Tam Thái và di sản ảnh

TẤN VỊNH 21/02/2016 09:48

NSNA Tam Thái sinh ra tại làng Tam Thái, huyện Phú Ninh. Anh cầm tinh con rắn (1953), 20 tuổi đời đã sớm lăn lộn với đất Sài Gòn để kiếm sống và lập nghiệp với chiếc máy ảnh. Hơn bốn mươi năm, kể từ khi xa quê, lang bạt vào đời, người nghệ sĩ xứ Quảng đã tạo dựng được một “gia tài” đáng trân trọng trên lĩnh vực nhiếp ảnh.

Với Đà Lạt

NSNA Tam Thái.  Ảnh: T.VỊNH
NSNA Tam Thái. Ảnh: T.VỊNH

Năm 2010 anh cho ra mắt tập sách ảnh “Ngày xưa, Liangbian... Đà Lạt”. Tập sách này giới thiệu trên 200 ảnh sưu tập từ các phim gốc chụp về cao nguyên Langbian từ thập niên 50 của thế kỷ trước và 50 tác phẩm nhiếp ảnh của Tam Thái chụp ở Lâm Đồng kèm theo nhiều biên khảo, bút ký. Cuốn sách này là cơ duyên của anh với xứ sở ngàn hoa. Trong những ngày săn ảnh ở thành phố du lịch, anh tình cờ phát hiện “kho” tư liệu phim ảnh về Đà Lạt được chụp giữa thế kỷ 20, do một tư nhân sở hữu. Anh đã dành nhiều thời gian thuyết phục, thương lượng với người giữ các bức ảnh và đã trở thành chủ sở hữu để có dịp xuất bản, chia sẻ nguồn tư liệu quý đến với đông đảo công chúng. Tam Thái bộc bạch: “Thật là lãng phí, nếu không phổ biến những hình ảnh xưa hiếm hoi này đến với mọi người. Tôi góp thêm một chút gì đó cho những người yêu thiên nhiên cao nguyên, người yêu du lịch, người yêu nghệ thuật kiến trúc, người yêu ảnh...”.

Ghe chài chở lúa, ở bến Mễ Cốc Sài Gòn thập niên 1950, nhắc nhớ kiểu ghe bầu chở người và hàng của cư dân miền Trung, đã  đến khai hoang đất phương Nam trong những thế kỷ trước.(Ảnh do Tam Thái sưu tập)
Ghe chài chở lúa, ở bến Mễ Cốc Sài Gòn thập niên 1950, nhắc nhớ kiểu ghe bầu chở người và hàng của cư dân miền Trung, đã đến khai hoang đất phương Nam trong những thế kỷ trước.(Ảnh do Tam Thái sưu tập)

Tập sách của anh hiện lên một Đà Lạt xưa với những công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn phương Tây, là hình mẫu thích ứng với thiên nhiên đầy thông xanh sương trắng, khí hậu mát mẻ, chập chùng đồi dốc, cảnh vật hoang sơ... là di sản vật chất vô giá của thành phố du lịch. Đó là những địa danh xưa còn in dấu chân của bác sĩ Yersin khám phá ra cao nguyên Langbian; đó là  bến xe, ga tàu lửa, khách sạn, biệt thự, nhà thờ, trường học; đó là những thác nước thơ mộng... Người làm nên “kho” tư liệu bằng hình ảnh này phải có con mắt tinh đời, có ý tưởng và có tay nghề bậc thầy về nhiếp ảnh mới ghi vào ống kính những bức ảnh đẹp đến như thế. Ta không chỉ thấy trong tập sách hình ảnh Đà Lạt, Langbian xưa mà còn bái phục trước việc lựa chọn thời điểm để chụp với ánh sáng, mảng khối kiến trúc đẹp, lạ, lưu giữ nét riêng vốn có của nó và với bố cục, đường nét khá chuẩn mực. Một điều đáng nói nữa là các “công đoạn” để hình thành nên tập sách này: Người chụp ảnh rất kỳ công, người lưu giữ rất bền bỉ và cẩn thận với ý thức sưu tập ảnh rất rõ ràng và đặc biệt, người tiếp nhận - NSNA Tam Thái, với ý thức trân trọng di sản của quá khứ, sẵn sàng bỏ thời gian, tiền của, công sức để cho tập sách về Đà Lạt xưa được ra đời.

Bến sông xưa.
Bến sông xưa.

Với Sài Gòn

Chọn cho mình hướng đi riêng về di sản ảnh, gần đây NSNA Tam Thái tiếp tục cho xuất bản công trình sách ảnh để đời: “150 năm hình bóng Sài Gòn 1863-2013” (NXB Trẻ). Đây là tập sách tập hợp những bức ảnh quý hiếm chứa đựng nhiều thông tin, tư liệu bổ ích, có giá trị không chỉ về lịch sử mà cả về văn hóa của Sài Gòn - nơi từng được mệnh danh là Hòn ngọc Viễn Đông. Với tập sách đặc sắc này, độc giả không chỉ xem ảnh mà còn đọc ảnh, vì kèm theo những bức ảnh là các tư liệu biên khảo, tra cứu công phu về địa danh, nhân vật, hiện tượng, sự kiện văn hóa đã diễn ra trong quá khứ. Qua đó giúp người đọc hiểu thêm về sự hình thành và phát triển của Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh trong suốt 150 năm: từ năm 1863, thời điểm Pháp vừa chiếm xong và đặt nền cai trị và cũng là năm vừa ra đời các bức ảnh đầu tiên chụp về Sài Gòn cho đến năm 2013, là mốc thời gian bộ sách hoàn thiện và tiến hành xuất bản để ra mắt công chúng vào đầu năm 2016.

 Bến xe lam Chợ Lớn.
Bến xe lam Chợ Lớn.
 Tôi luôn có suy nghĩ phải làm điều gì đó, tạm gọi là “trả ơn” các bậc tiền nhân, nhất là những lưu dân Ngũ Quảng, trong đó có các vị Quảng Nam quê tôi - đã đến đây khai kênh bồi đất, dựng nên Gia Định - Bến Nghé cho con cháu có được một Sài Gòn - Tp.Hồ Chí Minh hôm nay.
NSNA Tam Thái

NSNA Tam Thái đã kiên trì, lặng lẽ chuẩn bị cho “hành trình di sản ảnh” của mình. Từ thập niên 1980 anh thường lui tới Bưu điện Sài Gòn để mua và sao chụp các bưu thiếp, tìm kiếm những hình ảnh, tư liệu quý từ các sách báo cũ đang được bạn bè, đồng nghiệp, người thân lưu giữ. Một lần nữa cơ duyên lại đến với Tam Thái, trong lúc miệt mài sưu tầm những hình ảnh xưa, anh may mắn tìm thấy bộ ảnh tư liệu ghi lại các địa danh, phố xá nổi tiếng của Sài Gòn như bến Chương Dương, bến Bạch Đằng, Thảo cầm viên, công viên Mê Linh, chợ Bến Thành, bến xe Pétrus Ký, cầu Khánh Hội, cầu Mống... và những hình ảnh ngoại ô Sài Gòn như Thủ Thiêm, Bà Chiểu, Tân Sơn Nhứt, Tân Sơn Hòa... Đặc biệt là những công trình kiến trúc in bóng thời gian như nhà thờ Đức Bà, Bưu điện, Tòa thị chính... Và cuộc sống người thành thị đọng lại qua từng khuôn ảnh, đó là cô giáo ở Trường Trung học Gia Long, trẻ em ở Cô nhi viện Thị Nghè, vở diễn ở rạp Kim Chung, hội chợ vườn hoa Tao Đàn... Con người Sài Gòn với cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, trang phục, thời trang, cách thức đi lại... cũng rõ nét trong từng bức ảnh. Chúng được chụp vào thập niên 1950 bằng các máy ảnh loại lớn (cỡ phim 4x6, 6x9) nên chất lượng ảnh khá tốt. Có được báu vật này, con đường đến với di sản ảnh của NSNA Tam Thái như được nối dài, rộng mở. “Nhờ có được cơ duyên và sự cần mẫn mà tôi có độc quyền bộ ảnh Sài Gòn thập niên 1950 chưa từng được công bố” - NSNA Tam Thái bộc bạch.

Lạc bước chân quê.
Lạc bước chân quê.
Ngoài số ảnh đăng đều đặn khắp các báo, Tam Thái tham gia nhiều cuộc triển lãm, thi ảnh trong và ngoài nước, tổ chức được hai cuộc triển lãm ảnh cá nhân với chủ đề; “Khung trời tuổi thơ” tại Đà Nẵng vào năm 1983, rồi  “Sài Gòn, dáng Xưa và Nay” tại TP.Hồ Chí Minh vào năm 1997. NSNA Tam Thái liên tục đoạt giải tại các cuộc thi ảnh nghệ thuật trong nước và quốc tế, trong số đó có tác phẩm “Hai thế hệ” (Giải đặc biệt ACCU năm 2001 với chủ đề: Trang phục và con người), tác phẩm “Bến hẹn” (Giải xuất sắc Toàn quốc năm 1997), tác phẩm “Họp chợ trên sông Cà Mau” (Giải nhất cuộc thi về thị trường do Báo Sài Gòn Tiếp Thị tổ chức)… Là một người đam mê viết báo, nên anh đã thực hiện trên 500 phóng sự ảnh và chừng đó bài viết trên các báo. Trong những năm gần đây, NSNA Tam Thái dành nhiều tâm sức để biên soạn, thực hiện sách ảnh và thành công ngay từ cuốn sách ảnh đầu tiên “Ký ức miền quê” với Cúp vàng VAPA năm 2007 (giải xuất sắc hàng năm của Hội NSNA Việt Nam).

Ngoài những bức ảnh sưu tầm, NSNA Tam Thái còn chụp khá nhiều ảnh về thành phố mình đang sống. Bằng dự cảm và cái nhìn của nhà nhiếp ảnh đam mê di sản tiền nhân, NSNA Tam Thái đã kịp ghi vào ống kính những ngôi nhà cổ, công trình cũ bị đập bỏ để xây dựng các công trình hiện đại. Nhờ vậy mà trong bộ ảnh của Tam Thái còn đọng lại hình bóng Sài Gòn xưa như phố đồ cổ Lê Công Kiều, người đạp xích lô bên đường Ngô Đức Kế, con đường Duy Tân, cửa hàng vịt quay người Hoa, lớp học bình dân học vụ, bến xe lam Chợ Lớn, khách sạn New World ngày đang xây dựng...

Có cuộc hành trình của Tam Thái bấy lâu nay là khám phá di sản bằng ảnh, góp một chút sử liệu sinh động, chân thật phản ánh một chặng đường hình thành, phát triển vùng đất phương Nam nói chung, Sài Gòn nói riêng.

 Khi tôi hỏi “anh có dự tính gì cho những ngày sắp đến?”. Một chút ưu tư, anh bảo: “Tôi chụp một bộ ảnh về Hội An mấy chục năm qua, nhưng một  phần vì bận, một phần còn khó khăn khi nghĩ đến việc in ấn hay triển lãm, nên hình ảnh còn nằm đó…”.

Sài Gòn - TP.Hồ Chí Minh hôm nay.
Sài Gòn - TP.Hồ Chí Minh hôm nay.

TẤN VỊNH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tam Thái và di sản ảnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO