Tam Lãnh cán đích nông thôn mới

19/01/2017 09:00

Những con đường bê tông rộng rãi, phẳng phiu đã góp phần làm nên diện mạo mới của xã Tam Lãnh (Phú Ninh). Sự thay da đổi thịt đó là kết quả sau 6 năm phấn đấu từ xã miền núi, điều kiện khó khăn với hạ tầng yếu kém để trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM).

Chung tay xây dựng

Tam Lãnh là xã miền núi nằm cách trung tâm huyện Phú Ninh khoảng 20km về phía nam, diện tích đất tự nhiên 6.930ha. Toàn xã có 1.728 hộ dân với 6.866 nhân khẩu, trong đó có 34 hộ đồng bào dân tộc thiểu số với 124 khẩu. Năm 2011, khi phát động xây dựng NTM xã chỉ đạt 4/19 tiêu chí, hệ thống cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư xây dựng, đường giao thông chỉ đạt 10%, hệ thống thủy lợi chưa đảm bảo, cơ sở vật chất văn hóa chưa được đầu tư xây dựng, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân còn nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người 11,45 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo 12,39%. Ông Nguyễn Thế Vinh - Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh cho hay: “Khi thực hiện chương trình xây dựng NTM, đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương xác định mục tiêu quan trọng là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân bằng việc làm cụ thể và mang tính bền vững. Theo đó, chú trọng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, vận động người dân tích cực cải tạo vườn tạp, xây dựng mô hình kinh tế trang trại, nông - lâm kết hợp. Sau 6 năm chung tay góp sức xây dựng NTM, Tam Lãnh đã có nhiều đổi thay”. Rõ nét nhất là những khu dân cư thoáng mát, sạch đẹp của bà con nhân dân địa phương, điện, đường, trường, trạm đều được kiên cố hóa, đời sống được nâng cao rõ rệt.

Đường liên thôn, xóm của Tam Lãnh đã được bê tông hoá. Ảnh: T.ANH
Đường liên thôn, xóm của Tam Lãnh đã được bê tông hoá. Ảnh: T.ANH

Đó là nhờ sự đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế của người dân. Kể về những mô hình hay, cách làm mới của hàng chục trang trại cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm ở các thôn, ông Lê Văn Minh (trú thôn Đàn Thượng) cho biết: “Gia đình tôi đã mạnh dạn vay vốn đầu tư, cải tạo hơn 15ha đất để trồng keo và mở trang trại nuôi heo rừng. Những năm gần đây, giá cây keo ổn định cùng với nhu cầu của khách hàng về loại thực phẩm từ thú rừng ngày càng cao, mỗi năm gia đình tôi thu nhập gần 200 triệu đồng”. Ông Minh cũng cho biết thêm, hiện nay trên địa bàn xã đã hình thành nhiều mô hình kinh tế lâm nghiệp, phát triển chăn nuôi đàn bò lai… hầu hết mô hình đều được nhân rộng và có hiệu quả, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác đào tạo nghề để chuyển dịch một phần lao động sản xuất nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Hiện nay, xã có 1 cơ sở may mặc và 3 tổ hợp tác, giải quyết được hơn 100 lao động. Hoạt động thương mại dịch vụ từ một chợ cũ chỉ có 40 hộ tư thương buôn bán, sau khi chợ được nâng cấp có 72 hộ đăng ký kinh doanh buôn bán; các hoạt động buôn bán dọc các tuyến đường An Lâu - Quế Phương, An Lâu - Bồng Miêu cũng có những bước phát triển. Sau 6 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, đến thu nhập bình quân trên đầu người của xã Tam Lãnh đạt 28,25 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,46%; 100% hộ sử dụng điện thường xuyên an toàn từ mạng lưới điện quốc gia; số hộ sử dụng nước sạch đạt 100%...

Kết quả đáng mừng

Ông Nguyễn Thế Vinh - Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh cho biết: “Xây dựng NTM có thành công hay không đều phụ thuộc vào người dân. Như bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình văn hóa... nếu người dân không tích cực tham gia thực hiện, cấp trên có hỗ trợ, đầu tư bao nhiêu đi nữa, xã cũng không thể nào hoàn thành được 19 tiêu chí xây dựng NTM”. Và điều quan trọng nữa là, khi làm đường giao thông nông thôn, người dân tự nguyện hiến đất, cây cối hoa màu nên tiến độ thi công các công trình mới được hoàn thành một cách suôn sẻ. Cũng trong năm 2016, Tam Lãnh tập trung hoàn thiện 2 tiêu chí là giao thông và cơ sở vật chất văn hóa. Ông Nguyễn Tấn Hòa - Bí thư Đảng ủy xã Tam Lãnh cho hay: “Đầu năm nay, Đảng ủy xã đã tập trung bàn thảo về các giải pháp thực hiện 19/19 tiêu chí hoàn thành vào cuối năm 2016. Việc lập phương án chỉnh trang tuyến đường làng sáng - xanh - sạch - đẹp gắn liền với việc cải tạo vườn, chỉnh trang hàng rào, cổng ngõ của các hộ dân. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã tạo được sự đồng thuận của bà con trong xã, nhờ thế Tam Lãnh đã xây dựng được nhiều tuyến đường bê tông liên thôn khang trang sạch đẹp, không còn cảnh mưa lầy, nắng bụi, tạo điều kiện cho các em đến trường học tập thuận tiện, người dân đi lại, làm ăn buôn bán để phát triển kinh tế - xã hội địa phương”.

Trong quá trình đầu tư cơ sở hạ tầng, xã Tam Lãnh còn dành kinh phí để sửa chữa kiên cố hóa hơn 90% kênh mương thủy lợi. Hệ thống công trình thủy lợi được xây dựng theo quy hoạch, được bảo dưỡng thường xuyên đã phát huy hơn 80% công suất nhằm đảm bảo công tác quản lý, khai thác hợp lý, đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân. Hạ tầng giao thông nông thôn được quy hoạch, đầu tư xây dựng ngày càng khang trang, sạch, đẹp. Công tác an sinh xã hội được đẩy mạnh, chất lượng cuộc sống người dân ngày một cải thiện, nâng cao, chất lượng các dịch vụ y tế ngày càng đảm bảo, 100% trường học đạt chuẩn quốc gia theo quy định, an ninh trật tự được giữ vững... Đến cuối tháng 12.2016, xã Tam Lãnh được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM. Có thể nói, đối với xã miền núi Tam Lãnh, được công nhận là xã đạt chuẩn NTM trước thềm năm 2017 không chỉ tạo không khí phấn khởi đối với mọi người, mà còn là động lực để cán bộ và nhân dân địa phương tiếp tục xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp ấm no.

THỤC ANH – VĂN CÔNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tam Lãnh cán đích nông thôn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO