Trong những năm 1966 - 1969 dưới vỏ bọc dân thường, với lợi thế người làm sông nước nhưng trắng trẻo, thanh mảnh, ăn nói dễ mến, mềm dẻo, thuyết phục, Tám Quy dễ dàng qua mặt đám lính ngụy, đi lại xây dựng đội ngũ thanh niên nòng cốt, gầy dựng cơ sở đấu tranh chính trị - binh vận trong dân với vai trò bí thư chi đoàn cán bộ đấu tranh chính trị hợp pháp. Từ đó hình thành mạng lưới ngầm sẵn sàng tham gia mọi phong trào, chiến dịch khi cách mạng phát động. Tám Quy ăn chay ngày Rằm, Mùng một, thường xuyên đi chùa, quan hệ tốt với ông Hai Phàng - Huynh trưởng; tranh thủ được cảm tình của ông Cựu - trụ trì chùa Bình Bửu, xây dựng nhiều cơ sở trong hàng ngũ phật tử.
|
Bọn tề ngụy nghi hết cả làng, cả xã nhưng chẳng biết đâu là Việt cộng đích thực. Vào đêm 12.3.1966, bọn bình định nông thôn vào nhà bắt hú họa chị Tiểu - người thôn 1, đưa chị xuống rừng Miếu trong đêm tra tấn rồi hiếp đến chết. Để phi tang, chúng cột đá vào chân chị Tiểu rồi vứt thi thể xuống sông Trường Giang. Chi bộ hợp pháp chỉ đạo nhân dân sắp ghe hàng ngang, dùng lưới rà sát đáy nhưng không thể tìm thấy thi thể. Sau 3 ngày, Tám Quy vừa đi làm sông vừa để ý tìm thi thể chị Tiểu. Vừa chèo ghe vừa tơ tưởng trong đầu về chị Tiểu, về một người đồng chí trẻ trung bị kẻ địch ức hiếp đến chết, mãi tới khi cập bến cắm sào, đột nhiên ngay trước mũi ghe, thi thể chị Tiểu nổi lên tấp đúng vào cây sào đang lay cắm. Tám Quy nhảy xuống bờ chạy về kêu ông Trần Hoằng cũng là một cơ sở cách mạng: “Chú ơi, chị Tiểu đã nổi lên rồi, ngay ở bến ghe nhà con đó”.
Bà con lập tức chạy ra bờ sông đưa thi thể chị Tiểu đặt ngay giữa rừng Miếu. Liền sau đó, một cuộc đấu tranh của toàn dân Kỳ Xuân nổ ra. Ông Huấn - Bí thư xã phát lệnh, Tám Quy cùng các bà, các chị hoạt động hợp pháp tỏa đi vận động nhân dân, Phật tử, các vị chức sắc chùa Bình Bửu, tín đồ công giáo... kéo tới rừng Miếu che trại, tổ chức tụng kinh cầu an, hô khẩu hiệu lên án bọn giết người dã man. Các chị vận động ông Cựu - trụ trì chùa Bình Bửu, ông Hai Phàng - Huynh trưởng làm đơn kiến nghị lên Tỉnh hội Phật giáo tại Tam Kỳ, gửi thông điệp đến các chùa ở các xã khác, đề nghị tập trung về Kỳ Xuân để can thiệp vụ án. Đơn kiến nghị của nhà chùa và nhân dân Kỳ Xuân cũng được các chị chuyển tới Quận trưởng Lý Tín. Cuộc đấu tranh kéo dài tới 7 ngày, người tham gia ngày càng đông, đủ các thành phần. Hình thức đấu tranh bất bạo động nhưng vô cùng quyết liệt. Trong số chị em có bà Trần Thị Hàn là tín đồ công giáo, hồi kháng chiến chống Pháp đã học hết lớp 7, có trình độ, lý luận sắc bén, tranh luận rất quyết liệt với bọn chính quyền xã Kỳ Xuân và quận Lý Tín, buộc chúng phải cử người trên quận, trên tỉnh về khám nghiệm tử thi, công bố kết luận trước đông đảo toàn dân. Bà Hàn nói lớn: “Nạn nhân Ngô Thị Tiểu mới chưa tròn hai mươi tuổi đã bị đánh đập và hiếp dâm đến chết”. Lập tức toàn dân hô vang: “Đả đảo bọn người nhân danh chính quyền quốc gia hiếp dâm phụ nữ”… Cuộc đấu tranh đã đạt mục đích, thi hài của chị Tiểu được an táng, mọi người rỉ tai truyền lệnh rút lui trật tự; bọn chính quyền ngụy cút về nhục nhã.
Cuộc đấu tranh thắng lợi, nhưng bọn tề ngụy đã ngầm quan sát thái độ của người dân qua mấy ngày tranh đấu. Chúng phát hiện dân xóm Rớ, thôn 1 là nhóm người tích cực nhất thực hiện các khâu hậu cần, vận động đám người đông đảo ấy la hét, hô khẩu hiệu. Một số tên Quốc dân đảng như Lương Huýnh, Lương Hồng Phong, Lương Thị Bình... hầm hơi chịu lùi một bước nhưng chấm sổ đen những người dân xóm Rớ. Đứng đầu sổ là Tám Quy.
Đó cũng là lý do để tối qua, ngày 9 tháng 4 năm 1966, sau vài tháng xảy ra cuộc đấu tranh rầm rộ đó, bọn thằng Lưu trung đội trưởng nghĩa quân, thằng Phong thôn trưởng, thằng Huýnh thôn phó lại kéo tới xóm Rớ trả thù, rửa mối hận thua cuộc mấy tháng trước. Tối chúng đốt bảy nóc nhà, sáng nay bắt Tám Quy dẫn đi. Nhà cháy trụi, không còn chỗ chui rúc, khổ sở cùng cực rồi mà lúc này chúng còn bắt Tám Quy, dân xóm Rớ càng lo: “Chắc chúng sẽ lột da con Tám rồi. Tội nghiệp cho Tám quá!”.
Bắt chị Tám, chúng chẳng có chứng cớ chi, dẫu có tiếp tế cho đoàn biểu tình thì cũng giống như mọi người dân khác thôi. Thêm nữa, Phong là con rể của ông cậu, trên đường giải về xã chị dựa vào tình bà con lựa lời nhỏ nhẹ khiến hắn động lòng, tha bổng. Thấy chị quay về, bà con xóm Rớ mừng vui khôn xiết. Họ xúm lại ôm Tám bên những đống tro tàn khóc nức nở. Gia đình chị cũng hú hồn, sợ chúng nó thủ tiêu Tám như chị Tiểu. Cả nhà mừng rơi nước mắt, bởi người còn là của còn, lần lần sẽ nương tựa nhau mà làm ra.
Liền sau đó Tám Quy chạy gặp chị Hạnh, đảng viên hợp pháp xin ý kiến. Chị Hạnh ôm Tám Quy rưng rưng: “Chị em mình tìm gặp chị Chín Đoát ngay. Phải phát động một cuộc đấu tranh, bắt chúng bồi thường cho bảy ngôi nhà của người dân xóm Rớ mình. Nhất định không để cho bọn chúng lộng hành như thế được”.
Chị Đoát bàn với anh Huấn - bí thư chi bộ xã giao trách nhiệm cho Tám Quy tìm người viết đơn kiến nghị. Chị em cơ sở chủ chốt tỏa đến các xóm ấp vận động quần chúng tập trung đến chùa Bình Bửu; liên hệ ông Hai Phàng, ông Cựu đứng ra mời chính quyền xã, thôn đến chùa Bình Bửu đối thoại với nhân dân, với nhà chùa về vụ đốt nhà phật tử tại xóm Rớ.
Tám Quy nhờ anh Huỳnh Dự là người có trình độ trong xã thảo đơn. Mọi việc chuẩn bị chu đáo. Cuộc tranh đấu nổ ra. Tám Quy, một thanh nữ trẻ trung, mảnh dẻ mặc áo dài lam cháy hết nửa vạt sau, đội đơn đi đầu. Phía sau là mấy trăm người, ai theo Phật mặc đồ lam, ai lương mặc đồ thường, xếp hàng trật tự tiến vào chùa. Trước khi đến chùa chị Đoát dặn: “Tám Quy nói thế nào thì bà con nói theo như vậy. Nhứt hô bá ứng. Tất cả đều hướng vào mục đích: Buộc họ phải trả lời lý do chi đốt nhà; buộc họ phải bồi thường thiệt hại...”.
(Còn nữa)
Truyện ký của PHẠM THÔNG