Tám Quy trong căn cứ lõm

Truyện ký của PHẠM THÔNG 12/09/2016 09:47

Giữa khuya, lửa bốc rừng rực phía hè sau, bén lên mái, phủ luôn cả nhà trên nhà dưới. Tám Quy nghe giọng của thằng Phong thôn trưởng la lớn: “Có đứa nào trong nhà không, chạy ra tau bắn chết. Bọn Việt cộng chết cháy luôn trong đó đi”. Cả nhà đi làm biển, Tám Quy một mình quờ quạng. Chị nhảy xuống miệng hầm trú ẩn đào giữa nhà. Rồi chị lại nhảy lên, quơ vội gia phả trên bàn thờ đưa xuống hầm. Chị lại nhảy lên lấy tiếp quyển nhật ký của Huỳnh Nhỏ - người yêu đưa cất giữ. Lần thứ ba, chị nhảy lên lấy mấy cái quả nhỏ đựng trầu của bà nội, do chú Phạm Văn Minh bị tù năm 1939 - 1940 đan bằng tre, ra tù đem về tặng bà nội, chú ấy hiện tập kết ở miền Bắc. Không có thời giờ cho những cử chỉ trịnh trọng, Tám Quy nhém vội những kỷ vật thiêng liêng nhất tại hầm trú ẩn. Khói, lửa táp vào miệng hầm, nín thở luồn qua hầm bí mật liền kề, chị thoát ra phía sau vườn chuối.

Vừa chui lên khỏi miệng hầm, Tám Quy xáp ngay bà Tranh, nhà ở vườn bên cũng chạy ra đám chuối. Bà Tranh rị Tám Quy nằm sát đất, quan sát bọn lính. Tám Quy thấy thằng Phong thôn trưởng cùng đám nghĩa quân lủi về phía Hội đồng xã, lạnh lùng bỏ lại bảy nóc nhà và tiếng la hét của bà con trong một vùng khói lửa ngút trời. Bà Tranh lầm bầm: “Nằm sát xuống, nó thấy mày thì nuốt sống luôn đấy. Nó biết mày hoạt động còn thằng Nhỏ người yêu của mày là đối thủ sống chết với bọn nó nữa. Cố mà sống con ơi! Các con còn trẻ lắm!”. Bọn chúng đi khỏi, cả bảy ngôi nhà cùng gia sản của bảy gia đình xóm Rớ, thôn 1, Kỳ Xuân (nay là xã Tam Giang, Núi Thành) đã trở thành tro tàn cùng với tiếng than khóc uất hận của những người dân chài nghèo khổ.

Sáng sớm, cả bọn nào là thằng Hưng xã trưởng, thằng Phong thôn trưởng, thằng Huýnh thôn phó cùng một đám nghĩa quân hùng hổ kéo đến. Thấy Tám Quy còn sống, thằng Phong gầm gừ: “Phượng (Tám Quy còn có tên là Phượng), mày còn sống đó hả? Mày bay được lên trời sao? Mạng mày lớn đấy”. Tên Phong sấn tới: “Bây giờ mày có đi không?”. Tám Quy cự: “Các ông đốt hết nhà tui, đốt hết cả xóm, bây giờ biểu tui đi đâu?”. “Đi về Hội đồng xã. Mấy hôm nay mày đi đâu, liên hệ với thằng nào? Thằng Nhỏ chồng mày đang núp ở đâu trong cái xã Kỳ Xuân này?” - tên Phong nói rồi lệnh cho đám lính kéo Tám Quy đi.

Kỳ Xuân là chiếc nôi cách mạng từ thời chống Pháp. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, đây cũng là nơi có nhiều người thoát ly lên chiến khu. Từ những năm 1958 - 1960 đã có hàng chục thanh niên nhảy núi, lên phía hòn Rơm, núi Chúa theo Mười Chấp, Ngô Độ, Võ Để, Mậu Đông... lập căn cứ kháng chiến. Cuối năm 1964, được sự hỗ trợ của cán bộ, bộ đội trên về, nhân dân Kỳ Xuân đã nổi dậy diệt ác phá kìm giải phóng hoàn toàn xã nhà. Bọn ngụy quân ngụy quyền bị cách mạng tiêu diệt và làm tan rã, chạy lên quận lỵ Lý Tín lập chính quyền lưu vong trên đó. Tháng 5.1965, lính thủy đánh bộ Mỹ nhảy vào lập căn cứ Chu Lai, bọn ngụy dựa hơi lính Mỹ tái chiếm vùng giải phóng Kỳ Xuân.

Kỳ Xuân là một ốc đảo, địa hình cô lập, tứ bề sông nước, nằm sát phía bắc Chu Lai. Lực lượng ta quá mỏng, không thể đương đầu công khai trước đội quân nhà nghề viễn chinh Mỹ. Nhưng bất cứ giá nào cũng phải bám đất, giữ dân. Du kích, đội công tác Kỳ Xuân được dân che chở, quay lại nằm hầm hoạt động bí mật như trước. Ban ngày không thấy bóng dáng một Việt cộng, nhưng đến đêm từ trong lòng đất ở khắp các làng xóm họ lại trồi lên, xuất quỷ nhập thần tiêu diệt những tên ác ôn khét tiếng. Vì thế bọn tề ngụy vô cùng tức tối, ra sức lùng sục, bắt dân tra tấn ép họ khai báo, tìm cho ra manh mối cơ sở nằm vùng. Nguy hiểm nhất là những tên trước đây có tham gia du kích thôn xã một thời gian rồi khi địch tái chiếm thì đầu hàng phản bội. Những tên này đã nắm được tư tưởng của một số người dân và một số thanh niên trong xã, điểm chỉ cho địch. Trong hơn một năm giải phóng Kỳ Xuân, ta đã không bộc lộ hết lực lượng phòng khi gặp tình thế bất lợi. Nhờ thế, phần đông chị em phụ nữ, một ít đoàn viên thanh niên, thiếu niên tiền phong, du kích B... đã trụ được trong tư thế thường dân. Địch chiếm lại vùng giải phóng, đất Kỳ Xuân lập tức trở thành căn cứ lõm. Lực lượng cách mạng vẫn cứ tồn tại đâu đó trong lòng đất, trong các làng đồng, làng biển trên cái ốc đảo giàu truyền thống cách mạng này. Các tổ chức cách mạng vẫn bám vào đất, bám vào dân, bám vào chùa chiền tăng lữ để mà tồn tại, dưới hai hình thức bất hợp pháp và hợp pháp.

Tại Kỳ Xuân, đội công tác xã là lực lượng bất hợp pháp do đồng chí bí thư xã làm đội trưởng. Địch đã chiếm lại đất, nhưng từ năm 1966 đến 1975 Chi bộ xã vẫn liên tục tồn tại. Tất cả lực lượng bất hợp pháp từ bí thư kiêm trưởng đội công tác, xã đội trưởng, du kích, cán bộ, bộ đội tăng cường đều phải nằm hầm từ tháng này qua năm nọ, luôn đối mặt với cái chết, luôn trong tư thế sẵn sàng quyết tử. Trong 9 năm, thay đổi 9 lần bí thư xã, 7 đồng chí hy sinh. Đó là các đồng chí Trần Kịch, Nguyễn Huấn, Võ Thị Đoát, Huỳnh Thị Dũng, Nguyễn Văn Nhứt, Trần Văn Tư, Huỳnh Nhuận. Các đồng chí ấy là trụ cột của phong trào cách mạng Kỳ Xuân. Máu của các đồng chí bí thư chi bộ, các đồng chí xã đội trưởng cùng anh em du kích đã thấm đỏ quê hương mình. Nhưng người này ngã người khác đứng lên, lần lượt thay phiên nhau hiện hữu. Và, khi nào còn có mặt các đồng chí ấy nghĩa là Đảng, cách mạng đang còn hiện diện trên mảnh đất Kỳ Xuân -  căn cứ lõm này...

Tám Quy là một trong những người kiên cường trụ bám và là lực lượng hợp pháp. Chị được tổ chức phân công làm bí thư chi đoàn, phụ trách đấu tranh chính trị - binh vận xã. Tám Quy cùng với các bà Cường, Hạnh, các chị Huyền, Trung... bí mật vận động tổ chức lực lượng quần chúng bảo vệ, giúp đỡ che chở, tiếp tế lương thực thực phẩm, vận chuyển vũ khí về chôn giấu trong lòng đất, để bộ đội về tập kết, sử dụng nơi đây làm bàn đạp tấn công cảng Kỳ Hà, tiêu diệt bọn hải thuyền, đánh sân bay Chu Lai, tiêu diệt lực lượng Mỹ ngụy đóng tại xã Kỳ Xuân. Và, chính tổ chức hợp pháp này là cánh tay nối dài của chi bộ xã, đội công tác đang hoạt động bất hợp pháp; là lực lượng trực tiếp vận động, tổ chức nhân dân bảo vệ che chở, cung cấp tình hình địch thường xuyên cho lực lượng bất hợp pháp. Kỳ Xuân là nơi duy trì được chi bộ hợp pháp trong nhiều năm, loại hình chi bộ đặc thù nằm sâu trong vùng địch hậu.

(Còn nữa)

Truyện ký của PHẠM THÔNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tám Quy trong căn cứ lõm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO