Tam Kỳ trong cuộc Trung Kỳ dân biến

PHÚ BÌNH 16/01/2023 08:28

Trong cuộc Trung Kỳ dân biến năm 1908, muốn biết chính xác về phong trào “Xin sưu chống thuế” (chữ của cụ Huỳnh Thúc Kháng) tại Tam Kỳ, không gì bằng dựa vào tư liệu của các nhân chứng đương thời.

Ký họa phong trào kháng thuế ở Quảng Nam. Ảnh: T.L
Ký họa phong trào kháng thuế ở Quảng Nam. Ảnh: T.L

Phủ Tam Kỳ vào cuối tháng 3 năm 1908 khi nổ ra cuộc “Xin sưu chống thuế” (chữ nho gọi là “Khất sưu kháng thuế”) có 7 tổng, gồm Chiên Đàn, Vinh Quý, Đức Hòa, Đức Tân, Phước Lợi, Phú Quý và An Hòa.

Lỵ sở phủ Tam Kỳ của chính quyền Nam triều đặt tại xã Tam Kỳ. Cách lỵ sở khoảng cây số về hướng đông là nơi đặt đồn Đại lý của Pháp. Tri phủ Tam Kỳ lúc đó là Tạ Kinh Tú; trưởng đồn Đại lý là một người Pháp.

Qua các báo cáo của đồn Đại Lý Pháp

Theo 6 báo cáo của đồn Đại lý Pháp tại Tam Kỳ gửi lên cấp trên từ ngày 31/12/1906 đến ngày 9/3/1908 (mà bà Lê Thị Kinh - cháu ngoại cụ Phan Châu Trinh tìm được từ các thư khố ở Pháp), cuộc vận động dân chúng phản đối chính quyền Pháp và Nam triều của giới nho sĩ địa phương đã trỗi dậy mạnh mẽ.

Báo cáo ngày 1/7/1907 viết: “Những tên này đều là nho sĩ, là học sinh bị trả về quê quán; hoặc tú tài, cử nhân không có việc làm, có cả những cựu quan chức Nam triều thôi việc. Họ tổ chức thành cái gọi là Hội buôn, để tạo ra dáng dấp buôn bán chứ thực sự không làm việc buôn.

Tiệm của họ ở Tam Kỳ chỉ bày mấy thùng dầu hỏa và mấy cái dù, thực ra đó là nơi họ dùng để hội họp. Sau một thời gian hoạt động riêng rẽ, đến nay các thành viên của Hội đó tỏ ra muốn xen vào công cuộc quản lý nội bộ đất nước”.

Một báo cáo cho biết, các nho sĩ đã trở thành “các cố vấn của dân chúng” và vận động dân chúng chống đối chính quyền bằng cách “trình bày cho dân chúng lợi ích của việc đoàn kết để bảo vệ quyền lợi của họ, rằng đã đến lúc phải chấm dứt chế độ lệ thuộc tệ hại nhục nhã họ đang sống” (báo cáo ngày 1/11/1907).

Có báo cáo chỉ ra việc dân chúng đã nghe lời các nho sĩ chống đối chánh tổng, lý trưởng đương chức; đã vận động bầu “người mà dân muốn” trong các cuộc bầu cử ở làng, ở tổng; dân chúng đã khiếu nại, tố cáo hương lý, quan lại bằng mọi cách… khiến gây ra “một tình trạng lộn xộn mơ hồ, một trạng thái vô chính phủ rất tổn hại cho hoạt động của bộ máy cai trị” (báo cáo ngày 5/1/1908).

Chỉ lược trích một số ý của báo cáo, chúng ta có thể hình dung khí thế dân chúng ở 7 tổng khi ấy đã sôi sục như thế nào!

“Thanh thanh thực Đề đốc can...”

Trong “Cuộc kháng thuế ở Trung Kỳ năm 1908” cụ Huỳnh Thúc Kháng viết: “Tam Kỳ là một phủ xa tỉnh lỵ. Quan phủ làm chúa trong 7 tổng. Dân bị khổ đã lâu đời, vì có đồn Trà My, đồn Phương Xá giáp miền núi, có quan một Pháp và lính ở đồn Đại lý gần phủ cùng mỏ vàng Bông Miêu v.v. nên đường sá kinh dinh rất cần.

Tỉnh phái đề đốc Trần Tuệ, giám đốc xem việc đường sá. Đề đốc câu kết với viên tri phủ (Kinh Tú) thường đánh đập dân, nhất là ghét dân cúp tóc; đã hành hạ trong lúc làm sưu lại bắt giao về phủ giam.

Sĩ dân lại có đơn kiện cả chánh phó 7 tổng, tức kiện viên tri phủ một cách gián tiếp, kể nhiều khoản tình tệ. Tỉnh và Bộ còn xét thì vụ xin sưu này xảy ra. Đề Tuệ (đề đốc Trần Tuệ - NV) đã làm nhiều điều ác, vào nhà người bắt dọn để ở và bắt chủ nhà đánh; vào nhà bên đường nghỉ trưa, nghe con nít khóc, bắt chủ nhà căng đánh rồi giải về phủ giam (Nguyễn Kỳ ở Chiên Đàn…).

Biết dân oán (Đề Tuệ) lén về trong phủ. Dân vây phủ, một hai xin viên Phủ và ông Đề đem dân đi xin sưu. Dân kêu nài mãi, các quan không ra. Đêm, dân vào phủ canh, nhất định giữ ông Đề.

Tòa Đại lý cách phủ lỵ ba cây số, biết dân thù oán Đề Tuệ, Đại lý đem lính lên Phủ đưa Tuệ về Tòa. Khi ra cửa Phủ, xe Đại lý đi trước, dân nhường lối đi, xe qua dân kéo theo. Trùm Thuyết người làng Phước Lợi kêu to: “Dân ta xin quan Đại lý giao ông Đề để dân ăn gan”. Toàn đám đồng thanh “dạ”vang lừng. Đề Tuệ ngồi trên xe hộc máu gục xuống, về đến Tòa Đại lý thì tắt thở.

Trùm Thuyết sau khi bị kết án tử hình, chém ở Tam Kỳ, trong án có câu: “Thanh thanh thực Đề đốc can, nhất hô nhi thất tổng chi dân giai ứng (dịch nghĩa: một tiếng hô ăn gan quan đề đốc mà dân bảy tổng dạ vang - NV)”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tam Kỳ trong cuộc Trung Kỳ dân biến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO