Ở cái tuổi bóng xế, vợ chồng ông Bùi Xuân Hồng (79 tuổi) và Trương Thị Dưỡng (71 tuổi, phường Sơn Phong, TP.Hội An) coi việc đùm bọc, cưu mang người đồng cảnh mù lòa với mình là niềm vui sống mỗi ngày.
Nhiều năm nay, trong ngôi nhà nhỏ nằm sâu trong một con hẻm trên đường Lý Thường Kiệt, người dân phố cổ đã quen với hình ảnh của đôi vợ chồng mù ngày ngày mò mẫm dán từng chiếc quạt tre rồi lọ mọ chống gậy mang ra chợ bán đổi gạo mưu sinh. Và trong tổ ấm đơn sơ ấy, người ta cũng không còn lạ với các buổi đi sớm về khuya của vô số mảnh đời bất hạnh, được ông Hồng, bà Dưỡng cưu mang. Hai ông bà năm nay đã bước sang tuổi thất thập cổ lai hy không tài nào nhớ nổi có bao nhiêu người từng trú ngụ nhà mình. Bởi ngoài ông Định (quê Duy Xuyên) và ông Nguyễn Thức (quê ở Quế Sơn) “đóng đô” mấy chục năm nay thì những người khác từ khắp mọi miền đất nước tìm đến đất Hội An mưu sinh rồi xin ở nhờ được đôi ba năm lại khăn gói về quê.
20 năm nay, vợ chồng ông Hồng đã cưu mang những người mù như ông Định (trái) chẳng khác nào người thân trong nhà. Ảnh: TAM CA |
Nhằm góp phần với đôi vợ chồng già có thể sẻ chia, giúp đỡ thêm nhiều hoàn cảnh khó khăn khác, các nhà hảo tâm có thể hỗ trợ theo địa chỉ: ông Bùi Xuân Hồng, phường Sơn Phong, TP.Hội An, Quảng Nam. Hoặc Phòng Công tác xã hội - Báo Quảng Nam, số 142 đường Phan Bội Châu, TP.Tam Kỳ. (Chủ tài khoản: Báo Quảng Nam; số tài khoản: 4200211000646 Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Quảng Nam. Nội dung ghi: Giúp gia đình ông Bùi Xuân Hồng). Từ sự phát tâm và ủng hộ của gia đình bà quả phụ Hồ Tấn Tư (ngụ tại 53 Tiểu La, TP.Tam Kỳ) cho các hoàn cảnh khó khăn được đăng trên mục Địa chỉ từ thiện của Báo Quảng Nam hằng tuần, theo đó sẽ trao tặng 300.000 đồng cho gia đình ông Bùi Xuân Hồng, thông qua Phòng Công tác xã hội Báo Quảng Nam. |
Ông Hồng bảo, giúp người cũng có cái duyên. Đúng ngày đất nước thống nhất, ông và bà gặp nhau và bén duyên khi sinh hoạt tại Trung tâm Khuyết tật TP.Đà Nẵng, được đôi ba năm chuyển về Hội An và cất căn nhà lá ở vùng ngoại ô. Cả hai vợ chồng mù tần tảo kiếm cơm bằng nghề đan quạt và sau nhiều năm dành dụm dựng được căn nhà cấp 4 đủ để che nắng, trú mưa. “Trong một lần ra chợ bán quạt, tôi vô tình gặp chú Định, hỏi han đôi ba câu thì mới hay chú không nơi nương tựa, thế là hai vợ chồng quyết định cho chú về ở chung” - ông Hồng nhớ lại. Từ đó tiếng lành lan truyền, vậy là không ít người khuyết tật hành nghề bán dạo ở Hội An đã tìm đến “địa chỉ từ thiện” và hai vợ chồng có tấm lòng thơm thảo này luôn sẵn sàng mở cửa chào đón họ như người thân trong nhà. “Tôi được hai bác lo cho miếng ăn, chỗ ở ngót 20 năm rồi. Ơn đức của họ thật tình tôi không tài nào đền đáp hết. Không chỉ tôi mà còn nhiều người khuyết tật khác xem đây là ngôi nhà thứ 2 của mình và có thể về tá túc bất cứ lúc nào” - ông Định xúc động.
TAM CA