Trong số 15 tiến sĩ của “đất học” Quảng Nam, có hai người vinh dự nhất, đó là Phạm Như Xương được tôn vinh là “đệ nhất khoa bảng Quảng Nam” vì đỗ cao nhất (Hoàng giáp - đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân) và Lê Thiện Trị được tôn là “khai khoa tiến sĩ lục tỉnh” vì là người đầu tiên đỗ tiến sĩ không những của Quảng Nam mà của cả 6 tỉnh thuộc khu vực Nam Trung bộ - từ Quảng Nam đến Bình Thuận.
Khai khoa tiến sĩ Lê Thiện Trị được khắc tên trên bia số 4, trong dãy bia ở Văn miếu Huế. |
Lê Thiện Trị, lúc nhỏ có tên là Lê Thiện Chánh, Lê Thiện Minh, tự là Lý Tế, hiệu là Phước Khuê, sinh năm 1796 tại xã Long Phước, huyện Duy Xuyên (nay là thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên), là con của cụ tú tài Lê Thiện Quang, từng nhiều năm giữ chức tri huyện Hòa Vang. Khi đặt tên cho con lúc nhỏ, cụ Lê Thiện Quang đã gửi gắm nhiều hoài bão với mong muốn sau này con sẽ là người quang minh chánh đại, lấy đức thiện làm lẽ sống ở đời. Không ngờ điều này cũng lại vận vào con đường làm quan của Lê Thiện Trị.
Khai khoa tiến sĩ lục tỉnh
Năm 17 tuổi (1813), ông thi đỗ tú tài nhưng liên tiếp 4 - 5 khoa thi Hương sau đó cũng chỉ đỗ... tú tài mà thôi. Không nản chí, ông vẫn ngày đêm dùi mài kinh sử. Sau đó, ông được đặc cách cho vào học ở trường Quốc tử giám, với vai trò là một giám sinh.
Khoa thi Hội năm Mậu Tuất (1838), ông đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Theo Quốc triều khoa lục của Quốc sử quán triều Nguyễn thì khoa này có 2 tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), 8 đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân và 10 phó bảng; trong đó có nhiều người sau này rất nổi tiếng như Doãn Khuê, Nguyễn Cửu Trường, Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Hữu Độ, Phạm Văn Nghị, Nguyễn Dục (phó bảng - Quảng Nam), Nguyễn Tường Vĩnh (phó bảng - Quảng Nam). Khoa thi năm 1838 là khoa thi đặc biệt vì Chánh chủ khảo Trương Đăng Quế, Cơ mật đại thần, Thượng thư bộ Binh và Phó chủ khảo Phạm Duy Phiên, Thượng thư bộ Công đã được vua Minh Mạng chỉ đạo là đề thi và cách chấm phải mang tính thực dụng, chọn cho được người tài ra gánh vác việc nước chứ không phải chọn người giỏi văn chương sách vở. Vua nói: “Sự học quý ở kiến thức, đem ra làm việc mới có thực dụng. Bài thi không cần phải tìm tòi sự lạ lùng bí ẩn. Dù đem việc hiện nay ra hỏi nhưng kiến thức sâu hay nông cũng định được” (Đại Nam thực lục, Nxb Giáo dục, tập 5, trang 288). Chính vì tư tưởng chỉ đạo như vậy cho nên Nguyễn Cửu Trường được đỗ đầu vì “có nhiều kiến thức thực tế” còn Phạm Văn Nghị chỉ đỗ thứ hai vì “chỉ giỏi điển cố và sách vở mà thôi”.
Trước khoa này, dải đất 6 tỉnh Nam Trung bộ từ Quảng Nam đến Bình Thuận chưa có ai đỗ tiến sĩ, vì thế Lê Thiện Trị được vua Minh Mạng ban cờ hiệu với 6 chữ “Tiến sĩ khai khoa lục tỉnh”. Ông vinh dự là vị tiến sĩ đầu tiên của đất học Quảng Nam. Lúc đó ông đã 43 tuổi và là một trong 2 tiến sĩ lớn tuổi nhất của đất học Quảng Nam (sau ông 60 năm, Phạm Tuấn cũng đỗ tiến sĩ trong khoa Ngũ phụng tề phi ở tuổi 47).
Hoạn lộ của ông lúc đầu khá suôn sẻ nhờ tài năng, sự mẫn cán, lòng nhân và nhất là đức thanh liêm. Suốt 15 năm công vụ, khởi đầu là Hàn lâm viện biên tu, rồi Tri phủ Thịnh Viễn (Ninh Bình). Một thời gian được triệu về kinh làm Quốc tử giám tu nghiệp (1842). Năm 1845, được nhà vua chỉ định làm Toản tu để lập Tôn phả (gia phả của Hoàng tộc). Năm 1845 được cử làm Án sát Quảng Bình, sau đó là Án sát Hà Nội. Một thời gian ngắn thì về kinh giữ chức Phó sứ Ty Thông chánh kiêm Biện lý bộ Hộ. Năm 1847 chuyển qua làm Biện lý bộ Hình, sau đó thăng Hữu Thị lang bộ Lại. Năm 1856, được bổ làm Tuần vũ kiêm Bố chánh tỉnh Thuận Khánh (Khánh Hòa - Bình Thuận).
