Tam Kỳ: Lại xem xét điều chỉnh kế hoạch đầu tư công

HÀN GIANG 04/10/2023 06:53

Lần thứ tư HĐND TP.Tam Kỳ xem xét điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025. Nội dung này nhận được nhiều ý kiến phản biện từ cơ sở tại hội nghị do Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Tam Kỳ vừa tổ chức.

Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Tam Kỳ vừa tổ chức hội nghị phản biện đối với dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn thành phố giai đoạn 2021 - 2025. Ảnh: N.Đ
Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Tam Kỳ vừa tổ chức hội nghị phản biện đối với dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn thành phố giai đoạn 2021 - 2025. Ảnh: N.Đ

Mong muốn sớm đầu tư

Việc xem xét điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 sẽ được HĐND TP.Tam Kỳ đưa ra bàn thảo tại Kỳ họp thứ 9 tới. Lý giải nguyên nhân cắt giảm, theo UBND TP.Tam Kỳ, do nguồn đầu tư của tỉnh, Trung ương bị cắt giảm, dự báo nguồn thu không bảo đảm.

Tại dự thảo nghị quyết vừa được Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Tam Kỳ tổ chức phản biện cho biết, sẽ cắt giảm, chuyển sang đầu tư ở giai đoạn sau 2026 đối với 64 danh mục, tương ứng giảm kế hoạch hơn 478,1 tỷ đồng. Đồng thời bổ sung 16 danh mục dự án, chương trình để thực hiện các nghị quyết của HĐND thành phố, tổng kế hoạch bổ sung 110,5 tỷ đồng.

Theo dự thảo nghị quyết, trên địa bàn xã Tam Ngọc có một danh mục công trình “đường và hệ thống thoát nước Tam Kỳ - Phú Ninh” chuyển đầu tư giai đoạn sau 2025.

Bà Hồ Thị Vân Diễm - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tam Ngọc cho hay, công trình này được nhân dân rất quan tâm, có kiến nghị nhiều lần tại các phiên tiếp xúc cử tri và cuộc họp, đối thoại tại địa phương, thành phố. Bởi đường có mưa là ngập, nước tràn vào nhà, nguy cơ mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhân dân sống hai bên đường. “Nhân dân mong muốn danh mục này sớm được đưa vào thực hiện” - bà Diễm phát biểu.

Chia sẻ với khó khăn của thành phố dẫn đến việc phải cắt giảm nguồn vốn đầu tư công trong giai đoạn 2023 - 2025, ông Phạm Bá Sang - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường An Sơn nói, trên địa bàn phường có một số danh mục đầu tư dự kiến chuyển qua giai đoạn sau năm 2025.

Nhiều danh mục được nhân dân quan tâm, kiến nghị nhiều lần và được HĐND thành phố tiếp thu, được UBND thành phố trả lời sớm triển khai thực hiện. Trong đó, bức xúc nhất là công trình “Cải tạo, đậy đan mương thoát nước khu vực khối phố 6”.

Tuyến mương này đang gây ô nhiễm môi trường, nhiều đoạn không có nắp đậy. Nhân dân rất bức xúc, đã phản ánh, kiến nghị nhiều lần và mong muốn sớm thực hiện trong giai đoạn này. Nhân dân đề xuất thành phố có chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm để nạo vét, làm nắp đậy” - ông Sang cho biết.

Bà Trần Thị Kim Thanh - Ban tư vấn Kinh tế, xã hội, tôn giáo - dân tộc của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Tam Kỳ nêu quan điểm, thành phố cần quan tâm nghiên cứu đầu tư cho các danh mục đem lại hiệu quả, có tính lan tỏa, nguồn thu cho thành phố như du lịch, giáo dục, y tế… Các nội dung như hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà văn hóa thôn/khối phố cần cân nhắc đầu tư ở giai đoạn này.

Cân nhắc, tính toán kỹ

Cho rằng việc xem xét điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 là cần thiết, tuy nhiên, theo bà Đinh Thị Hương - nguyên Phó Chủ tịch HĐND TP.Tam Kỳ, việc cắt giảm, chuyển giai đoạn sau 64 dự án/219 danh mục (dự án mới 2021 - 2025) chiếm tỷ trọng gần 30% là quá nhiều.

Trong khi đó lại bổ sung 16 dự án. Vậy nên, cần nghiên cứu, đánh giá, khảo sát lưỡng kỹ, tính cấp thiết, xác định có danh mục nào thuộc dự án trọng điểm để quan tâm đầu tư một số dự án nằm trong 64 dự án bị cắt giảm. Cũng cần phân tích, đánh giá các dự án bị cắt, chuyển và nguyên nhân cắt, chuyển (do thiếu vốn hay công tác chuẩn bị đầu tư chậm mà phải cắt, chuyển...).

“Đề án đầu tư cơ sở vật chất cho ngành giáo dục đã được thông qua. Tuy nhiên, dự thảo nghị quyết có cắt, chuyển 7 danh mục trường học, trong khi đó lại bổ sung 1 danh mục. Đề nghị cần làm rõ tính bức thiết của danh mục bổ sung và bị cắt giảm này” - bà Hương nói.

Cũng theo bà Hương, không nên cắt, giảm 284 tỷ đồng nguồn khai thác quỹ đất. Vì đây là nguồn thu quan trọng để đầu tư các dự án, nên cần có giải pháp để tăng thu. Bà Hương đề xuất chính quyền TP.Tam Kỳ quyết liệt thực hiện khai thác các công trình, hạng mục dôi dư sau khi sáp nhập thôn/khối khố, đất công, đất ở để tăng nguồn thu cho ngân sách. Bổ sung và tăng cường các giải pháp thu hút nguồn vốn ODA nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển thành phố.

Giải trình các ý kiến phản biện, ông Nguyễn Quang Tuấn - Trưởng phòng Tài chính - kế hoạch TP.Tam Kỳ cho rằng, các hạng mục, công trình dự kiến cắt giảm, bổ sung đã được nghiên cứu, đánh giá, phân tích, khảo sát theo đúng quy định, đúng tính cấp thiết và bức xúc của nhân dân. Nhiều danh mục, công trình được tỉnh quan tâm đầu tư, thành phố đối ứng ngân sách.

Tuy nhiên, hiện nay tỉnh tạm dừng đầu tư các công trình này. Do vậy thành phố đã nghiên cứu vẫn để danh mục lại nhưng sẽ điều chỉnh giai đoạn đầu tư. Cũng có nhiều hạng mục công trình cần xã hội hóa, nhưng đang vướng mắc trong việc vận động nhân dân nên còn chậm tiến độ.

“Nguyên nhân của việc cắt giảm là dự báo nguồn thu không đảm bảo. Hầu hết các dự án được giữ lại và đầu tư vào giai đoạn khác chứ không phải không đầu tư” - ông Nguyễn Quang Tuấn cho biết.

Theo ông Dương Văn Chí - Phó Chủ tịch HĐND TP.Tam Kỳ, đây là lần thứ tư HĐND thành phố phải họp, xem xét việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Dù không mong muốn, nhưng đây là việc làm cần thiết và phù hợp trong bối cảnh nguồn đầu tư của Trung ương, của tỉnh bị cắt giảm, dự báo nguồn thu không đảm bảo. Các danh mục bị cắt, chuyển sẽ được ưu tiên đầu tư ngay khi xuất hiện nguồn vốn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tam Kỳ: Lại xem xét điều chỉnh kế hoạch đầu tư công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO