Tam Kỳ "nói không" với thịt thú rừng

ĐĂNG NGUYÊN 06/03/2023 08:32

Bằng cam kết “nói không” với hoạt động săn bắt, nuôi nhốt, kinh doanh, vận chuyển và tiêu thụ động vật hoang dã cũng như các sản phẩm từ động vật hoang dã (ĐVHD) trái phép, TP.Tam Kỳ trở thành địa phương đầu tiên của tỉnh phát động chương trình “Thành phố không thịt động vật hoang dã”, góp phần bảo vệ các loài động, thực vật quý hiếm trước nguy cơ tuyệt chủng.

Các bạn trẻ TP.Tam Kỳ hào hứng tham gia chương trình “nói không” với ĐVHD. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN
Các bạn trẻ TP.Tam Kỳ hào hứng tham gia chương trình “nói không” với ĐVHD. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Kêu gọi cộng đồng chung tay

Ông Trần Trung Hậu - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho biết, hiện nay các loài ĐVHD đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, săn bắt và khai thác quá mức. Trong đó, săn bắt, buôn bán và tiêu thụ trái phép được coi là những nguyên nhân chính dẫn đến việc suy giảm đáng kể số lượng ĐVHD.

TP.Tam Kỳ đặt ra chỉ tiêu giảm tỷ lệ các nhà hàng buôn bán, kinh doanh trái phép các sản phẩm ĐVHD xuống dưới 5%/tổng số nhà hàng kinh doanh; 100% cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố cam kết không tiêu thụ ĐVHD và các sản phẩm ĐVHD; 80% các nhà hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống trên địa bàn thành phố cam kết không buôn bán trái phép ĐVHD; giảm tỷ lệ người dân có sử dụng các sản phẩm ĐVHD xuống dưới 15%...

Để ngăn ngừa tình trạng buôn bán, tiêu thụ ĐVHD, thời gian qua, các cấp chính quyền TP.Tam Kỳ xây dựng nhiều phương án tuyên truyền, vận động các nhà hàng, quán ăn, cơ sở kinh doanh và các cơ quan, đơn vị “nói không” với thịt thú rừng, hướng đến xây dựng Tam Kỳ trở thành “Thành phố không thịt thú rừng” vào năm 2030. Đây cũng là hoạt động nhằm hưởng ứng chủ đề “Chung tay bảo tồn động, thực vật hoang dã” nhân Ngày động - thực vật thế giới (3/3) năm nay.

“Nhằm tạo mối quan tâm và chung tay hành động từ các cơ quan, đơn vị và cộng đồng trong việc bảo tồn các loài động vật và thực vật hoang dã, chính quyền TP.Tam Kỳ kêu gọi cán bộ, công chức của các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố và cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn; các nhà hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống và tất cả người dân cần làm gương bằng cách cam kết không tiêu thụ ĐVHD và sản phẩm từ ĐVHD trái phép.

Đồng thời không buôn bán hoặc tham gia vào hoạt động săn bắt, nuôi nhốt, kinh doanh, vận chuyển, quảng cáo và tiêu thụ ĐVHD và sản phẩm từ ĐVHD trái phép. Có như vậy, kế hoạch xây dựng “Tam Kỳ - thành phố không thịt ĐVHD” mới sớm trở thành hiện thực” - ông Hậu nói.

Xây dựng “thương hiệu” của Tam Kỳ

Theo ông Nick Cox - Giám đốc Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học (thuộc Dự án Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học, do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tài trợ), trước sự suy giảm đáng kể của quần thể ĐVHD tại Việt Nam, đòi hỏi sự hợp tác, chung tay hành động quyết liệt hơn từ cơ quan chức năng và cộng đồng nhằm giải quyết các vấn đề một cách khẩn trương, hiệu quả. Trong đó, cộng đồng chính là chủ thể quan trọng trong bảo vệ rừng, đóng vai trò tiên quyết bảo tồn ĐVHD và môi trường sống của chúng.

Thông qua Dự án Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học, ông Nick Cox nói, ông cùng các cộng sự đang nỗ lực hợp tác với người dân địa phương để họ có đầy đủ nguồn lực và kiến thức quản lý tài nguyên thiên nhiên tốt hơn.

“Để chống lại nạn săn bắt và buôn bán ĐVHD bất hợp pháp, ngăn chặn mối đe dọa đối với sự tồn tại của các loài ĐVHD ở Việt Nam, chúng ta cần phải hợp tác chặt chẽ với nhau.

Tôi nhận ra việc bảo tồn ĐVHD và môi trường sống cũng là một vấn đề lớn về kinh tế. Chúng tôi đang làm việc với các doanh nghiệp, chính quyền địa phương và các đơn vị để thúc đẩy các hoạt động mang tính bền vững, đảm bảo cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo tồn” - ông Nick Cox nhấn mạnh.

Cho rằng sáng kiến xây dựng “Thành phố không thịt ĐVHD” là bước đi táo bạo và cần thiết giúp ngăn chặn nạn buôn bán, tiêu thụ thịt thú rừng, hướng đến bảo tồn quần thể ĐVHD, ông Nick Cox hy vọng TP.Tam Kỳ cũng như tỉnh Quảng Nam tiếp tục tiên phong thúc đẩy hành động bảo tồn ĐVHD, xây dựng “thương hiệu” lan tỏa đến các tỉnh thành cả nước trong bảo vệ và khôi phục nền đa dạng sinh học một cách hiệu quả sâu rộng.

Ông Từ Văn Khánh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho hay, tại Quảng Nam, nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện quản lý và bảo vệ ĐVHD đã được ban hành.

Đặc biệt, là sự chỉ đạo tổ chức tuyên truyền, ký cam kết và quán triệt thực hiện “5 không” (không săn bắt, không vận chuyển, không buôn bán, không nuôi nhốt, không sử dụng trái phép ĐVHD và các sản phẩm có nguồn gốc từ ĐVHD), tạo điều kiện bảo tồn và phục hồi các loài động, thực vật quý hiếm trong tự nhiên.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tam Kỳ "nói không" với thịt thú rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO