Một cô giáo tuổi vừa đôi mươi, rời đồng bằng lên bám rễ trên con nóc heo hút giữa đại ngàn với ước muốn “cấy cái chữ” vào tương lai con em đồng bào Ca dong. Hơn 13 năm cắm nóc, cô giáo ấy vẫn chưa nghĩ tới chuyện về lại miền xuôi bởi đã trót “mê cái bụng” của đồng bào.
Kim Thái kèm học sinh trong một tiết dạy tiếng Việt. Ảnh: T.Thắng |
Cô giáo Nguyễn Thị Kim Thái (giáo viên tại điểm trường nóc Ông Vinh, thôn 2, xã Trà Vân, huyện Nam Trà My) tâm sự, đến bây giờ, mỗi khi nhớ lại ngày đầu cắm nóc, mình vẫn không hiểu nổi khả năng bám trụ dai dẳng của mình có được từ đâu. Mỗi tháng một chuyến di chuyển hơn một trăm cây số bằng xe đò và cả đôi chân là mở đầu cho cuộc hành trình nhọc nhằn gieo chữ trên nóc. Điểm trường nơi giảng dạy là dãy nhà ván gỗ xây trên gò đất cao, gồm hai phòng học và một phòng lưu trú nhỏ cho giáo viên. Có 20 em nhỏ từ một đến ba tuổi được xếp một phòng thành lớp mầm non, 15 em lớn hơn xếp vào phòng còn lại thành lớp 1 và lớp 2. Các em đều là con em đồng bào Ca dong. Buổi tiếp xúc học sinh đầu tiên, Kim Thái té ngửa khi nhận ra các em không nói được tiếng phổ thông. Trò nói cô không hiểu, cô nói trò càng không nghe, cô giáo trẻ vò đầu bứt tóc không biết cách nào hoàn thành nhiệm vụ. Từ người đi dạy, Kim Thái trở thành người đi học: học tiếng đồng bào. Ban ngày lên lớp, tối lại sau khi cơm nước xong là cắp bút vở, cầm đèn vào nóc học “ngoại ngữ”, đồng bào chỉ cái gì, phát âm ra sao thì ghi phiên âm vào vở về nhà học thuộc. Cứ như thế, Kim Thái dần nói được tiếng Ca dong, giờ đây có thể đối đáp tự nhiên với đồng bào.
Mười ba năm cắm nóc, có lẽ chính sự đùm bọc và cái bụng thật thà của đồng bào đã làm Kim Thái yêu mến không dứt ra được. Kim Thái nói, ngày đầu trai nóc hay trêu chọc, đêm đến họ ném đá rào rào vào tường ván mà chỉ biết trùm mền cắn răng không dám khóc to. Đó là lúc đồng bào chưa hiểu cái bụng mình. Biết vậy, Kim Thái chủ động trò chuyện với từng người, mang quà dưới xuôi ra tặng đồng bào, bày múa hát và tham dự tất cả sự kiện quan trọng của nóc. Hễ chiều rảnh rỗi là cõng gùi ra rẫy hái bắp, tuốt lúa giúp đồng bào để chứng minh cái bụng chân thành của mình. Kim Thái nhớ lại, trong buổi tiệc mừng lúa mới nhiều năm trước, một đồng bào thật thà hỏi: “cô giáo có ăn thịt chuột không?”. Không ngại ngần, Kim Thái đáp ngay: “được, đồng bào ăn cái gì mình ăn cái đó!”. Vậy là miếng thịt chuột đầu tiên được cô giáo ăn thật ngon lành trong hơi men rượu cần và tiếng cổ vũ của đồng bào. Cái bụng của cô giáo và dân nóc đồng điệu với nhau từ ngày đó.
Được lòng đồng bào, có cái gì ngon họ đều mang cho cô giáo, khi bó rau măng, lúc miếng thịt heo hay con cúi lúi rừng. Phòng học chỗ nào dột nát chỉ cần ới một tiếng là đồng bào kéo tới cưa cây đóng ván chữa ngay. Kim Thái nói, ở riết rồi… thấy sướng. Mọi thứ đã có đồng bào, dù nhiều đêm nhớ chồng con quay quắt nhưng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện rời nóc về xuôi bởi ân tình với đồng bào nặng quá. “Cái vui nhất những năm tháng cắm nóc là con em đồng bào đã biết viết, nói tiếng phổ thông, dù chưa sành sõi như các bạn dưới xuôi nhưng đó là khởi đầu tốt cho một tương lai mới” - Kim Thái chia sẻ.
TRẦN THẮNG