Tấm "thẻ" của người làm báo

BẢO ANH 21/06/2018 09:05

Có một câu chuyện nhỏ, diễn ra cách đây hơn 20 năm, nhưng có lẽ nhiều người ở Báo Quảng Nam hẳn vẫn còn nhớ.

Phóng viên Báo Quảng Nam tác nghiệp tại phiên chợ sâm Ngọc Linh -  Nam Trà My. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Phóng viên Báo Quảng Nam tác nghiệp tại phiên chợ sâm Ngọc Linh - Nam Trà My. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Đó là, vào những ngày đầu chia tách tỉnh, trừ các anh trong ban biên tập ra thì anh em phóng viên của báo hầu hết đều mới ra trường được một vài năm, chưa đủ niên hạn và các điều kiện cần thiết  khác để được cấp thẻ nhà báo. Khi đi tác nghiệp, ai cũng phải dựa vào “chứng chỉ hành nghề” tạm thời là tờ giấy giới thiệu của cơ quan. Giấy giới thiệu, theo nguyên tắc thì chỉ có hiệu lực trong từng chuyến công tác cụ thể, chỉ được sử dụng ít ngày thôi. Trong khi đó, do yêu cầu nghề nghiệp, phóng viên phải đi công tác liên tục, hết chỗ này đến chỗ khác, thành ra việc xin giấy giới thiệu cũng phiền hà. Trong một cuộc họp, anh em phóng viên đề nghị lãnh đạo báo đề xuất với cấp trên đặc cách cấp thẻ nhà báo cho anh em... Nghe xong, nhà báo Hồ Duy Lệ - Tổng Biên tập của báo lúc bấy giờ, mới chậm rãi bảo, rằng phóng viên đi tác nghiệp đúng là rất cần có cái thẻ, song đó không phải là tất cả mà quan trọng là mỗi người hãy tự chứng minh năng lực, đạo đức nghề nghiệp của mình trước đã. Và anh nói thêm, đại ý: Với nhà báo, “tấm thẻ” có giá trị hơn cả chính là ở tấm lòng với nghề, ở năng lực công tác, ở chất lượng của từng tác phẩm báo chí...

Tuy vậy, chưa đầy một tháng sau đó, anh em phóng viên trẻ của Báo Quảng Nam lại được... cấp “thẻ”. Nhưng đó không phải là chiếc thẻ nhà báo do cơ quan quản lý nhà nước về báo chí của Trung ương lúc bấy giờ là Bộ Văn hóa - Thông tin cấp, mà là một chiếc thẻ do... ban biên tập của báo phát hành, được đặt tên là “thẻ phóng viên”. Cầm tấm thẻ in trên giấy cứng, kích thước bằng y chiếc thẻ nhà báo thật, được ép nhựa hẳn hòi, có chữ ký của tổng biên tập và được cộp con dấu vuông đỏ chót, ai nấy đều vui, tự hào, dù biết rằng đó chỉ là thẻ “vượt rào, lách luật”. Cũng may là từ lúc ấy cho đến khi được cấp thẻ nhà báo thật, trong quá trình tác nghiệp của anh em phóng viên Báo Quảng Nam không xảy ra sự cố nào (liên quan đến tấm thẻ phóng viên) mà trái lại, ai cũng càng lúc càng vững tay nghề, yêu nghề và giữ được đạo đức nghề nghiệp.

Mong được cấp thẻ nhà báo là vậy nhưng đến khi được cấp thẻ nhà báo thật, nhiều người lại chỉ săm se, mân mê đôi ba hôm rồi đem cất hẳn vào trong ví; chỉ khi nào thật sự cần thiết mới lấy ra sử dụng. Không phải vì anh em xem nhẹ giá trị của tấm thẻ mà vì khi ấy, hầu hết phóng viên trẻ, mới vào nghề ngày nào đã trưởng thành, thật sự “chín” với nghề. Sau nhiều năm lăn lộn với thực tế cuộc sống, ai cũng đã có được một “tấm thẻ” rất quan trọng - theo như cách nói của nhà báo Hồ Duy Lệ, đó là năng lực công tác, là “danh xưng” trên mặt báo, được thể hiện công khai qua từng bài viết, mẩu tin. Được phân công theo dõi theo ngành, lĩnh vực, các phóng viên của báo đã tạo được mối quan hệ công tác khắng khít với hầu hết cơ quan, đơn vị cấp sở, cấp huyện, thậm chí là cả với một số địa phương cấp xã. Mỗi khi cần liên hệ khai thác, tiếp cận thông tin, phóng viên chỉ việc gọi điện hẹn trước rồi đến làm việc mà không cần phải chìa tấm thẻ nhà báo ra. Sự quen biết, cộng với sự “định danh” của từng người trên mặt báo chính là một bảo chứng tin cậy, thay cho tấm thẻ hành nghề.

Tất nhiên, nói như thế không có nghĩa là không có những chuyện nọ kia liên quan đến tấm thẻ nhà báo trong quá trình tác nghiệp của phóng viên. Do chưa hiểu hết các quy định của pháp luật nên khi tiếp xúc, làm việc với nhà báo, một số cơ quan, đơn vị cứ xem thẻ nhà báo chỉ như một loại... giấy giới thiệu nên một mực đòi giữ thẻ nhà báo của phóng viên “để lưu hồ sơ làm việc”. Lại có trường hợp, phóng viên trình thẻ ra rồi nhưng người ta  vẫn... chưa chịu tin là nhà báo thật. Để được cung cấp thông tin, phóng viên phải trải qua phần “thi vấn đáp” với những câu hỏi đại loại như: anh/ chị vào nghề lâu chưa?; tổng biên tập của anh/ chị trước đây làm việc ở cơ quan nào, bao nhiêu tuổi, quê ở đâu?; có biết nhà báo A., B., C. không?... Một trường hợp khác, cũng không phải là hiếm, ấy là mặc dù phóng viên đã trình thẻ nhà báo ra rồi nhưng đối tác lại đòi phải có thêm giấy giới thiệu - trên đó ghi rõ họ tên, chức danh, số thẻ nhà báo, nội dung cần trao đổi... của cơ quan chủ quản thì họ mới cung cấp thông tin. Ngược lại, cũng có không ít đơn vị chỉ mới nghe nói có nhà báo đến làm việc là cuống cả lên, một vâng hai dạ bất chấp trẻ già, hỏi gì cũng khai mà không hề đả động hay hỏi “thẻ nhà báo của anh/ chị đâu?”. Cũng vì sự sơ sẩy, bỏ qua khâu kiểm tra tư cách nhà báo, một số các cơ quan, đơn vị đã “vô tư” cung cấp thông tin, kể cả những thông tin “nhạy cảm”; thậm chí còn bị kẻ xấu giả danh nhà báo hạch sách, tống tiền.

Vậy mới thấy, để hành nghề, mọi lúc mọi nơi người làm báo cần phải có tấm thẻ nhà báo thật, do cơ quan có thẩm quyền cấp. Và cùng với đó, cũng rất cần một “tấm thẻ” khác nữa, ấy là uy tín, danh dự, tư cách đạo đức, sự tinh thạo trong nghề và cả sự “định danh” bằng những tác phẩm báo chí có chất lượng trên mặt báo...

BẢO ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tấm "thẻ" của người làm báo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO