Năm 2020 sắp khép lại với những dấu ấn khá đặc biệt đối với người lính “Bộ đội Cụ Hồ”, khi vừa chung tay chống dịch, vừa dốc sức cứu giúp đồng bào trong thiên tai, hoạn nạn.
Trách nhiệm người lính
Sau hơn một tháng dầm dãi với mưa rừng sương núi, hàng chục cán bộ, chiến sĩ thuộc Lữ đoàn Công binh 270 Quân khu 5 (đóng tại xã Tam Ngọc, TP.Tam Kỳ) hẳn không thể quên hành trình kiếm tìm nạn nhân vụ sạt lở đất kinh hoàng ở xã Trà Leng (Nam Trà My).
Quần nát khu vực hiện trường, lực lượng tìm kiếm tiếp tục chuyển hướng qua lòng hồ thủy điện sông Tranh 2 và sông Leng với hy vọng mong manh tìm thấy 13 người còn mất tích. Những ngày tìm kiếm, sông Leng vẫn còn lũ, nước cuồn cuộn chảy, đất cát, gỗ tràn xuống chất cao hơn 5m. Lũ cuốn trôi cây cầu treo qua sông, những chiến sĩ phải dùng ròng rọc buộc hai đầu, đu dây qua sông để triển khai công tác tìm kiếm.
Khoác áo phao, họ vắt mình trên dây cáp, chờ đồng đội kéo từng người vượt sông. Bữa cơm trưa cũng được chuyển qua bằng đường dây cáp, chiến sĩ dầm mưa suốt cả hành trình. Từng tấc đất, từng gốc cây được bới lên, mưa vẫn nặng hạt.
Thượng úy Đỗ Tấn Hưng - cán bộ Lữ đoàn Công binh 270 kể, một ngày sau khi nhận thông tin về vụ sạt lở, anh cùng đồng đội nhận nhiệm vụ lên đường đến Trà Leng. Sau một ngày hành quân bằng xe tải và đi bộ, họ đã tiếp cận hiện trường. Những ngày đầu, anh Hưng cùng đồng đội ở lại nhà dân gần khu vực sạt lở để tìm kiếm.
“Đêm xuống, mưa lớn xuất hiện, chúng tôi không tài nào chợp mắt khi lâu lâu lại nghe tiếng núi nổ ầm ầm. Điện, sóng điện thoại không có. Nhưng đã là người lính, với chúng tôi, chuyện quan trọng nhất phải hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi đã bám hiện trường, lần theo từng dấu vết nhỏ nhất, có mặt ở bất cứ nơi nào nghi ngờ có người mất tích” - Thượng úy Đỗ Tấn Hưng nói.
Y Ghi Nê cũng là chiến sĩ của Lữ đoàn Công binh 270. Đi nghĩa vụ quân sự, thời điểm Y Ghi Nê hành quân lên núi chỉ cách ngày anh ra quân tròn 2 tháng. Y Ghi Nê tâm sự, đây là lần đầu tiên anh chứng kiến vụ sạt lở núi kinh hoàng đến như thế. Đôi tay trần bới đất, lật từng gốc cây, anh cùng đồng đội phát hiện 3 thi thể. Mỗi ngày sau đó, từ 6 giờ rưỡi sáng, anh lên xe vào hiện trường, đến chiều tối mới tạm kết thúc một ngày, về lại nơi nghỉ.
Thượng tá Nguyễn Hoài Ất - Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Công binh 270 nói, địa hình cứu nạn ở Trà Leng rất khó khăn, đơn vị đã tìm mọi cách để tiếp cận những khu vực tìm kiếm, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho cán bộ chiến sĩ.
“Khó khăn là điều ai cũng có thể thấy, song nhờ được huấn luyện kỹ, cùng với quyết tâm phải nỗ lực thực thi nhiệm vụ bằng tất cả trách nhiệm người lính, bằng tình cảm với người dân đang gặp hoạn nạn, tất cả cán bộ chiến sĩ đều nỗ lực hết sức” - Thượng tá Nguyễn Hoài Ất tâm sự.
Vì nhân dân, vì đồng bào
Thượng tá Trần Quang Trung - Trung đoàn Trưởng Trung đoàn Bộ binh 885 cho hay, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn ra khá phức tạp, đơn vị vừa triển khai nghiêm ngặt công tác phòng chống dịch, vừa duy trì các hoạt động đảm bảo công tác huấn luyện chiến sĩ mới và các mặt công tác, sẵn sàng chiến đấu. Đơn vị tích cực tham gia tìm kiếm cứu nạn, giúp đỡ người dân ở các vùng bị thiệt hại nặng.
“Hiện nay, đơn vị vẫn đang tiếp nhận thực hiện cách ly phòng chống dịch Covid-19 cho các du học sinh Lào. Song song với đó là củng cố thao trường huấn luyện, đảm bảo nơi ăn ở sinh hoạt để sẵn sàng tiếp nhận chiến sĩ mới trong đợt tới. Có thể nói, năm 2020 có khá nhiều áp lực, song từ trong gian khó càng thắt chặt tình cảm dân quân” - Thượng tá Trần Quang Trung nói.
Đánh giá cao những nỗ lực của lực lượng quân sự nói chung, các đơn vị quân đội trên địa bàn tỉnh tham gia tìm kiếm cứu nạn, giúp dân trong bão lũ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng nhấn mạnh, công tác dân vận đã được các đơn vị thực hiện rất tốt, chăm lo đời sống, gắn bó máu thịt với người dân.
“Hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong thiên tai là niềm tin, điểm tựa, giúp người dân yên tâm hơn để từng bước ổn định lại cuộc sống sau bão lũ. Những người lính luôn là lực lượng đầu tiên xông pha vào gian khó, đến những nơi xa xôi, cách trở nhất, vì nhân dân, vì đồng bào. Nghĩa cử cao đẹp, sự hy sinh không ngại gian khó và tinh thần đi đầu xung kích của bộ đội luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp ngành và nhân dân trân trọng, tô thắm thêm truyền thống của lực lượng qua 76 năm xây dựng và trưởng thành” - Phó Bí thư Tỉnh ủy Lê Văn Dũng nhấn mạnh.