Tam Kỳ tạo đột phá về giải phóng mặt bằng

ANH SẮC 07/12/2020 07:20

Một giải pháp đột phá trong giai đoạn 5 năm đến (2020 - 2025) được Đại hội Đảng bộ TP.Tam Kỳ lần thứ XXI xác định, đó là thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư.

Để xây dựng đường Điện Biên Phủ, Tam Kỳ phải giải tỏa hàng trăm hộ dân. Ảnh: A.S
Để xây dựng đường Điện Biên Phủ, Tam Kỳ phải giải tỏa hàng trăm hộ dân. Ảnh: A.S

Những chuyển biến tích cực

Ngao du trên tuyến đường Điện Biên Phủ rộng thênh băng qua nhiều xã, phường của Tam Kỳ, ít ai để ý đằng sau dự án này là số phận của cả hàng trăm hộ dân đã hy sinh quyền lợi của mình khi nhường đất đai, ruộng vườn, nhà cửa gắn bó bao đời với họ. Chỉ tính riêng đoạn qua phường An Mỹ đã liên quan đến 90 hộ, trong đó 64 hộ phải di dời định cư nơi khác do giải tỏa trắng. 

Câu chuyện GPMB chưa bao giờ “dễ thở” đối với bất cứ địa phương nào. Tuy nhiên, thời gian qua trên địa bàn TP.Tam Kỳ bước đầu đã có những chuyển biến tích cực, tháo gỡ được “điểm nghẽn” vốn tồn tại dai dẳng làm cản trở quá trình phát triển của thành phố, và đường Điện Biên Phủ là một trong số đó.

Thiệt thòi đối với người dân trong công tác GPMB không hề nhỏ, song họ vẫn vui vẻ đón nhận với mong muốn góp phần vào sự phát triển và làm đẹp thành phố. Tất nhiên, bên cạnh sự hy sinh quyền lợi của người dân còn là chủ trương “nhà nước, doanh nghiệp có thể chịu thiệt một phần để hỗ trợ cho người dân” được TP.Tam Kỳ triển khai thực hiện trong thời gian qua. Đơn cử như cơ chế “chưa có tiền lệ” trong đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Tam Thăng khi ứng trước 80% tiền bồi thường và sẽ chi trả 20% còn lại sau khi phương án bồi thường được phê duyệt. Đồng thời xây dựng khu tái định cư để bố trí đất tái định cư cho người dân theo phương thức đất đổi đất. Nhờ chính sách này mà chỉ sau 1 năm triển khai, Khu công nghiệp Tam Thăng đã có 100ha đất sạch bàn giao cho các nhà đầu tư và đến nay sau 5 năm xây dựng, nơi đây đã trở thành một khu công nghiệp sinh động với 19 dự án đầu tư FDI (515 triệu USD) và 4 dự án trong nước (338 tỷ đồng).

Nhiệm vụ đột phá

Theo đánh giá của UBND TP.Tam Kỳ, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thời gian qua được tập trung thực hiện quyết liệt. Nhờ đó, nhiều dự án vướng mắc kéo dài đã được giải quyết, các dự án có nguồn vốn Trung ương, tỉnh đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng như mở rộng quốc lộ 40B, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi...

Chỉ tính trong giai đoạn 5 năm qua (2015 - 2020), địa phương đã phê duyệt 270 phương án bồi thường của 63 dự án, với hơn 3.400 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó giải tỏa trắng 533 hộ. Đến nay, phần lớn các phương án được triển khai thực hiện đạt kết quả, đã chi trả bồi thường 695 tỷ đồng, bố trí 816 lô đất tái định cư cho người dân. Ngoài ra, một số dự án thực hiện công tác xã hội hóa khá tốt, người dân tự nguyện hiến hàng nghìn mét vuông đất, tự tháo dỡ tường rào, cổng ngõ để làm đường giao thông, công trình công cộng.

Tuy nhiên, thành phố thừa nhận vẫn còn một số dự án chậm do khâu bồi thường, GPMB. Hơn nữa, trên địa bàn thời gian đến tiếp tục có nhiều dự án, công trình được đầu tư xây dựng có nhu cầu GPBM khá lớn, nhất là trên các lĩnh vực kết cấu hạ tầng kinh tế, giao thông, đô thị. Vì vậy, Đại hội Đảng bộ TP.Tam Kỳ lần thứ XXI nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định, một trong những giải pháp đột phá, tạo động lực để thành phố phát triển nhanh, bền vững đó là công tác bồi thường, GPMB, tái định cư, tạo mặt bằng sạch, phấn đấu hoàn thành mục tiêu cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại I vào năm 2025.

Để thực hiện nhiệm vụ này, theo Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ Bùi Ngọc Ảnh, thành phố tập trung phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, vận động tuyên truyền cho người dân về chủ trương, chính sách trong thực hiện bồi thường, góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành. Đồng thời các ngành chức năng phải thực hiện đảm bảo quy trình, quy định trong bồi thường, GPMB với tinh thần công khai, minh bạch; giải quyết kịp thời, dứt điểm kiến nghị của người dân.

Hơn 351 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới

Thông tin từ UBND TP.Tam Kỳ, triển khai xây dựng nông thôn mới từ năm 2015 đến nay, tổng kinh phí đầu tư trên địa bàn thành phố lên đến hơn 351 tỷ đồng. Trong đó, bên cạnh nguồn đầu tư từ ngân sách 257 tỷ đồng, vay tín dụng hơn 45 tỷ đồng thì nguồn vốn do nhân dân đóng góp, hợp tác xã, doanh nghiệp hỗ trợ là hơn 49 tỷ đồng. Nhờ đó, đã đầu tư xây dựng 17 nhà văn hóa - thể thao, 11 công trình thủy lợi, bê tông hóa 43km giao thông nông thôn, kiên cố hóa 16km kênh mương…

Hiện 4 xã của Tam Kỳ đã hoàn thành xã nông thôn mới là Tam Thanh, Tam Ngọc, Tam Thăng, Tam Phú; trong đó Tam Thanh, Tam Ngọc đang tập trung xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. (X.PHÚ)

Tam Kỳ có 21 di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh

Bên cạnh di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia địa đạo Kỳ Anh và di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia Văn Thánh Khổng miếu, trên địa bàn TP.Tam Kỳ còn có 21 di tích cấp tỉnh. Trong đó 19 di tích lịch sử, cách mạng gồm bãi sậy Sông Đầm, mộ cụ Trịnh Uyên, Lương Đình Thự, Trần Thu, Nguyễn Thược, Trần Thuyết, Lê Tấn Trung, Lê Văn Long, phủ đường Tam Kỳ, rừng cây mang tên Bác, đình làng Vĩnh Bình, Hương Trà, Tứ Bàn tiền hiền tự sở, núi Chùa Quảng Phú, nhà mẹ Nguyễn Thị Giáo, chi bộ Đồng, địa đạo Ngọc Mỹ, khu vườn miếu Tân Thái, địa điểm nhập ngũ của lực lượng thanh niên huyện Bắc Tam Kỳ tại thôn Thăng Tân (Tam Thăng); 2 di tích kiến trúc nghệ thuật là đình làng Mỹ Thạch và đình Phương Hòa. Ngoài ra, một số di tích chưa được công nhận như giếng Bốn Trụ, mộ Giày Thầy Thím.

Thời gian qua, việc trùng tu, tôn tạo các di tích được TP.Tam Kỳ quan tâm đầu tư thực hiện. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí hạn chế, một số di tích chưa được sửa chữa, nâng cấp kịp thời nên hiện nay xuống cấp. (A.SẮC)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tam Kỳ tạo đột phá về giải phóng mặt bằng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO