Trong hai cuộc chiến trường kỳ và gian khổ, xã Tam Phú (TP.Tam Kỳ) không chỉ là cơ sở an toàn, tuyệt mật mà còn là môi trường tôi luyện cho biết bao thế hệ con em địa phương trở thành những chiến sĩ cách mạng kiên trung...
Kiên trung đất và người
Trong thời kỳ chống Pháp, Tam Phú có 7 làng nhỏ gồm Quảng Phú Đông, Quảng Phú Tây, Tứ Chánh, Phước Xuyên, Ngọc Sơn, Phú Quý Thượng và Phú Quý Hạ thuộc huyện Hà Đông, phủ Thăng Hoa. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền mới sắp xếp lại còn 3 xã gồm Quý Phú, Tứ Dân và Tam Phú thuộc huyện Tam Kỳ.
Bình yên cánh đồng Ngọc Mỹ. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Trong những năm 1930, ông Lê Huy Lưu ở làng Hạ Thanh là người sớm giác ngộ cách mạng, tự nguyện tìm đến chủ nghĩa Mác - Lênin. Năm 1936 ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, sinh hoạt tại chi bộ ghép ở nội ô Tam Kỳ. Và sau đó ông được chi bộ phân công về địa phương truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, xây dựng cơ sở cách mạng và phát triển đảng ở các xã vùng đông. Năm 1937, ông Lê Huy Lưu đứng ra thành lập chi bộ đảng đầu tiên ở các xã vùng đông với 5 đảng viên do ông làm Bí thư. Cuối năm 1938, chi bộ phát triển thêm 3 đảng viên và tách ra thành Chi bộ Hòa Thanh - Quảng Phú gồm 4 đảng viên do ông Lê Huy Lưu làm Bí thư và Chi bộ Ngọc Mỹ - Quý Thượng cũng có 4 đảng viên do ông Nguyễn Chánh làm Bí thư. Đầu năm 1940, do yêu cầu phát triển lực lượng ở các xã cánh bắc, đồng thời được Phủ ủy Tam Kỳ chỉ đạo, hai chi bộ vùng đông nhập lại thành liên chi bộ phụ trách liên tổng Phú Quý và tổng Chiên Đàn gồm 24 xã. Hội nghị thành lập liên chi bộ được tổ chức bí mật tại đình làng Phú Thượng với 11 đảng viên tham gia. Đến giữa năm 1942, phong trào cách mạng bị địch đàn áp ở khắp nơi, hầu hết đảng viên liên chi bộ bị địch bắt cầm tù tại nhà lao Hội An. Tháng 5.1945, các đảng viên được ra tù, nhanh chóng khôi phục tổ chức đảng, khẩn trương tập hợp lực lượng thành lập đội tự vệ vũ trang, đồng thời kêu gọi nhân dân ủng hộ tiền bạc mua sắm vũ khí và lập ủy ban bạo động khởi nghĩa dưới sự chỉ đạo của liên chi bộ. Rạng sáng 19.8.1945, quân dân vùng đông phối hợp giương cao băng cờ, khẩu hiệu, đèn đuốc sáng rực tiến vào phủ đường buộc Tri phủ Tam Kỳ - Trần Kim Lý giao chính quyền lại cho cách mạng vào thời khắc lịch sử 1 giờ 30 phút.
Di tích lịch sử phủ đường Tam Kỳ. |
Cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược của dân tộc ta kết thúc, tạo ra bước ngoặt lịch sử đưa cách mạng nước ta bước vào kỷ nguyên mới. Tuy nhiên, tình hình lại diễn ra không thuận lợi, đế quốc Mỹ hất cẳng thực dân Pháp, nhảy vào miền Nam, ngang nhiên phá hoại Hiệp định Giơnevơ, đưa Ngô Đình Diệm lên cầm quyền, tìm mọi cách tiêu diệt lực lượng cách mạng miền Nam, thực hiện âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam thành căn cứ quân sự để chống phá miền Bắc.
Thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng, quân và dân Tam Kỳ liên tiếp nổi dậy diệt ác, phá kìm và giải phóng Tứ Mỹ (Tam Trà) tạo bàn đạp để giải phóng các địa phương tiếp theo. Từ đó lực lượng vũ trang ở Tam Kỳ không ngừng lớn mạnh, tổ chức đánh địch ở khắp nơi và liên tục làm tiêu hao nhiều sinh lực địch. Cùng với lực lượng vũ trang của huyện và tỉnh, Đội công tác xã Kỳ Anh, Kỳ Phú vận động nhân dân đánh địch và giải phóng các thôn Ngọc Mỹ, Quý Thượng, Phú Ngọc, Phú Quý. Mặc dù địch liên tiếp mở các cuộc càn quét trên quy mô lớn với thủ đoạn phá sạch, đốt sạch nhưng với tinh thần “một tấc không đi, một ly không rời” nhân dân Tam Phú đã bám trụ giữ làng, đào hầm bí mật, đào địa đạo để nuôi giấu cán bộ, bộ đội, cất giấu lương thực, thuốc men, tự tạo hầm chông, cạm bẫy để chống càn, giữ vững thành quả cách mạng cho đến ngày quê hương giải phóng.
Xây dựng và phát triển
Hòa bình lập lại, Tam Phú bắt tay ngay vào việc xây dựng quê hương trong cảnh ruộng đồng hoang hóa, nhà cửa điêu tàn, cơ sở hạ tầng thấp kém, đời sống nhân dân khó khăn, con em thất học. Khó khăn là vậy nhưng với truyền thống yêu nước nồng nàn và tinh thần chịu thương chịu khó, sau ngày quê hương được giải phóng Đảng bộ và nhân dân Tam Phú bắt tay ngay vào việc phá dỡ bom mìn, khai hoang phục hóa, đào kênh mương thủy lợi đưa nước vào đồng ruộng phục vụ nước tưới cho các loại cây trồng. Nếu như vào những năm đầu quê hương giải phóng năng suất lúa chỉ đạt bình quân 25 tạ/ha, sản lượng lương thực hằng năm không vượt qua 500 tấn thì đến nay năng suất lúa đạt hơn 50 tạ/ha và sản lượng lương thực hằng năm đạt hơn 2.300 tấn... Đặc biệt, sau 11 năm tái lập xã, đến nay kinh tế Tam Phú liên tục tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu theo hướng tích cực, trong đó thương mại - dịch vụ, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chiếm hơn 60%, nông nghiệp 40% và chuyển dần theo hướng nông nghiệp đô thị, sản xuất hàng hóa.
Những năm qua, cơ sở hạ tầng, các công trình phục vụ dân sinh của Tam Phú không ngừng phát triển, nhất là phong trào bê tông hóa giao thông nông thôn. Ông Nguyễn Đức Vương - Chủ tịch UBND xã Tam Phú cho biết: “Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” hoặc “nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, những năm qua, Tam Phú đã thực hiện được hơn 20km đường, kiên cố hóa 5km kênh mương thủy lợi giúp nhân dân đi lại và sản xuất được thuận lợi. Bên cạnh đó, các trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, THCS Lý Thường Kiệt, Mẫu giáo Anh Đào, trạm y tế, cơ quan làm việc UBND xã đã được tầng hóa”. Cũng theo ông Vương, nhà sinh hoạt và các thiết chế văn hóa ở 8 thôn trên địa bàn Tam Phú cũng đã được đầu tư xây dựng mở ra diện mạo nông thôn mới. Các trạm biến áp và đường dây hạ thế điện thắp sáng được mở rộng, nâng cấp hoàn chỉnh, 100% số hộ có điện sinh hoạt. Các công trình Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, Trường Quân sự địa phương, Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, Trường THPT Duy Tân cũng được đầu tư xây dựng khang trang. Các tuyến giao thông do tỉnh quản lý đã được thảm nhựa, đường cứu nạn cứu hộ đang được xây dựng đoạn đi qua các thôn Ngọc Mỹ, Quý Thượng, Phú Ngọc, Phú Quý. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 11,9%, chất lượng giáo dục ở các bậc học được nâng lên, phong trào mũi nhọn được chú trọng, tỷ lệ học sinh giỏi các cấp năm sau luôn cao hơn năm trước. Hệ thống chính trị từ xã đến các thôn được tăng cường, số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ được nâng lên, công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, mặt trận, đoàn thể và các tổ chức xã hội có nhiều chuyển biến tích cực.
Ông Nguyễn Văn Lương - Bí thư Đảng ủy xã Tam Phú nói: “Phát huy truyền thống cách mạng và những kết quả đạt được trong hòa bình xây dựng, thời gian đến, Đảng bộ và nhân dân Tam Phú sẽ không ngừng nâng cao năng lực, sức chiến đấu trong toàn đảng bộ, tăng cường khối đại đoàn kết thống nhất, phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng những quyết sách có tính đột phá và tinh thần dám nghĩ, dám làm theo chủ trương đổi mới của Đảng và Nhà nước. Tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, phấn đấu đưa chuyển dịch kinh tế theo hướng tích cực; tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng gắn với các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới, thực hiện tốt các chương trình an sinh xã hội nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Đặc biệt, không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức nhất là phẩm chất đạo đức và tinh thần thái độ phục vụ nhân dân. Tiếp tục thực hiện quy chế dân chủ gắn với công tác tuyên truyền vận động nhân dân để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ hằng năm”.
NGUYỄN ĐIỆN NGỌC