Tam Thăng (Tam Kỳ): Nhiều vấn đề dân sinh bức xúc

HOÀNG LIÊN 14/01/2019 01:52

Người dân và chính quyền xã Tam Thăng lo lắng trước hậu quả do đợt mưa lụt hồi cuối năm 2018 tác động nặng nề, mà nguyên nhân chính là tuyến đê bao chạy dài ven sông Bàn Thạch làm biến đổi dòng chảy. Càng bức xúc hơn khi cây cầu Tân Thái bắc qua Khu công nghiệp Tam Thăng thi công 3 năm vẫn dang dở.

Nhà của người dân thôn Xuân Quý bị xói lở sau trận lụt cuối năm 2018. Ảnh: H.L
Nhà của người dân thôn Xuân Quý bị xói lở sau trận lụt cuối năm 2018. Ảnh: H.L

Ngập sâu vì đê kè

Năm 2017 - 2018, tại nhiều đợt tiếp xúc cử tri, người dân và chính quyền thôn Xuân Thái, Xuân Quý (xã Tam Thăng, TP. Tam Kỳ) liên tục kiến nghị các cơ quan chức năng về tình trạng tuyến đê kè ven sông Bàn Thạch bảo vệ TP.Tam Kỳ vừa được xây dựng và hoàn thành 2 năm đã gây tác động nặng nề đến đời sống, sinh hoạt người dân, nhất là mùa mưa lụt. Rõ nét nhất là đợt mưa lụt cuối năm 2018 vừa qua, 2 thôn Xuân Thái và Xuân Quý có tới chục héc ta đất ruộng nằm ven sông Bàn Thạch bị xói lở, bong tróc, nhiều diện tích bị cát bồi lấp đến 20cm. Tại thôn Xuân Quý, hàng loạt ngôi mộ lâu đời đã bị xói lở, xiêu vẹo do dòng nước chảy xiết. Có tới chục ngôi nhà nằm sát sông của thôn Xuân Quý bị tác động nặng nề, nhiều tường rào bị ngã đổ, một số ngôi nhà bị nước đào xới, lộ phần móng. Cụ thể, nhà anh Phạm Ngọc Nên nằm sát sông Bàn Thạch, vùng đối diện với bờ đê kè bị đổ sập hoàn toàn tường rào, cổng ngõ. Căn nhà cấp 4 có gác tránh lũ kiên cố của anh Phạm Minh Hùng vừa xây xong đã bị đào xới, lộ thiên phần móng.

Theo nhiều hộ dân thôn Xuân Thái nằm sát sông Bàn Thạch, dù trải qua bao trận lũ lớn nhỏ nhưng đây là lần đầu tiên thôn này gánh chịu hậu quả nặng nề. “Trận mưa lụt vừa rồi không lớn nhưng gây nhiều thiệt hại. Nước chảy cuồn cuộn, heo bò gà trôi hết, nhà tôi tường rào đổ sụp. Chỉ từ khi có tuyến đê bao của thành phố chạy dọc theo sông Bàn Thạch qua địa bàn xã Tam Thăng đã gây hậu quả nặng nề như bây giờ” - ông Nên nói. Bí thư Chi bộ thôn Xuân Quý, ông Phan Hoàng Chương cho biết: “Do bờ kè ven sông Bàn Thạch và tuyến đường Điện Biên Phủ được xây dựng quá cao khiến lượng nước không thoát tự nhiên mà dâng cao, gây ngập sâu cho nhiều vùng của Tam Thăng mà Xuân Quý là thôn bị tác động trực diện. Thôn, xã đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên, nhiều đoàn đã về kiểm tra, xem xét hậu quả sau mưa lụt, song chưa có giải pháp cụ thể. Riêng 7 hộ sống ở vùng bị tác động trực tiếp, thôn cần thiết hỗ trợ di dời khẩn cấp”.

Ông Nguyễn Văn Mười - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Thăng chia sẻ thêm, do ảnh hưởng của bờ kè làm tác động, biến đổi dòng chảy khiến 2 thôn Xuân Thái và Xuân Quý bị tác động nặng. Đợt mưa lụt vừa qua tiếp tục làm mất thêm mấy héc ta đất, bồi lấp và xói lở cả chục héc ta. Địa phương đã kêu gọi lực lượng công an, quân sự giúp dân khắc phục hậu quả, cải tạo đồng ruộng nhưng có nhiều diện tích bỏ hoang vì không biết trồng cây gì. Ông Châu Thanh Phong - Chủ tịch UBND xã Tam Thăng cho biết, nhìn từ đợt mưa lũ năm 2017 và 2018, thời điểm tuyến kè được xây dựng, cùng với đó là đường Điện Biên Phủ chạy dài, có thể thấy, dòng chảy bị tác động, biến đổi dòng rất rõ. Do tác động mưa lụt đã khiến địa phương mất trắng 5ha đất ven sông; 230 hộ dân trên địa bàn có nhà ngập sâu trên 1m. Riêng thôn Xuân Quý chỉ có vỏn vẹn 14ha đất sản xuất thì đã mất 3ha, còn 10ha lại tiếp tục bị bồi lấp, xói lở nặng nề. Với 7 hộ dân có nhà ven sông Bàn Thạch, ông Phong cho biết, đây là vùng bị tác động nặng nề, địa phương đã đề xuất phương án di dời khẩn cấp. Xã đã kiến nghị UBND TP.Tam Kỳ và UBND tỉnh có hướng xây dựng kè chống sạt lở bờ sông tại vùng xung yếu trên nhằm đảm bảo an toàn dân sinh.

Cầu xây 3 năm dang dở

Người dân thôn Tân Thái (xã Tam Thăng) lâu nay bức xúc trước tình trạng cây cầu bê tông từ địa bàn thôn bắc qua Khu công nghiệp Tam Thăng thi công ì ạch suốt 3 năm chưa xong. Theo quan sát, cây cầu có chiều dài hơn 10m, rộng 5 - 6m, có 2 nhịp, chỉ mới thi công xong phần thân cầu, riêng phần mố cầu và phần dẫn lên cầu chưa hoàn thành, bê tông, sắt thép, vật liệu nằm ngổn ngang, một số đoạn kênh mương gần cây cầu bị sạt lở, hư hại. Ông Hồ Tiến Dũng (trú thôn Tân Thái) cho biết: “Khi thi công cây cầu ai nấy rất mừng. Cây cầu nhỏ đã cũ kỹ, dễ bị ngập, nhất là mùa mưa lũ việc đi lại rất khó khăn. Người dân lâu nay đi tạm cây cầu dưới rất nhỏ nhưng chỉ xe máy và xe đạp đi được. Cây cầu có vị trí quan trọng, tạo điều kiện phát triển kinh tế, chiến lược địa phương, thuận lợi lưu thông hàng hóa đến Khu công nghiệp Tam Thăng, tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện. Không hiểu vì lý do gì mà cầu thi công đã 3 năm vẫn chưa xong”.

Theo ông Dũng, trong các buổi họp tiếp xúc cử tri, ông và người dân thôn Tân Thái đều có kiến nghị sự việc này nhưng tiến độ vẫn quá chậm. Trao đổi với chúng tôi, ông Châu Thanh Phong - Chủ tịch UBND xã Tam Thăng cho biết, trước bức xúc của người dân, chính quyền xã đã nhiều lần kiến nghị với đơn vị chủ đầu tư là Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, phía đơn vị thi công hứa là sẽ xong cây cầu vào tháng 4.2019. Song lời hứa đó có được thực thi hay không thì địa phương không nắm rõ.

HOÀNG LIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tam Thăng (Tam Kỳ): Nhiều vấn đề dân sinh bức xúc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO