Tôi may mắn khi có duyên với nghề dạy học, dạy văn.
Với giáo viên dạy văn, điều khó khăn nhất là làm cầu nối thân thiện giữa nhà văn với bạn đọc, mà đối tượng độc giả là học sinh, chưa có nhiều trải nghiệm. Mỗi thầy cô, trước tiên phải có nền kiến thức vững vàng và nghiệp vụ sư phạm tích lũy trong quá trình giảng dạy, phải đọc nhiều sách, luôn học và tự học để “làm mới mình” trong những giờ lên lớp. Nếu xem mỗi tiết giảng văn là một bản nhạc, thì giáo viên phải tạo tâm thế cho học trò từ đầu, như đoạn intro, và giờ học cũng được thiết kế theo tiết tấu nhanh hay chậm, sôi nổi hay sâu lắng, thậm chí còn có những khoảng lặng cần thiết để thầy trò cùng suy ngẫm. Nhưng giờ giảng văn không đơn thuần là cảm xúc, mà còn “ mục tiêu bài học”. Học sinh phải nắm được kiến thức cơ bản ở mức độ nhất định nào đó. giáo viên văn cần chất của người nghệ sĩ, vừa có phong cách của nhà khoa học; vừa cảm xúc, vừa lý trí. Thật không hề đơn giản.
Mặt khác, các em còn học rất nhiều môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội khác. Thời gian dành cho môn văn đã hạn hẹp, do đó, học trò lại càng ít đọc sách. Hơn nữa, xu thế chung của xã hội hiện nay là đào tạo và tuyển dụng nhiều ngành nghề kỹ thuật mang tính ứng dụng cao. Học sinh đổ xô học và luyện thi các khối A, B, để ra trường dễ xin việc làm, dễ làm ra nhiều tiền. Khối C gần như bị lãng quên. Nếu có học sinh chọn thi khối C, thì thường là những em học yếu ban khoa học tự nhiên. Rất ít học sinh đam mê môn văn. Bởi có quan niệm: văn là môn năng khiếu, không có khiếu thì không thể học giỏi. Vì không mặn mà nên học qua loa, chiếu lệ. Giáo viên yêu cầu soạn bài, thì có nhan nhản “Để học tốt Văn…” từ lớp 6 đến lớp 12. Học sinh chỉ cần chép sách để đối phó. Giáo viên ra đề bài viết thì đã có “anh” Google trợ giúp đắc lực với vô số dạng đề, tha hồ chép và chắp nối các kiểu “đầu voi đuôi chuột”, “đầu sư tử mình cá”. Sao có thể gọi là làm văn? Hậu quả là những bài văn đọc cười ra nước mắt đầy rẫy trên mạng sau mỗi mùa thi. Trong giờ học, thỉnh thoảng chuông điện thoại reo lên làm thầy trò mất hứng. Tìm lại cảm xúc và sự đồng điệu như tìm nghiệm một bài toán khó.
Thực ra, nếu đổ lỗi hoàn toàn cho học sinh thì cũng chưa thật xác đáng. Có một bộ phận giáo viên chưa tạo được hứng thú cho học sinh trong giờ học. Sẽ không thuyết phục được các em, nếu lời giảng của thầy cô còn vấp váp, chưa giàu chất văn chương. Sẽ không thiết kế nổi những tiết dạy học thú vị, nếu người thầy chỉ có năng lực giảng dạy mà nhân cách chưa sáng… Và còn nhiều, rất nhiều nguyên nhân khác nữa.
Có được nhiều học trò yêu thích và học giỏi văn quả là hạnh phúc lớn lao của những người đứng trên bục giảng. Thành công của người dạy văn là học sinh yêu thích và trân trọng môn học này. Nhờ khả năng “thẩm thấu”, môn văn sẽ thấm dần vào tâm hồn học sinh giá trị của Chân - Thiện - Mỹ. Một ngày nào đó, có em học trò cũ về thăm, nói với thầy cô rằng: “Em hiểu môn văn có giá trị thiết thực cho cuộc sống và công việc như thế nào rồi”, thì áp lực của nghề bỗng nhiên biến thành động lực, thử thách liền biến thành hạnh phúc. Và niềm vui vỡ òa.
Có lẽ vẫn còn nhiều lắm “những nỗi niềm riêng làm sao nói hết” của nghề dạy học, của người dạy văn. Riêng tôi thiển nghĩ, tận tâm với nghề, với học trò, thể nào thầy cô giáo cũng sẽ mỉm cười hạnh phúc vì tình yêu văn chương sẽ được nhân lên, để gió cuốn đi…
NGUYỄN THỊ DIỆU HIỀN