Tấm lòng đau đáu vì dân, vì nước

LÊ NĂNG ĐÔNG 08/09/2022 06:26

Cuộc đời và sự nghiệp chí sĩ Phan Châu Trinh là kết tinh những phẩm chất tốt đẹp của một người luôn đau đáu vì nhân dân, là gương mặt tiêu biểu cho sĩ phu xứ Quảng trước vận nước.

Nhà lưu niệm chí sĩ Phan Châu Trinh tại xã Tam Lộc, Phú Ninh. Ảnh: XUÂN HIỀN
Nhà lưu niệm chí sĩ Phan Châu Trinh tại xã Tam Lộc, Phú Ninh. Ảnh: XUÂN HIỀN

Phan Châu Trinh sinh ngày 9.9.1872 tại làng Tây Lộc, tổng Vĩnh Quý, nay thuộc xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh. Ông là con trai thứ 3 của cụ Phan Văn Bình - một võ quan quản cơ sơn phòng Nghĩa hội Quảng Nam.

Thuở nhỏ Phan Châu Trinh nổi tiếng thông minh, theo cha học võ và học chữ. Sau khi cha mất (1887), ông trở về quê theo đường cử nghiệp. Năm 27 tuổi, được tuyển vào trường tỉnh và “được xét vào ngạch “học sinh” - hạng học trò giỏi được cấp học bổng”.

Tư tưởng tiến bộ, canh tân

Năm 1900, Phan Châu Trinh đậu cử nhân, cùng khoa với Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Đình Hiến, Trần Quý Cáp. Năm 1901, ông đậu phó bảng, đồng khoa với tiến sĩ Ngô Đức Kế và phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1902, người anh cả là Phan Văn Cừ mất nên ông về để tang, ở nhà dạy học đến năm 1903 thì được bổ làm Thừa biện Bộ Lễ.

Nhận xét về Phan Châu Trinh, những bạn đồng môn đều nhất trí với Huỳnh Thúc Kháng rằng: “Trong thời gian học ở trường tỉnh, ông Phan học ít, hiểu nhiều, đọc sách có con mắt riêng, làm văn tạo xuất cách mới, không làm lối tìm câu bắt chữ, vẽ bóng pha màu, thích đọc sách Luận ngữ, Mạnh tử, cùng các món sử về Kinh thư, Xuân thu có xem đến, còn các Kinh, Truyện khác thì không thèm để mắt. Phan Châu Trinh học đã giỏi lại có tài lanh lợi tháo vát, hết lòng giúp đỡ anh em, nên được anh em kính nể, mến phục, coi như bậc đàn anh”.

Trong nội dung bức thư trả lời một học sinh người Việt học tại Bordeaux, nước Pháp đề ngày 24.1.1925 (theo Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới, tập 2), cụ Phan nói: “Tôi xin nói thực với các anh, tôi đã bỏ hai phần ba đời tôi để tìm lấy thuốc mà chữa trị cho nước nhà. Thông minh tôi tuy kém, tài trí tôi tuy hèn, nhưng trong buổi giao thời này tôi có thể dám nói rằng: cái trách nhiệm nòi giống của dân tộc Việt Nam tôi không nhường cho ai được cả”.

“Không nhường cho ai” nên tuy đã đỗ phó bảng, đã giữ một chức quan trong Bộ Lễ của triều đình Huế nhưng Phan Châu Trinh không cam phận làm quan khi nhận thấy chế độ phong kiến lại đang lâm vào bế tắc, khủng hoảng.

Trong thời gian làm quan ở Huế, Phan Châu Trinh được tiếp xúc với sách vở của những tư tưởng canh tân đất nước như Phạm Phú Thứ, Nguyễn Lộ Trạch và đặc biệt là tác phẩm “Thiên hạ đại thế luận” của Nguyễn Lộ Trạch.

Cùng với đó là những sách mới của các nhà văn hóa và tư tưởng của Cách mạng tư sản Pháp và một số tác phẩm của các nhà tư tưởng tiến bộ của Trung Hoa như Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu.

Sau vài năm ở Kinh đô, ông xác định được một điều là không thể trông mong gì ở vua quan triều đình. Hơn nữa bộ máy quan liêu là một cái gì đó quá lỗi thời, chỉ biết đè nén, trói buộc dân, không cho dân cất đầu lên, trong khi với tình hình hiện tại, không có sức dân thì không làm gì nên chuyện. Nên ông cùng Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp quyết định chuyển hướng vận động duy tân tại Quảng Nam.

Tìm “thuốc” chữa trị vận nước

Về Quảng Nam, Phan Châu Trinh cùng với Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp đã khởi xướng phong trào Duy Tân với chủ trương: “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Các sĩ phu yêu nước của phong trào Duy Tân kịch liệt lên án vua quan phong kiến thối nát, bài xích lối học và thi kiểu từ chương khoa cử, công khai vận động cải cách văn hóa - xã hội, hô hào mở mang trường học dạy chữ Quốc ngữ, phát triển công thương.

Phan Châu Trinh kịch liệt phản đối việc học, việc thi cử lối cũ “lò mò bắt chước: Vạn dân nô lệ cường quyền, Bát cổ văn chương túy mộng trung (dịch là: Muôn dân nô lệ phường quyền mạnh, Tám vế văn chương giấc ngủ mơ)”.

Theo cụ Phan, giáo dục Nho học là cái “ù ù cạc cạc”, làm cho dân mê muội trong sự an phận, “khiến cho con người tối tăm mù mịt, mềm yếu ươn hèn, đã dập tắt chúng ta mọi sinh khí tới mức chúng ta chỉ còn là những con rối”.

Tháng 2.1905, trong chuyến Nam du vào đến Bình Định, gặp lúc mở kỳ thi, Phan Châu Trinh và các cộng sự của mình cho rằng: “Cái học khoa cử làm hại người nước ta đã lâu, ngày nay đã thành đồ bỏ mà sĩ phu ta còn chui đầu vào trong như kiến, giấc mộng mê say này không cho một gậy ngang đầu không thể nào thức dậy được”.

Đồng thời nhấn mạnh, đây là cơ hội tốt nhất để tuyên truyền quan điểm Duy Tân về học thuật, về chủ nghĩa yêu nước, về vai trò của sĩ phu trong thời cuộc. Phan Châu Trinh làm bài thơ “Chí thành thông thánh” (Lòng thành thấu suốt đạo thánh), Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp làm bài phú “Danh sơn lương ngọc” (Ngọc tốt ở núi nổi tiếng), hai bài thơ đều ký tên Đào Mộng Giác.

Nội dung các bài thơ phú kêu gọi sĩ tử đang đắm đuối trong khoa trường và danh lợi, hãy tỉnh dậy lo giải phóng giống nòi khỏi cảnh lầm than. Bài thơ và bài phú với lời lẽ trầm hùng, chan chứa tinh thần yêu nước, kịch liệt lên án chế độ hiện tại, phê phán lối học “trích cú tầm chương”, “chật hẹp và bó buộc”, “đúc tất cả nho sĩ theo một hình thức chung”, “cách giáo dục đó đã khu hết các sĩ phu yêu nước vào con đường tối tăm chật hẹp có lợi cho mình”… Những phê phán đó đã làm sửng sốt, hãi hùng đám quan chức chỉ chuyên cuối đầu nịnh bợ.

Không chỉ phê phán đoạn tuyệt một cách không thương tiếc cái học cũ, Phan Châu Trinh và các cộng sự còn bắt tay thiết kế và tổ chức một nền giáo dục mới, đó là “giáo dục phải trọng mặt thực dụng. Trong nước người nào cũng phải biết một nghề, kỹ nghệ là nghề, khảo cứu là nghề, trước thuật cũng là nghề. Muốn công nghệ được thịnh, thầy giáo phải biết trọng khiếu riêng của thiếu niên”.

Bởi lẽ, trong xã hội có một thực tế rất phổ biến là: “ra ở đời, nhiều điều có học mà vô dụng, nhiều điều xã hội cần thời đại lại không biết. Như thế là vì hoàn cảnh của học đường là một hoàn cảnh đặc biệt, chỉ có không khí viển vông mà không có không khí thiết thực, vì thế phải dạy thực hành trước rồi dạy lý luận sau và phải dùng phép thực nghiệm để dạy hơn là dùng sách”.

Trong một thời gian ngắn, ở Quảng Nam đã có 40, 50 ngôi trường tân học ra đời, dạy chữ Quốc ngữ, chữ Pháp, dạy địa lý, lịch sử, toán, khoa học, thể dục, diễn thuyết và tổ chức du ngoạn. Với những trường nổi tiếng như Diên Phong, Phước Bình, Phú Lâm. Trong đó, tiêu biểu nhất là trường học ở Làng Phú Lâm (nay thuộc xã Tiên Sơn, huyện Tiên Phước) được lý trưởng Lê Cơ (là em họ của Phan Châu Trinh) tổ chức thành một làng kiểu mẫu về công cuộc cải cách. Trong làng có một trường tiểu học dành cho nam và một trường tiểu học dành cho nữ, một hiệu buôn, một nông hội, có hương ước giữ vệ sinh chung, cấm rượu chè, cờ bạc, bài trừ mê tín dị đoan.


*             *

Đánh giá về cuộc đời và sự nghiệp của cụ Phan đối với phong trào yêu nước Việt Nam, tại buổi hội thảo khoa học tưởng niệm 80 năm ngày mất Phan Châu Trinh (1926 - 2006), tổ chức ngày 23.3.2006, Giáo sư Văn Tạo đánh giá: “Nay nhắc đến đám tang Phan Châu Trinh, chúng ta nhắc đến một trong những con người bất tử. “Thác là thể phách, còn là tinh anh” (đại ý là chết về thể xác, nhưng tinh thần, cái hồn không chết). Tinh anh của Phan Châu Trinh còn sống mãi với xứ Quảng, với non sông đất nước Việt Nam…, tinh anh của Phan Châu Trinh là bất diệt”.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tấm lòng đau đáu vì dân, vì nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO