Từ 20.11 đến 10.12 Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh triển khai chiến dịch uống Vitamin A liều cao cho trẻ em và bà mẹ sau khi sinh lần thứ 2.
Đưa trẻ bổ sung vitamin A ở các trạm y tế xã phường.Ảnh: A.T |
Kéo dài thời gian tổ chức
Thiếu vitamin A vẫn đang là một vấn đề sức khỏe cần được giải quyết, nhất là đối với trẻ em và bà mẹ sau khi sinh. Nhiều chức phận quan trọng của vitamin A đối với cơ thể đã được khoa học ngày càng làm sáng tỏ. Vitamin A là một trong 3 loại vi chất (iốt, vitamin A, sắt) đang được quan tâm vì sự thiếu hụt các vi chất này ảnh hưởng rất lớn đối với sức khỏe cộng đồng. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới có khoảng 3 triệu trẻ em bị khô mắt (tổn thương mắt do thiếu vitamin A dẫn đến mù lòa) và có tới 251 triệu trẻ bị thiếu vitamin A nhưng chưa tới mức bị khô mắt (thiếu vitamin A cận lâm sàng). Trong những năm qua, nhờ triển khai tốt chương trình bổ sung vitamin A liều cao dự phòng đã giải quyết cơ bản tình trạng khô mắt ở trẻ, không còn mối đe dọa mù lòa cho trẻ em.
Tuy nhiên, thống kê từ đợt triển khai uống vitamin A liều cao cho trẻ tháng 6 vừa qua cho thấy, toàn tỉnh có 2.498 trẻ em dưới 5 tuổi bị mắc bệnh có nguy cơ thiếu vitamin A. Trong đó, tập trung nhiều ở các huyện Đại Lộc 584 trẻ, Nông Sơn 354 trẻ, Điện Bàn 276 trẻ… Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Võ Quang Lợi phát biểu: “Ý nghĩa quan trọng của vấn đề là ở chỗ: thiếu vitamin A không chỉ gây khô mắt dẫn tới mù lòa mà tăng nguy cơ tử vong, bệnh tật và làm giảm sự tăng trưởng của trẻ. Chính vì vậy, tiếp tục quan tâm phòng chống thiếu vitamin A nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe cho trẻ em”. Các đợt triển khai uống vitamin A liều cao được tổ chức một năm 2 lần trong 2 ngày nhất định. Nhưng năm nay, thời gian thực hiện nhiều hơn để tạo thuận lợi cho các huyện miền núi triển khai thực hiện. Kết hợp với chương trình bổ sung vitamin A liều cao, trẻ em từ 24 - 60 tháng tuổi được tẩy giun và cân đo cho trẻ dưới 5 tuổi. Ông Võ Quang Lợi nhấn mạnh: “Trong năm 2012, đối tượng được bổ sung vitamin A liều cao là trẻ từ 6 - 60 tháng, bà mẹ sinh con trong tháng đầu sinh. Trong đợt này, bên dự phòng không nhận viên nang vitamin A loại 100.000UI nên các trung tâm y tế huyện chú ý chỉ đạo thực hiện việc bổ sung vitamin A đúng kỹ thuật, chuyên môn đối với các trẻ từ 6-11 tháng tuổi, chú ý bổ sung vitamin A cho các bà mẹ sau sinh trong tháng đầu”.
Nâng cao sức khỏe cho trẻ
Trước đây, các đợt tuyên truyền chỉ diễn ra trong 2 ngày nên các huyện miền núi thực hiện còn khó khăn. Thêm nữa, các bà mẹ không đủ thời gian đưa trẻ uống vitamin A liều cao ở các trạm y tế đúng thời gian nên kết quả toàn tỉnh không cao. Nay, thời gian được tổ chức rộng hơn, có thể đưa trẻ đến tất cả các trạm y tế xã phường trên toàn tỉnh để bổ sung vitamin A đầy đủ cho trẻ.
Cụ thể, đợt 2 cung cấp tổng cộng 132.500 viên vitamin A loại 200.000UI cho 18 huyện thành phố, nhiều nhất là huyện Điện Bàn với 17.500 viên và ít nhất là 2.000 viên cho huyện Nông Sơn. Các bác sĩ chuyên ngành dự phòng cho biết, vitamin A là một vi chất có vai trò quan trọng đặc biệt đối với trẻ nhỏ, gồm 4 vai trò chính: Tăng trưởng (giúp trẻ lớn lên và phát triển bình thường, thiếu vitamin A trẻ sẽ chậm lớn, còi cọc); thị giác (vitamin A có vai trò trong quá trình nhìn thấy của mắt, biểu hiện sớm của thiếu vitamin A là giảm khả năng nhìn thấy lúc ánh sáng yếu (quáng gà); bảo vệ biểu mô (vitamin A bảo vệ sự toàn vẹn của các biểu mô, giác mạc mắt, biểu mô da, niêm mạc khí quản, ruột non và các tuyến bài tiết). Khi thiếu vitamin A, biểu mô và niêm mạc bị tổn thương. Tổn thương ở giác mạc mắt dẫn đến hậu quả mù lòa. Đối với khả năng miễn dịch của cơ thể, thiếu vitamin A làm giảm sức đề kháng với bệnh tật, dễ bị nhiễm trùng nặng đặc biệt là sởi, tiêu chảy và viêm đường hô hấp dẫn tới tăng nguy cơ tử vong ở trẻ nhỏ.
Trẻ em dưới 3 tuổi đang lớn nhanh cần nhiều vitamin, ở tuổi này do chế độ nuôi dưỡng thay đổi (giai đoạn ăn bổ sung, cai sữa) và dễ mắc các bệnh nhiễm trùng nên có nguy cơ thiếu vitamin A. Trẻ dưới 5 tuổi bị mắc các bệnh sởi, viêm đường hô hấp cấp, tiêu chảy kéo dài và suy dinh dưỡng nặng cũng có nguy cơ này và đặc biệt trẻ không được bú mẹ thì nguy cơ thiếu vitamin A càng cao. Bên cạnh đó, bà mẹ đang cho con bú nhất là trong năm đầu, nếu ăn uống thiếu vitamin A sẽ dẫn đến thiếu vitamin cho trẻ.
Ngoài việc tham gia các đợt triển khai bổ sung vitamin liều cao tại các trạm y tế xã phường, các bà mẹ nên chú ý đến bữa ăn bổ sung chất dinh dưỡng cho trẻ. Sử dụng nhiều loại thực phẩm khác nhau cho phong phú và đa dạng, chế biến hấp dẫn hợp khẩu vị sẽ góp phần làm tăng hấp thu. Chú ý các loại thực phẩm giàu vitamin A và caroten như: gan, trứng, sữa, cá, rau lá xanh thẫm, các loại quả có màu vàng, da cam. Bữa ăn cần cân đối và có đủ chất đạm và dầu mỡ giúp tăng hấp thu và chuyển hóa vitamin A. Sử dụng các thực phẩm có tăng cường vi chất dinh dưỡng: muối iốt (iốt được trộn vào muối ăn để phòng chống các rối loạn do thiếu iốt). Sắt được trộn vào nước mắm để phòng chống thiếu máu dinh dưỡng. Vitamin A cũng được trộn vào một số thực phẩm như đường, mỳ ăn liền, bánh kẹo…
ANH TRÂM