Mặc dù cách xa nửa vòng trái đất nhưng nhiều người dân Tam Kỳ biết đến bác sĩ Alan Brooks và dành cho ông những tình cảm đặc biệt. Tên tuổi của ông không chỉ gắn bó với quỹ học bổng mang tên bác sĩ Brooks gần 30 năm qua mà còn gắn liền với những việc làm ý nghĩa, nhân ái dành cho người dân địa phương.
Quỹ học bổng mang tên Brooks
Bác sĩ Alan Brooks sinh ra và lớn lên ở tiểu bang California (Mỹ), năm 1970 ông làm việc trong Đoàn y tế Hải quân Mỹ và có thời gian công tác tại Bệnh viện tỉnh Quảng Tín (trước năm 1975). Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông trở về nước và tiếp tục hành nghề y khoa.
Tháng 3/1993, lần đầu tiên sau 18 năm bác sĩ Alan Brooks mới có dịp đến thăm nơi đã từng công tác. Thực hiện lời hứa, ngày 19/5/1993, ông trở lại thăm Việt Nam lần thứ hai, sau những ngày ở Hà Nội, vợ chồng ông đến thăm Bệnh viện Đa khoa khu vực Tam Kỳ (nay là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam).
Dịp này, bác sĩ Brooks trao tặng cho khoa sản bệnh viện 3.000USD để mua sắm trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân. Ngoài ra, ông còn trao tặng Hội phụ huynh học sinh thị xã Tam Kỳ (cũ) 1.200USD để gửi tiết kiệm, trích lãi trợ cấp học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi.
Ban đầu chỉ có 25 - 30 suất học bổng (chủ yếu là con em nhân viên bệnh viện) được nhận với số tiền khiêm tốn, những năm sau đó, số lượng, đối tượng và giá trị học bổng được tăng dần.
Những năm gần đây, mỗi năm có từ 80 - 120 học sinh, sinh viên là con em của các gia đình có hoàn cảnh khó khăn đang sinh sống, học tập và công tác trên địa bàn TP.Tam Kỳ và huyện Thăng Bình được nhận học bổng với mức 1,3 triệu đồng/suất (đối với học sinh THCS), 1,5 triệu đồng/suất (đối với học sinh THPT) và 500USD/suất (đối với sinh viên đại học).
Ông Huỳnh Văn Luận - Đại diện quỹ học bổng cho biết, trải qua gần 30 năm, quỹ đã cấp học bổng cho hơn 1.500 lượt học sinh, sinh viên với tổng kinh phí gần 1,5 tỷ đồng. Bác sĩ Brooks tài trợ cấp học bổng xuyên suốt cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đạt thành tích xuất sắc trong học tập từ lớp 6 đến lớp 12 và có cơ hội được nhận tiếp học bổng có giá trị cao hơn ở những năm học đại học.
Nhờ sự giúp đỡ, nhiều sinh viên đã thành công trong cuộc sống, có điều kiện giúp đỡ các em học sinh, sinh viên khó khăn khác. Do tuổi cao, sức khỏe yếu, bác sĩ Brooks viết di chúc giao lại cho vợ con ông tiếp tục tài trợ quỹ học bổng này với mong muốn giúp các học sinh, sinh viên vượt khó, học giỏi có điều kiện đến trường.
Tấm lòng nhân ái
Trong những năm công tác tại Bệnh viện tỉnh Quảng Tín, bác sĩ Alan Brooks đã cứu sống hàng chục trường hợp ốm đau, bệnh tật hiểm nghèo, tai nạn chiến tranh. Đặc biệt, giúp đỡ cán bộ, chiến sĩ hoạt động cơ sở cách mạng thoát khỏi những trận đòn roi của địch.
Theo một số nguồn tư liệu, vào một ngày đầu năm 1972, nhà giam Chi khu Quảng Tín chuyển một bệnh nhân là tù binh cộng sản đến điều trị tại Bệnh viện tỉnh Quảng Tín trong tư thế tay chân bị trói chặt, cùng sự canh gác nghiêm ngặt của cảnh sát.
Trước tình hình đó, bác sĩ Brooks mạnh dạn tuyên bố “đây là cơ sở khám chữa bệnh, tất cả mọi công dân đều bình đẳng, có quyền khám và điều trị, không phân biệt thành phần, giai cấp. Đề nghị nhà chức trách phải mở trói chân tay bệnh nhân và không được ai canh gác. Nếu không chấp nhận thì các ông đưa bệnh nhân đi nơi khác để chữa trị”.
Ông Dương Thanh Xuân - nguyên Đội trưởng đội công tác phường 3 (thị xã Tam Kỳ cũ) cho biết, chưa xác định được danh tính nhưng vào thời điểm khoảng tháng 4 - 5/1972, lúc đó ông Nguyễn Ngọc Anh (sinh năm 1949, là cơ sở hoạt động cách mạng ở thôn Bình Hòa, xã Tam Ngọc) bị địch bắt giam tại Chi khu Quảng Tín.
Nhằm tránh những trận đòn roi tra tấn, ông Nguyễn Ngọc Anh giả vờ bị đau trong bụng, buộc bọn chúng phải đưa đến cơ sở y tế để khám và điều trị.
Nhân cơ hội bác sĩ Brooks đưa ra yêu sách, bọn chúng không canh gác nghiêm ngặt, tranh thủ lúc sơ hở, ông trốn khỏi bệnh viện, chạy ra đường đón xe ôm ngược lên hướng sân bay Kỳ Nghĩa, băng đồng lội qua khu vực hố sâu ở Kỳ Trà tìm gặp lực lượng cách mạng.
Được tổ chức tiếp đón, sau đó bố trí về Đội công tác phường 3, ông Anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người dẫn đường, đưa bộ đội vào giải phóng thị xã Tam Kỳ. Ông Anh nay đã qua đời.
Chiến tranh ở miền Nam Việt Nam chấm dứt, hòa bình lập lại, bác sĩ Brooks về nước đã từng có bài viết bày tỏ quan điểm của mình trên tờ Los Angeles Time góp phần tích cực vào việc vận động chính quyền Mỹ bãi bỏ lệnh cấm vận ở Việt Nam.
Và sau chuyến thăm Việt Nam lần thứ hai, khi về đến Hoa Kỳ, bác sĩ Brooks đã viết thư kêu gọi các thân hữu đóng góp kinh phí để thành lập quỹ tái thiết bệnh viện Tam Kỳ. Đặc biệt, ông để lại di nguyện cho con cái và gia đình tiếp tục phát triển Quỹ học bổng Brooks nếu sau này mình qua đời...