Tấm lưng còng cong hình dấu hỏi

NGUYỄN TAM MỸ 05/12/2015 13:32

Mỗi lần từ TP.Tam Kỳ chạy xe máy về quê, khi đến gần thị trấn Tiên Kỳ, tôi hay nhìn những bà cụ già lụm cụm đi sát mép đường. Bởi cô Hai - vú nuôi tôi thuở nhỏ, thường qua lại trên đoạn đường này. Cô Hai đã về nơi chín suối từ lâu nhưng thẳm sâu trong đáy lòng, tôi vẫn không quên dáng người của cô lúc ở bên kia triền dốc cuộc đời. Tấm lưng còng cong hình dấu hỏi. Chiếc nón mê đội đầu chuyển màu xám tro. Cái bị cói đeo vai - tài sản quý giá nhất sau một ngày khất thực, nhẹ tênh… Tuổi ngoài bảy mươi nhưng tai vẫn thính, mắt vẫn tinh. Và hình như quanh năm suốt tháng chẳng biết ốm đau là gì, lạ thế!

Mẹ tôi bảo, cô Hai đến ở với gia đình tôi khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đất nước ta lần thứ hai sắp kết thúc. Lúc bấy giờ ông bà nội tôi là địa chủ kháng chiến. Hiến hết vàng bạc châu báu, mâm thau nồi đồng, ông bà nội tôi còn tự nguyện đóng góp thóc gạo nuôi quân. Thiếu người xay giã, cô Hai ở làng bên tới giúp đỡ. Sau Hiệp định Genève - 1954, cô Hai vẫn ở với gia đình tôi và trở thành vú nuôi tôi rồi em tôi. Hồi nhỏ tôi là thằng bé ốm nhom gầy còm vì kén ăn. Gần năm tuổi đầu nhưng đến bữa cô Hai vẫn phải đút cơm cho tôi. Cô dỗ ngon dỗ ngọt tôi mới chịu nuốt một miếng, ăn hết chén cơm mất cả tiếng đồng hồ. Ngược lại, em tôi - thằng Cu Đen, cứ đến bữa tự bưng chén xúc ăn ngon lành. Canh rau hay là thịt cá, nó chẳng quan tâm, cô Hai chan bỏ thứ gì nó ăn thứ nấy. Xong, nó tới cái lu trước hiên nhà lấy gáo dừa múc nước tu ừng ực một hơi rồi co cẳng chạy đi chơi. Ba tôi bị “chính quyền ông Diệm” bắt lên quận tập trung “huấn chính” một thời gian dài, cuối cùng cũng phải thả ra. Về nhà, ông buôn cau buôn quế làm kế sinh nhai. Tôi nhớ mãi những mùa cau vào vụ, đêm nào nhà tôi cũng có mươi người hàng xóm tới làm công, róc vỏ cau, tiện núm cau, bửa quả cau thành sáu miếng rồi đổ ra sịa đem xông trên lửa than hoa…

Và mỗi đêm như thế là một buổi sinh hoạt văn nghệ rất vui. Bà cụ Triết không biết chữ nhưng lại thuộc làu Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Phạm Công Cúc Hoa, Lưu Bình Dương Lễ… Cụ vừa róc vỏ cau vừa đọc thơ lên bổng xuống trầm. Còn cô Hai trổ tài hát hò khoan đối đáp khiến mọi người cười vang.

