Tấm lòng người Quảng Ngãi với cụ Huỳnh

XUÂN THỌ 01/12/2015 08:58

1. Với một chiếc xe máy, phải mất khoảng 10 phút để đi từ chân đến đỉnh núi Thiên Ấn (xã Tịnh Ấn Tây, TP.Quảng Ngãi). Vậy mà ở cái tuổi 82, ông Trần Tạo vẫn đều đặn đi bộ lên đỉnh Thiên Ấn vào sáng sớm mỗi ngày để quét dọn, nhang khói cho mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng. Khi ngày tắt nắng, ông mới về nhà. Đã gần 10 năm ông Tạo làm công việc này và xem như phận sự. Ông bảo, nhớ khi xưa, mới đầu leo núi mệt bở hơi tai, dần dần rồi quen. Giờ thì như sáng chiều thể dục. Khi tôi bày tỏ ý định tìm hiểu câu chuyện, ông hẹn cuộc gặp buổi trưa vì sáng nay có đoàn khách lên viếng mộ cụ Huỳnh, ông phải làm “thuyết minh viên”.

Ông Tạo thuyết minh cho khách về thân thế, sự nghiệp của cụ Huỳnh tại mộ cụ Huỳnh ở núi Thiên Ấn. Ảnh: XUÂN THỌ
Ông Tạo thuyết minh cho khách về thân thế, sự nghiệp của cụ Huỳnh tại mộ cụ Huỳnh ở núi Thiên Ấn. Ảnh: XUÂN THỌ

Trưa. Thiên Ấn yên bình. Ông Tạo kể tôi nghe chuyện mình, giọng đều đều theo gió. Gần 10 năm trước, trong một lần thăm viếng mộ cụ Huỳnh, ông Tạo xót lòng trước cảnh hiu quạnh. Đêm về trằn trọc. Sáng sớm hôm sau, ông quay trở lại đỉnh Thiên Ấn, khởi đầu hành trình mà ông xin mạo muội được gọi là “làm bạn với cụ Huỳnh”. Ông mong cụ Huỳnh sẽ bớt hiu quạnh. Ông muốn mộ cụ được tươm tất và đều đặn khói nhang. Thời gian đi qua, ông nhận ra rằng bấy nhiêu cũng chưa đủ. Là vì, khá nhiều người đến viếng mộ cụ Huỳnh muốn hiểu thêm về thân thế, sự nghiệp của cụ. Thế là ông tìm tài liệu về cụ Huỳnh để đọc, và tự đảm nhiệm làm thuyết minh viên điểm di tích mộ chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng trên đỉnh Thiên Ấn. “Cụ Huỳnh đâu chỉ của riêng Quảng Nam, mà cụ đã là người con kiên trung của nước Việt ta rồi. Nên cái việc cỏn con tôi làm này, mong được là chút nghĩa cử của kẻ hậu thế đối với bậc chí sĩ” - ông Tạo xúc động chia sẻ.

Cuối năm 1946, cụ Huỳnh Thúc Kháng là Đặc phái viên của Chính phủ tại Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Trung Bộ. Tháng 12.1946, khi vào làm việc ở Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Trung Bộ, cụ Huỳnh sống tại nhà của bà Nguyễn Thị Yên cho đến khi trút hơi thở cuối cùng vào năm 1947. Sau khi mất, cụ Huỳnh được an táng trên đỉnh núi Thiên Ấn.

Chuông chùa Thiên Ấn ngân vang. Tôi nhớ lời ông Tạo kể, hôm an táng cụ Huỳnh, cả một dòng người từ đỉnh Thiên Ấn chảy ngược về huyện Nghĩa Hành - nơi cụ sống và làm việc những ngày cuối đời. Người Quảng Ngãi mến mộ tài đức của cụ Huỳnh, nên dành mảnh đất thiêng nhất của quê hương núi Ấn sông Trà làm nơi yên nghỉ của cụ.

2. Rời đỉnh Thiên Ấn, qua dòng sông Trà, tôi ngược về thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành để đến di tích Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ ở thôn Phú Bình. Hàng cau xanh dẫn lối đến ngôi nhà mái lá kiểu ba gian. Tôi gặp người đàn ông trung niên đang tỉa cây cảnh. Ông tên Nguyễn Lãnh, 51 tuổi, cháu nội của bà Nguyễn Thị Yên. Bà Yên chính là người trực tiếp lo cơm nước cho cụ Huỳnh kể từ lúc cụ vào ủy ban và sống cùng nhà với gia đình bà cho đến khi qua đời.

Căn nhà của gia đình ông Nguyễn Lãnh, nơi cụ Huỳnh sống và làm việc những năm tháng cuối đời. Ảnh: XUÂN THỌ
Căn nhà của gia đình ông Nguyễn Lãnh, nơi cụ Huỳnh sống và làm việc những năm tháng cuối đời. Ảnh: XUÂN THỌ

Mỗi ngày, sau khi quét dọn nhà cửa, nhang khói xong, ông Lãnh thường dành thời gian chăm sóc cây cảnh. Với ông Lãnh, thú chơi cây cảnh không đơn thuần là đam mê. Nhiều năm trước, một lần được về quê hương Tiên Phước (Quảng Nam) của cụ Huỳnh, ông Lãnh ấn tượng với không gian nơi ngôi nhà lưu niệm của cụ. Từ đó, ông dày công tái hiện không gian ấy cho ngôi nhà của tổ tiên. “Tôi nghĩ đơn giản rằng, ông bà nội đã dành ngôi nhà cho cụ Huỳnh, thì tôi, ngoài trách nhiệm gìn giữ, còn muốn có không gian thật gần nơi cụ sinh ra ở Quảng Nam” - ông Lãnh nói. Riêng về ngôi nhà, trong tâm trí ông Lãnh vẫn còn những ký ức lời kể của nội về cụ Huỳnh. Đó là một người tận tụy với công việc. Trong những lúc căng thẳng, cụ hay ra ngoài sân để tập thể dục nhằm giải tỏa áp lực.

Trong gian nhà chính, những vật dụng của cụ Huỳnh khi xưa như quần áo, bộ bình ly uống trà, giường, khăn đóng…, đều được ông Lãnh gìn giữ cẩn thận. Điều ông lấy làm vui, đó là con trai trưởng Nguyễn Thành Tân, sau những năm tháng bôn ba mưu sinh, đã về sống cùng gia đình và phụ giúp ông trông coi ngôi nhà. Ông Lãnh tâm sự, đã có những khoảng thời gian khó khăn, nhưng gia đình ông vẫn kiên quyết dọn ra ở gần đấy để tiện trông coi ngôi nhà lưu niệm. Cả gia đình ông đều muốn ngôi nhà lưu niệm của cụ Huỳnh có một không gian riêng, để khi khách viếng thăm có thêm phút giây thư thái, tìm hiểu về ngôi nhà, về thân thế, cuộc đời của cụ Huỳnh.

XUÂN THỌ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tấm lòng người Quảng Ngãi với cụ Huỳnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO