, khơi thông hệ thống cống rãnh thoát nước trên địa bàn chưa thể thực hiện đảm bảo theo đúng yêu cầu (6 tháng nạo vét một lần) bởi nguồn kinh phí quá lớn. Với kinh phí hơn 1 triệu đồng/m3 thì việc nạo vét chỉ mới tập trung dành cho những hệ thống thoát nước quan trọng, thuộc trung tâm thành phố” - ông Thế nói.
Mưa lớn gây ngập úng tại khu dân cư khối phố Mỹ Thạch Trung (phường Tân Thạnh). |
Tình trạng ngập úng tại các nút giao thông gây khó khăn cho việc tham gia giao thông, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Tại các khu dân cư, ngập úng gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của hàng chục hộ dân, ô nhiễm môi trường bởi lượng nước tù ứ đọng. Bà Lê Thị Bích Hồng (khối phố Mỹ Thạch Đông, phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) cho biết: “Nếu có mưa lớn thì tuyến đường dân sinh nối từ Phan Bội Châu - Trần Đại Nghĩa của khu dân cư bị ngập úng đến 0,5m. Nước thoát chậm nên việc đi lại sinh hoạt khá vất vả. Nhưng lo ngại nhất là tình trạng nước tù đọng tại các mảnh vườn của người dân lâu ngày, không được khơi thông sẽ là nơi cho muỗi phát triển, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh mầm bệnh sốt xuất huyết. Chúng tôi mong tình trạng ngập úng trên sẽ sớm được giải quyết dứt điểm sau khi các ngành chức năng của thành phố đã có khảo sát thực tế”.
Thi công công trình thoát nước tại đường Phan Châu Trinh (TP.Tam Kỳ). Ảnh: H.G |
Giải pháp khắc phục
Theo ông Huỳnh Minh Cảnh – Chủ tịch UBND phường Tân Thạnh, trên địa bàn phường có 4 điểm dân cư bị ngập úng với hơn 30 hộ dân bị ảnh hưởng. Nhiều người dân tự nguyện hiến đất để lắp đặt đường ống thoát nước tạm thời. Tuy nhiên, cái khó là nguồn kinh phí của địa phương hạn hẹp nên vẫn chờ sự hỗ trợ, hướng giải quyết của thành phố. |
Đánh giá về hiện trạng thoát nước thải và vệ sinh môi trường trên địa bàn TP.Tam Kỳ cho thấy, hệ thống thoát nước của thành phố là hệ thống thoát nước chung. Cả nước mưa và nước thải đều xả chung vào một hệ thống cống rồi đổ ra các tuyến cống cấp 1, sau đó mới đổ ra kênh hồ điều hòa trong thành phố (kênh hồ Nguyễn Du, Duy Tân và Ngã Ba) trước khi đổ ra sông Bàn Thạch. Trong đó, nước thải từ các hộ dân xả ra không được kiểm soát đang có nguy cơ gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm cho các nguồn tiếp nhận và ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sinh hoạt của chính những người dân và mỹ quan đô thị. Theo ông Nguyễn Ngọc Thế - Phó phòng Quản lý đô thị TP.Tam Kỳ, việc tập trung giải quyết tình trạng ngập úng, triển khai các giải pháp phòng ngừa nguy cơ ngập lụt trên địa bàn đang được địa phương chú trọng thực hiện. Từng khu vực bị ngập úng khi có mưa lớn đã được khảo sát, đánh giá và đề xuất các giải pháp khắc phục và đang từng bước thực hiện. Phương án bơm cưỡng chế chống ngập bằng máy bơm công suất lớn tại các khu vực thấp trũng cũng được tính toán.
Đến nay, tại khu vực trung tâm thành phố đã thực hiện xong dự án “Cải thiện môi trường đô thị miền Trung” bằng nguồn vốn ADB. Địa phương đang triển khai dự án “Thu gom, xử lý nước thải và thoát nước TP.Tam Kỳ” bằng nguồn vốn WB. Hai dự án này có tổng kinh phí gần 50 triệu USD, tập trung đầu tư vào 7 phường của nội thành TP.Tam Kỳ (Tân Thạnh, An Mỹ, An Xuân, An Sơn, Hòa Thuận, Hòa Hương, Phước Hòa). Còn 2 phường An Phú, Trường Xuân và 4 xã (Tam Thăng, Tam Thanh, Tam Phú, Tam Ngọc), hệ thống thoát nước mới chỉ được đầu tư rất ít từ nguồn vốn ngân sách, còn thiếu và không đồng bộ. Do đó, địa phương cũng đang nỗ lực tìm kiếm các nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước, cải thiện môi trường tại các khu vực này. “Kế hoạch thoát nước và chống ngập úng trên địa bàn thành phố giai đoạn 2014 - 2020 xác định, mục tiêu cuối cùng là cải thiện chất lượng cuộc sống bằng cách giảm ảnh hưởng của ngập lụt, tạo môi trường vệ sinh cho TP.Tam Kỳ. Nghiêm túc thực hiện công tác quản lý, đầu tư theo đúng quy hoạch chung đã được xây dựng, nhất định trong tương lai, tình trạng ngập úng khi có mưa lớn sẽ được khắc phục triệt để” - ông Thế bày tỏ.
HÀN GIANG