Chiến tranh ngày càng lan rộng. Làng Lâm Bình yêu dấu của tôi trở thành nơi pháo tầm xa bắn phá vô tội vạ. Năm 1965, cũng như bao gia đình khác trong làng, gia đình tôi buộc phải dắt díu nhau vào sống trong ấp chiến lược Hữu Lâm “được” chính phủ quốc gia bảo vệ bằng ba lớp rào tre xen kẽ với kẽm gai bùng nhùng quây chung quanh. Cô Hai không còn ở với gia đình tôi từ đấy. Cô không lấy chồng song tự túc được ba đứa con gái. Khi quê hương hoàn toàn giải phóng, bốn mẹ con cô Hai về làng xưa làm ăn sinh sống. Tôi cũng đã qua cái thời èo uột, nhổ giò lớn lên, đi học rồi đi bộ đội sang làm nhiệm vụ quốc tế bên nước bạn Campuchia. Sau năm năm mặc áo xanh màu của lá, tôi phục viên, chuyển sang làm báo. Rồi tôi rời quê ra phố. Lâu lâu về quê thăm mẹ, hỏi chuyện cô Hai, mẹ bảo: “Ba đứa con gái cô Hai đều đã lấy chồng. Một thân một mình, lại già cả, cô Hai sống khá vất vả. Thỉnh thoảng cô Hai cũng ghé nhà mình thăm chơi. Mẹ cho tiền cho gạo. Cô Hai cảm động nói không nên lời”. Nén tiếng thở dài, tôi hỏi mẹ: “Có ba đứa con gái sao cô Hai không ở với ai?”. Ngừng nhai trầu, mẹ tôi lắc đầu: “Cả ba đều lấy chồng nghèo, cô Hai không muốn chúng nó phải đèo bòng thêm mình, khổ! Vả lại, chồng chúng nó đâu có đứa nào vui vẻ nhận nuôi mẹ vợ…”.

Cô Hai là người tự trọng.

Không đến nhà mẹ tôi thăm chơi thì nhớ, mà đến nhà mẹ tôi thăm chơi thì cô Hai lại ngại. Bởi lần nào tới, mẹ tôi cũng cho tiền cho gạo. Thế nên, mỗi năm cô Hai đến nhà mẹ tôi chơi một ngày, hỏi chuyện gia đình vợ con anh em tôi rồi cùng mẹ tôi ngồi ôn lại cái thời trường kỳ kháng chiến đầy gian nan cực nhọc mà vui. Cuối đời, cô Hai tay bị tay gậy sống nhờ vào lòng tốt của mọi người. Về quê, tôi và em tôi - thằng Cu Đen, hay bắt gặp cô Hai lụm cụm đội nón mê đi sát mép đường từ thị trấn Tiên Kỳ về làng và ngược lại. Anh em tôi dừng xe thăm hỏi. Nhiều lần, cô Hai nghe quen cả tiếng xe từng đứa. Nghe tiếng xe máy của tôi dừng lại bên cạnh, không cần ngước mắt lên nhìn, cô Hai cười hỏi: “Thằng Cúc đẹt đó hả? Dạo này vợ chồng con cái có mạnh khỏe không?”. Hai cô cháu đứng bên đường trò chuyện. Tôi thắc mắc: “Tại sao mỗi khi nghe tiếng xe máy dừng, cô biết ngay là con hoặc thằng Cu Đen?”. Cô Hai cười: “Thì chỉ có hai đứa bay thấy cô mới dừng xe lại thăm hỏi mà thôi!”. Mỗi lần gặp cô Hai, anh em tôi đều cho tiền. Không nhiều, một trăm hoặc năm bảy chục ngàn đồng. Cho nhiều, cô Hai cũng không lấy. Cô bảo: “Cô già lắm rồi, biết sống chết khi mô? Đi xin ngày nào ăn ngày nấy, tích trữ tiền bạc trong người làm chi! Bọn trộm biết cô có tiền, đêm hôm mò tới bóp cổ chết oan…”.

Bẵng đi một thời gian, tôi không còn gặp gỡ cô Hai trên đoạn đường quen thuộc ấy, khi chạy xe máy về quê. Hỏi mẹ, mẹ bảo: “Cô Hai đã mất lâu rồi! Ba đứa con gái, không biết đứa nào nhận phần hương khói cho cô…”. Thấy tôi im lặng, mẹ chép miệng: “Số cô Hai khổ một đời, tội nghiệp!”. Con người ta có số mệnh thật chăng? Tôi băn khoăn nghĩ ngợi. Và tôi lại nhớ cô Hai với tấm lưng còng cong hình dấu hỏi…

NGUYỄN TAM MỸ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tấm lưng còng cong hình dấu hỏi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO