Là thương binh, tuổi cao sức yếu, bà Phan Thị Kim Anh (ở thị trấn Hà Lam, Thăng Bình) thường đau ốm khi thời tiết thay đổi. Vậy mà khi cùng các đồng đội băng rừng lội suối đi tìm mộ liệt sĩ, bà như khỏe mạnh và bừng lại sức sống của thời còn làm y tá ở Sư đoàn 2.
Hơn 50 năm trước, cô gái Kim Anh ở tuổi 22 nhập ngũ và được phân công về làm y tá Sư đoàn 2, Quân khu 5. Là nữ y tá may mắn sống sót trở về sau giải phóng, lại từng chứng kiến nhiều đồng đội đổ máu, hy sinh nên bà Kim Anh luôn đau đáu nỗi niềm sớm đưa hài cốt của đồng đội về với quê nhà. Chính điều đó đã thúc giục bà cùng các đồng đội băng rừng, lội suối tìm kiếm mộ liệt sĩ. Bà đã cùng đồng đội tìm kiếm được 15 hài cốt liệt sĩ trên khắp cả nước và trên chiến trường nước bạn Lào. “Chỉ cần giúp được gia đình thân nhân liệt sĩ tìm được mộ thì dù khó khăn tới đâu tôi cũng sẵn sàng. Chỉ mong hài cốt của đồng đội được tìm thấy hết và đưa về với gia đình” - bà chia sẻ. Cuối năm 2012, bà Kim Anh phải mổ sỏi thận nên sức khỏe càng giảm sút. Tuy vậy, bà vẫn đau đáu với công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. “Ở nhà tôi cứ đau ốm hoài nhưng khi được đi tìm mộ đồng đội là tôi lại hết ốm liền” – bà nói.
Bà Kim Anh ghi chép lại thông tin về các liệt sĩ.Ảnh:Q.HẢI |
“Gia tài” quý giá nhất mà bà Kim Anh đang cất giữ có lẽ là những giấy báo tử của đồng đội, địa chỉ liên hệ và chồng thư dày cộm của các thân nhân liệt sĩ. Lăn lộn qua từng cánh rừng, làng mạc, năm 2009 lần đầu tiên bà cùng đồng đội tìm được hài cốt của đồng đội là liệt sĩ Nguyễn Văn Mừng (quê ở Hải Phòng, chiến sĩ Đại đội Trinh sát Trung đoàn 1, Sư đoàn 2). Tiếp những năm sau đó, bà có 3 chuyến tìm kiếm ở tỉnh Sa-van-na-khẹt (Lào) và nhiều chuyến đi dài ngày trong nước để tìm mộ đồng đội. Những nấm mồ, hài cốt mà bà cùng đồng đội tìm thấy có thân nhân ở khắp cả nước như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Bắc Giang… Với bất cứ gia đình liệt sĩ nào cần sự giúp đỡ, bà cũng luôn tận tụy, hết lòng. Bà cho biết, đáng nhớ nhất là lần tìm mộ chung của 3 liệt sĩ cùng hy sinh tháng 8.1971 là Phạm Văn Cẩn (quê ở Tiên Lãng, Hải Phòng), Nguyễn Văn Chất (quê ở Vĩnh Bảo, Hải Phòng), Tạ Quang Cửu (quê ở Lập Thạnh, Vĩnh Phúc). Dựa vào di vật ít ỏi còn sót lại, mọi người chỉ biết thông tin duy nhất của người thân gia đình liệt sĩ Phạm Văn Cẩn. Để nắm thêm thông tin 3 liệt sĩ hy sinh, bà Kim Anh không ngần ngại đi đến Bộ Tư lệnh Quân khu 5, tìm kiếm thông tin thân nhân của các liệt sĩ và thông báo các gia đình nhanh chóng mang hài cốt người thân về chôn cất tại quê nhà. Chứng kiến giọt nước mắt lăn dài trên má của gia đình liệt sĩ, bao nhọc nhằn, khó khăn trong bà cũng tan biến…
Mỗi khi ốm đau hay những dịp lễ, căn nhà bà Kim Anh trở nên đông đúc, những người tới thăm vợ chồng bà thường là thân nhân của các liệt sĩ. Nhiều người thân mật gọi bà là dì, là mẹ. Trong những năm qua, dù sức khỏe ngày càng yếu đi, đôi chân không còn vững vàng như trước nhưng bà đã thay họ lặn lội qua nhiều vùng đất, chiến trường xưa để tìm kiếm các đồng đội. Đến nay đôi chân bà vẫn chưa muốn dừng lại bởi hơn ai hết bà hiểu sự “trở về” dù có muộn màng của các liệt sĩ sẽ giảm đi phần nào mất mát cho gia đình họ.
HỒNG VÂN