Ông Arất Bình (dân tộc Cơ Tu, ở thôn K8, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang) vừa hiến gần 500m2 đất vườn cho chính quyền địa phương để xây dựng công trình điểm trường học mẫu giáo tại thôn K8. Ông Bình cũng là người được nhân dân cảm kích bởi có nhiều hoạt động vì an sinh xã hội ở địa phương.
Hôm chúng tôi đến, ông Bình cùng vợ vừa trở về sau buổi lên rẫy. Hỏi chuyện, ông chỉ cười rồi bảo: “Góp sức với chủ trương của Nhà nước là để cho mấy đứa nhỏ có chỗ ăn học thôi!”. Với cương vị là trưởng thôn, ông Bình hiểu rất rõ những khó khăn khi thiếu trường học cho các em nhỏ. Bởi vậy, khi nghe chủ trương xây dựng trường học mẫu giáo tại thôn bản mình, ông đã hiến tặng ngay khu đất vườn cạnh nhà cho ngành giáo dục địa phương mà không đòi hỏi bất kỳ hỗ trợ đền bù nào. Bà Alăng Thị Nghinh (vợ ông Bình) cũng rất ủng hộ với việc làm của chồng. Bởi hơn ai hết, bà cũng từng dắt bộ đưa đứa con vượt hàng cây số đường rừng để đến điểm trường đi học. Đó là chưa nói đến chuyện đi qua cầu treo bị hư hỏng nặng, rất nguy hiểm. “Có trường mới rồi, các cháu không phải đi học xa nữa” - bà Nghinh bộc bạch.
Ở thôn K8, ông Bình được đánh giá là một trong số người uy tín của làng có nhiều hành động vì an sinh xã hội, tạo điều kiện để đồng bào cùng phát triển trong công cuộc đổi mới, từng bước góp phần thực hiện chương trình mục tiêu nông thôn mới tại địa phương. Theo ông Alăng Ruôn - Phó Bí thư Đoàn xã Sông Kôn, ngoài công việc của một trưởng thôn, ông Bình còn rất quan tâm đến phong trào của đoàn - hội; đi đầu trong việc khuyến khích thanh niên làm giàu bằng các mô hình phát triển kinh tế, xây dựng gia đình văn hóa, từng bước nâng cao đời sống, góp phần xóa đói giảm nghèo. “Nhiều thôn bản ở vùng cao còn thiếu các điểm trường học, nhất là khó khăn trong việc chọn địa điểm xây dựng trường. Bởi vậy, tấm lòng của ông Bình luôn được chính quyền địa phương cũng như bà con thôn bản ghi nhận và tự hào” - ông Ruôn nói.
Trong những năm gần đây, trên địa bàn huyện Đông Giang xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến trong công cuộc đổi mới, xây dựng đời sống văn hóa, vì an sinh xã hội, cùng mục tiêu nông thôn mới. Nhiều hộ đã tình nguyện hiến hàng nghìn mét vuông đất vườn để chính quyền địa phương xây dựng các công trình đường nông thôn, cầu dân sinh, trường học… Ví như thầy giáo Phạm Văn Chính (Hiệu phó Trường Tiểu học xã Ba); ông Bhơriu Anh (ở thôn Bhơ Hôồng 1, xã Sông Kôn); hay như 3 anh em Arất Biếp, Arất Hùng và Arất Ngá (đều ở thôn Tu Ngung, xã Arooih)… Tấm lòng của những mạnh thường quân vùng cao phần nào đã giúp cho công cuộc đổi mới về hệ thống giáo dục địa phương được nâng lên đáng kể.
LĂNG A CÚI