Tấm lòng của người quản vạn

NGUYỄN ĐIỆN NGỌC 12/11/2020 08:38

Tuổi già, không đủ sức khỏe để bám biển, lão ngư Đinh Thế Hưởng (thôn Ngọc An, xã Tam Tiến, Núi Thành) ở nhà làm công tác quản vạn để gần gũi, giúp đỡ bà con ngư dân. Công việc này đòi hỏi phải là người có tấm lòng cao cả mới cáng đáng nổi bởi thường xuyên lo hậu sự cho những Ông cá và thi thể người xấu số dạt vào bờ biển.

Ông Đinh Thế Hưởng (ngoài cùng bên trái) cùng ngư dân tổ chức khâm liệm cá Ông lụy vào bờ. Ảnh: N.Đ.N
Ông Đinh Thế Hưởng (ngoài cùng bên trái) cùng ngư dân tổ chức khâm liệm cá Ông lụy vào bờ. Ảnh: N.Đ.N

Gần cả đời gắn bó với nghề “ăn sóng, nói gió”, khi sức khỏe không còn cho phép tiếp tục công việc, ông Hưởng ở nhà phụ giúp các con nuôi thủy sản và được giao giữ trọng trách Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn kiêm Trưởng ban quản vạn. “Đi từng ngõ, gõ từng nhà”, nắm bắt hoàn cảnh thực tế để vận động thực hiện các phong trào chung, đặc biệt là phong trào khuyến học, khuyến tài, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, xây dựng gia đình, tộc họ văn hóa... là công việc thường xuyên của ông Hưởng.

Những năm qua, ông đã vận động cán bộ, nhân dân và những người con quê hương đóng góp được hơn 100 triệu đồng để trùng tu lăng Ông Nam Hải. Vào ngày mùng 6 tháng Giêng hàng năm, ông còn đứng ra tổ chức cúng các vị thần linh, các bậc tiền nhân và những người có công khai cơ lập nghiệp, cầu cho mưa thuận gió hòa, tôm cá đầy khoang. Đồng thời tổ chức lễ cầu ngư, hát bả trạo, đua thuyền tạo không khí vui tươi phấn khởi trước khi ngư dân địa phương ra quân đánh bắt cá vụ Nam.

Mỗi khi phát hiện cá Ông bị lụy vào bờ, Ban quản vạn cùng nhân dân đưa về đặt tại lăng Ông và làm thủ tục chôn cất theo nghi thức truyền thống. Mỗi khi phát hiện thi thể người xấu số trên biển, ông cùng bà con tổ chức khâm liệm và đưa vào nghĩa địa an táng chu đáo. Ông Trần Ưu (người làng Ngọc An) cho biết, dù đã lớn tuổi và kinh tế gia đình không mấy khá giả nhưng ông Hưởng đã hết mình với các phong trào chung.

Ngoài 30 ngôi mộ là những người thân trong dòng tộc, nghĩa địa gia tộc của ông Hưởng còn chôn cất 4 thi thể là những người không may tử vong trôi dạt trên biển. Ngôi mộ đầu tiên do ông Đinh Văn Cầu (cha ông Hưởng) chôn cất một thi thể xấu số trên biển vào năm 1940. Theo di nguyện của người cha, trong hai năm 1974 và 1975, ông Hưởng đã vớt xác hai người đàn ông không có nhân thân, đưa vào chôn cất tại nghĩa địa. Cuối năm 2019, ông cùng những người cao tuổi trong thôn vớt thi thể một phụ nữ bị chết thảm, tổ chức chôn cất.

Ông Hưởng cho biết, nghĩa địa gia tộc hiện có 4 ngôi mộ vô danh, trong đó có 3 người đã được mồ yên mả đẹp và được mang họ Đinh. Theo hương ước, sau 3 năm chôn cất, nếu không có thân nhân đến nhận thì gia đình ông Hưởng làm thủ tục nhập họ, đặt tên và tiến hành xây mộ, làm bia cho những người xấu số. Thi thể được chôn cất năm 1940 đặt tên là Đinh Văn Vàng bởi người đàn ông xấu số này có vài cái răng mạ vàng. Hai thi thể được ông Hưởng chôn cất tiếp theo vào năm Giáp Dần và Ất Mẹo nên đặt tên cho hai người này là Đinh Văn Dần và Đinh Văn Mẹo. Riêng trường hợp được ông Hưởng chôn cất vào cuối năm 2019, chưa đủ 3 năm kể từ ngày chôn nên chưa xây mộ và chưa đặt tên. Tất cả những người xấu số này đều được ông Hưởng thờ phụng và lấy ngày chôn cất làm ngày giỗ hàng năm như những thành viên trong gia tộc.

Năm nay đã gần 90 tuổi nhưng sức khỏe của ông Hưởng vẫn còn khá tốt. Ông chia sẻ, những công việc chung của cộng đồng có phần trách nhiệm của mỗi người, mình có thời gian và tâm huyết nên phải gánh vác để người dân địa phương có chỗ dựa mà chung tay thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tấm lòng của người quản vạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO