Nhặt được của rơi tìm người trả lại, đó là hành động đáng nể phục của ông Hoàng Ngọc Tâm (sinh năm 1954, thôn Hà Bình, xã Bình Minh, Thăng Bình). Ông Tâm đang làm bảo vệ chợ Bình Minh.
Công việc của ông Tâm ở chợ Bình Minh là thức dậy từ lúc 4h sáng để nhắc nhở mọi người buôn bán đúng nơi quy định, giữ vệ sinh chung và khi tiểu thương trở về nhà khoảng tầm 12h trưa thì ông một mình quét dọn chợ, vận chuyển rác. Vì là người về cuối cùng trong chợ nên ông thường nhặt rất nhiều đồ vật, tiền bạc bị bỏ quên lại. Điều đáng nói, dù cuộc sống khốn khó, thu nhập bấp bênh nhưng nhiều lần nhặt được của rơi, ông đều tìm người để trả lại, luôn giữ mình “đói cho sạch, rách cho thơm”.
Chị Nguyễn Thị An - tiểu thương buôn rau tại chợ kể, cách đây hơn 2 tháng, chồng chị đi làm về đưa toàn bộ số tiền kiếm được (khoảng 12 triệu đồng), được gói ghém trong một tờ giấy và chị cho vào túi xách nhỏ rồi đem theo ra chợ. Thế nhưng do đãng trí, chị để quên chiếc túi xách ở đâu không rõ, chỉ đến khi trở về nhà mới biết mất túi xách. Quá hoảng, chị điện thoại cho nhiều người để hỏi thông tin nhưng không ai nhìn thấy chiếc túi xách. Mãi đến xế chiều cùng ngày, mới biết ông Tâm nhặt được nên thở phào nhẹ nhõm. Chị An nói: “Lúc nghe tin chú Tâm nhặt được tiền, tôi rất an tâm. Bởi tôi tin, nếu rơi vào tay chú thì một đồng cũng không bị hao hụt. Đến ngày hôm sau, chú tự tìm đến tôi để trả lại chiếc túi xách, trong đó có toàn bộ số tiền. Lúc này, tôi cũng nhét túi chú 200 nghìn đồng để cảm ơn nhưng bị từ chối. Không chỉ nhặt được của rơi trả cho người bị mất, nếu tiểu thương hoặc ai vào chợ nhặt được bất cứ vật gì bị đánh rơi, chú Tâm đều tuyên truyền, vận động họ trả lại cho người bị mất”.
Không chỉ nhặt được tiền, trong quá trình dọn vệ sinh chợ, ông Tâm còn nhặt được nhiều điện thoại có giá trị, mới đây nhất ông nhặt được chiếc điện thoại iPhone 6 của một người đi chợ làm rơi. Qua thông tin trên Đài truyền thanh xã, một vị khách đã tìm đến và được nhận lại. Ông Tâm nói: “Nếu mình nhặt được tiền của ai đó thì mình tiêu rồi cũng hết nhưng người mất thì có cảm giác lo lắng, buồn khổ. Tôi cũng hiểu được cảm giác như vậy nên nhặt được cái gì dù giá trị nhỏ nhất cũng nên trả lại cho người mất”.
Đã nhiều năm qua, người dân Bình Minh còn biết đến ông Tâm là một người quản trang không lương, sống bằng cái tâm với tinh thần tự nguyện. Công việc của ông ở nghĩa trang liệt sĩ xã là tưới cây, nhổ cỏ. Những ngày lễ lớn, ông dọn dẹp vệ sinh, hương khói cho những ngôi mộ vô danh. Tấm lòng trong sáng của ông được nhiều người nể phục, kính trọng.
GIANG BIÊN