Theo nhà báo Lê Hoàng Linh, một người làm báo giỏi không chỉ có tinh nghề mà còn phải tâm sáng, nhân văn; đôi khi cảnh giác với chính mình để mang tác phẩm khách quan đến bạn đọc...
Nhà báo Lê Hoàng Linh - nguyên Giám đốc Đài PT-TH Quảng Nam là một trong những nhà báo gắn bó lâu năm với các hoạt động báo chí xứ Quảng. Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, ông đã dành cho Báo Quảng Nam những chia sẻ về chuyện nghề.
Nhà báo phải có tính nhân văn
PV:Từng gắn bó những năm đầu với Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng, ông đánh giá thế nào về giải thưởng này?
- Nhà báo Lê Hoàng Linh: Giải thưởng Huỳnh Thúc Kháng ra đời năm 2007, có nội dung trải rộng trên tất cả lĩnh vực đời sống xã hội Quảng Nam. Những năm đầu dù mới hình thành nhưng giải cũng đã thu hút được rất nhiều tay viết chuyên và không chuyên tham gia viết về các đề tài của Quảng Nam.
Mặc dù với danh nghĩa là UBND tỉnh đứng ra tổ chức nhưng chủ xướng cho giải này là các nhà báo của Quảng Nam, cụ thể là các anh em đang công tác tại Báo Quảng Nam và Đài PT-TH Quảng Nam. Việc tổ chức này rất tốt. Nếu trước đây chỉ các phóng viên trong tỉnh thì những năm sau này đã xuất hiện các nhà báo ở ngoài tỉnh cũng tham gia dự thi; thể loại tác phẩm không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực báo viết mà đã mở rộng ra báo nói, báo hình, báo ảnh, báo chí đa phương tiện. Ngoài hình thức phong phú, các bài báo được chọn trao giải cũng có chất lượng cao hơn, đó là điều rất đáng mừng để cho Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng ngày càng phát triển, đồng thời phản ánh được đầy đủ bộ mặt hoạt động của Quảng Nam trong suốt một năm.
PV:Ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm làm báo của mình cho các phóng viên trẻ hôm nay?
- Nhà báo Lê Hoàng Linh: So với các tiền bối làm báo, bản thân tôi chỉ là một học trò, nhưng cũng có cái may mắn là được đào tạo chính quy ở trường báo chí của Trung ương, đặc biệt đã tham gia hoạt động báo chí từ rất lâu. Trong bối cảnh những năm đầu Quảng Nam, Đà Nẵng đầy khó khăn, phức tạp tôi lăn lộn rất nhiều. Lăn lộn từ trong thực tiễn, gắn bó với nhân dân, gắn bó với các địa phương và gắn bó với phong trào cho nên tôi phát hiện được nhiều điều rất đáng quý, đáng trân trọng. Tôi chỉ có thể nói vài kinh nghiệm nhỏ của bản thân để thấy rằng người làm báo như thế nào là có hiệu quả đối với phong trào, người nghe - người đọc, về tính thuyết phục.
Ví dụ, khi nhà báo được phân công đi làm một phóng sự điều tra hay viết về một vấn đề nóng, có tính bức xúc của xã hội, ngoài xâm nhập thực tế nắm bắt đầy đủ thông tin thì nhà báo phải xem xét, rà soát lại tất cả tư liệu và nhiều kênh khác nhau để lọc ra những thông tin cần thiết. Một kinh nghiệm nho nhỏ tôi muốn nói cho các nhà báo hôm nay biết rằng, khi các bạn đi thu thập tài liệu nghiên cứu về thì đừng vội vàng viết mà phải có thời gian lắng đọng lại, suy nghĩ một cách kỹ lưỡng, cân nhắc một cách thận trọng. Giả sử vấn đề đó bức xúc ghê gớm nếu chúng ta dùng từ nặng 10 lần thì trong quá trình nghiên cứu, sàng lọc, chúng ta tĩnh tại, suy nghĩ sẽ chỉ viết 4 thôi. Tại sao chúng ta không viết 10 mà viết 4, bởi vì nếu khi viết 10 thì mình dồn hết tức tối của sự việc lên người đang là đối tượng, dẫn đến câu chữ nặng nề. Khi đó, người ta sẽ không lắng nghe, không chịu đọc và sẽ phản ứng lại. Lúc đó bài viết chúng ta không còn tác dụng trong giáo dục mà chỉ mới làm chức năng thông tin. Trong khi đó, bài báo yêu cầu phải có chức năng vừa cảnh báo vừa có tính giáo dục. Nên nếu chúng ta lắng đọng, lựa chọn từ ngữ vừa phải thì tính thuyết phục cao, dù mình có phê phán, họ cũng tĩnh tại lắng nghe để sửa.
Phải tinh nghề, tâm sáng
PV: So với trước đây, làm báo bây giờ có thuận lợi khó khăn gì, thưa ông?
- Nhà báo Lê Hoàng Linh: Thời đại thông tin bùng nổ như hiện nay người làm báo có nhiều điều kiện để thu thập, nắm bắt thông tin và sử dụng thông tin một cách nhanh nhạy, về mặt tích cực này thì ai cũng thấy. Tuy nhiên, bên cạnh đó nó cũng có rất nhiều mặt tiêu cực; nếu người làm báo không đủ kiến thức, không vững vàng về chính trị, không nhạy bén về thông tin, không làm chủ cảm xúc của mình rất dễ lạc hướng, rơi vào những điều khó xử. Do đó, người làm báo hiện nay trước hết phải có sự hiểu biết, phải có kinh nghiệm và sự từng trải.
Với những phóng viên mới phải biết lắng nghe, nghiên cứu, trong đầu phải có suy nghĩ đúng. Khi mình nhận được một thông tin nào đó hãy loại bỏ tính cơ hội cá nhân, loại bỏ những suy nghĩ không đúng đắn, cố gắng suy nghĩ thật trong sáng; cái nào có lợi cho Đảng, cho dân, cho nước thì mình hãy làm. Tôi để ý thấy có những sự kiện xảy ra một số nhà báo chỉ đi lượm thông tin, nghe thông tin, không cần xác minh, mục đích chỉ tạo nên hiệu ứng nóng để câu like, câu view, thậm chí để hù dọa kiếm tiền… Với một người làm báo chân chính như vậy là không nên. Vì thế người làm báo bây giờ phải hết sức cảnh giác với tin giả nhưng đồng thời cũng cảnh giác với cả bản thân mình nữa.
PV:Để trở thành một nhà báo thành công theo ông yếu tố nào quan trọng?
- Nhà báo Lê Hoàng Linh: Có nhiều con đường để trở thành nhà báo thành công nhưng theo tôi, trước hết phải tinh nghề, thứ hai tâm phải trong sáng, thứ ba phải vững vàng, nhạy bén về chính trị, nhạy bén về thời cuộc, thứ tư phải chịu khó lăn lộn với phong trào, phải lăn lộn với dân thì mới phát hiện được những chuyện hay. Vì mình có được một nghề nghiệp, có được sự nhạy cảm thì mình sẽ phát hiện được những những đề tài mới, hấp dẫn, lôi cuốn. Nhà báo thành công là anh luôn phát hiện được đề tài mới, luôn phát hiện được vấn đề mới, luôn phát hiện được những vấn đề mà xã hội chưa nhìn thấy thì người ta sẽ nhớ đến anh.