Do đức tính ngay thẳng, thanh liêm, không xu nịnh lại hết lòng thương người, ông được dân chúng yêu mến nhưng lại không được lòng cấp trên. Khi đang giữ chức Tuần phủ Thuận Khánh thì ông gặp nạn bị mất cả chức tước, bị khép tội lưu sau cải thành tội đồ 4 năm. Nhờ người con trai chịu tội thay nên sau một năm bị giam giữ ông mới được cho về quê làm thứ dân. Tuy thi hành kỷ luật nhưng triều đình không thấy có dấu hiệu nhận hối lộ nên không tịch biên gia sản và đục tên ông trên bia tiến sĩ ở Văn Miếu. Sau một thời gian, triều đình bổ dụng lại nhưng ông chán ngán cảnh quan trường lấy cớ tuổi già để từ chối. Ông mất năm 1872, thọ 76 tuổi. Mộ ông hiện nay còn ở Duy Xuyên. Các con ông sau này đều tham gia phong trào Nghĩa hội Quảng Nam.
Vụ án “bao che” và lòng hiếu thảo
Lê Thiện Trị là người có công lớn với quê hương trong công tác khuyến học, khuyến tài. Bằng uy tín của vị “khai khoa tiến sĩ” ông đứng ra vận động xây dựng Văn thánh huyện Duy Xuyên và văn chỉ văn từ ở các xã cũng như động viên phong trào học tập. Noi gương và qua phong trào học tập của huyện, sĩ tử Duy Xuyên ra sức dùi mài kinh sử. Chính vì vậy Duy Xuyên là vùng “đất học” thứ 2 của Quảng Nam (chỉ sau Điện Bàn) với 2 tiến sĩ, 5 phó bảng và 56 cử nhân, chiếm 22% số khoa bảng của Quảng Nam thời Nho học. Cũng vì vậy, Duy Xuyên hiện nay đã lấy tên Lê Thiện Trị để đặt tên cho Quỹ Khuyến học - khuyến tài của huyện.
Khi làm Tuần phủ Thuận Khánh, vì lòng thương người Lê Thiện Trị đã cùng viên Án sát của tỉnh là Ngô Khắc Kiệm tìm cách gỡ tội cho một viên thủ kho tên Nguyễn Đình Quảng, do y làm thất thoát của công trị giá 80 lạng, bằng cách cắt bớt lời khai vu oan của tên tử tù Trần Văn Tín trong hồ sơ và tạo cơ hội cho Nguyễn Đình Quảng khắc phục hậu quả bằng cách “bí mật” bồi thường đầy đủ số tiền thất thoát. Việc đến tai triều đình và ông phải chịu tội: “Nguyên Bố chính, hiện thăng thự Tuần phủ Thuận – Khánh, là Lê Thiện Trị, cùng Án sát Ngô Khắc Kiệm, che chở cho Nguyễn Đình Quảng (riêng bí mật cho đền, sức cho tha ra; lại bỏ bớt lời cung của Trần Văn Tín, đều là cố ý tha tội cho người) cũng lấy tội “bất công bất pháp” để xử, xử bắn chuẩn làm tội đồ 4 năm” (Đại Nam thực lục, tập 7, trang 482).
Việc ông về quê làm thứ dân, sách Đại Nam thực lục viết: “Lê Thiện Thuật người tỉnh Quảng Nam xin chịu tội thay cho cha. Quan tư pháp cho là Lê Thiện Trị nguyên can tội cố ý gỡ tội cho người có tội, thuộc về khoản nặng, xử tội lưu... chuẩn làm tội đồ, con là Thiện Thuật lại lấy cớ là bố ở chỗ giam bị ốm đau, xin chịu tội thay, cầu ơn nhảm bậy, xin bác đi. Quan ở Nội các là bọn Phạm Thanh tâu nói: Thiện Trị tuy can án cố ý gỡ tội cho người, tuy thuộc về tội nặng, nhưng so với Nguyễn Đăng Uẩn, Nguyễn Duy vu cho người đến tội xử tử, Thái Bá Ngũ tư chế đồ quân khí, Trần Ngọc Lâm nhũng loạn có khác nhau, mà của Thiện Trị đã bị nghĩ xử lại không phải là hạng tù nặng tội, sung quân, phát lưu. Huống chi tên phạm ấy đến nơi bị đày đã hơn 1 năm, ốm đau khó chịu nổi, tình cũng nên thương. Nên cho con hắn thay tội để toàn đạo hiếu. Vua y cho” (trang 558).
LÊ THÍ