Tâm tình "người lái đò"…

Đặng Trương 20/11/2023 09:15

(QNO) - Ở hoàn cảnh khác nhau, nhưng nhiều giáo viên miền núi có cùng chung một niềm đam mê thơ nhạc, họ đã gửi gắm tâm tình của mình qua lời thơ, khúc nhạc trong câu chuyện về "người lái đò"...

Nghệ sĩ Trần Thu Hường. Ảnh: Đ.T
Nghệ sĩ Trần Thu Hường. Ảnh: Đ.T

1. “Dạy học là mơ ước còn sáng tác là cơ duyên, cả hai lĩnh vực này tôi đều yêu thích và nó đã tác động hỗ trợ cho tôi khá nhiều…”. Đó là lời tâm sự của cô giáo, nhạc sĩ Trần Thu Hường - hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, người con của xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn, đang sinh sống và công tác tại tỉnh Lâm Đồng. Chị đến với âm nhạc từ niềm đam mê ca hát tuổi thiếu thời vì gia đình có truyền thống yêu âm nhạc.

Là giáo viên dạy âm nhạc, Trần Thu Hường có khá nhiều ca khúc viết về mái trường, nghề giáo và phấn trắng bảng đen được học trò và đồng nghiệp đón nhận. Tại cuộc thi sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường năm học 2020 - 2021 do Bộ GD-ĐT tổ chức, Trần Thu Hường xuất sắc đoạt giải nhì với ca khúc “Hạnh phúc của em”. Bài hát là tiếng lòng của những cô giáo trẻ từ miền xuôi đến với bản làng, vượt bao gian khó, đem cái chữ, đem tình thương yêu nâng bước chân và tâm hồn trẻ thơ nơi đại ngàn xanh thẳm: “Em lặng lẽ rời phố thị lên núi/ Qua bao đèo, bao suối nông sâu/ Em đứng đợi học trò tới lớp/ Nụ cười xinh rạng rỡ đất trời…”.

Là một nhà giáo nên tình yêu dành cho tuổi học trò luôn đong đầy trong tâm hồn nhạc sĩ Trần Thu Hường. Cảm xúc này chính là sức mạnh, động lực lớn giúp chị sáng tác nhiều hơn, hay hơn, xúc động hơn về đề tài giáo dục. “Vầng trăng cánh võng” chính là tập ca khúc đầu tiên gồm 20 bài hát chị viết cho lứa tuổi học trò trong sự nghiệp sáng tác của mình. Trong tập ca khúc này, có nhiều bài hát được khơi nguồn từ chính giờ lên lớp.

2. Ở một địa phương khác, cô giáo Trần Thùy Vi - hội viên Chi hội Văn học (Hội Văn học - nghệ thuật Quảng Nam, giáo viên Trường Tiểu học Tiên Thọ, huyện Tiên Phước) lại có những trăn trở rất đỗi yêu thương về những khó khăn, cách trở khi toàn xã hội đứng trước thách thức của đại dịch COVID-19 với vô vàn hiểm nguy cho việc dạy và học.

Cô giáo Trần Thùy Vi nhớ lại những khoảnh khắc ấy: “Tháng Tám là khoảng thời gian thầy cô trả phép, hết hè để trở về chuẩn bị đón các em trở lại trường. Nhưng tháng Tám năm ấy đã xảy ra đại dịch, nhiều nơi trở thành tâm dịch, chia vùng xanh đỏ, giăng dây cách ly. Một số trường học được sử dụng làm bệnh viện dã chiến, khu cách ly. Nhiều giáo viên xa quê không về được, nhiều học sinh theo ba mẹ về quê nghỉ hè, thăm nội ngoại không thể trở lại trường. Từ cảm xúc như thế, tôi đã viết bài thơ "Tháng Tám về rồi em kịp về không”".

Bài thơ ngay sau khi ra đời đã được chị Bạch Trúc, một người con Tiên Phước đang sinh sống và làm việc tạị TP.Hồ Chí Minh phổ nhạc và hát lên như một sự sẻ chia đong đầy thương yêu đến với mọi người. “Tháng Tám về rồi em kịp về không/ Cây phượng nhỏ xa trong chiều nhung nhớ/ Ghế đá buồn gieo bao điều nặng nợ/ Con chữ vô tình ai nỡ bỏ quê/ Tháng Tám về bao nỗi nhớ chênh vênh/ Nơi góc nhỏ tím bằng lăng sót lại/ Lời thầy giảng vang vang theo năm tháng/ Bạn cùng bàn trò dại để mà thương…”.

Cô giáo Trần Tú Uyên cắt tóc cho học trò.
Cô giáo Trần Tú Uyên cắt tóc cho học trò.

3. Cùng với thời gian, "người lái đò" mải miết khua mái chèo trên dòng sông tri thức, con đò nhiều lúc chông chênh, "người lái đò" vẫn quyết không bỏ thuyền bỏ lái. Phải thực sự nhiệt huyết, phải thực sự yêu thương học trò thì mới giữ vững tay chèo. Cô giáo Trần Tú Uyên (giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, xã Trà Giác, huyện Bắc Trà My) là một trong những cô giáo như thế. Mang trong người căn bệnh nan y, cô vẫn bám trường bám lớp mỗi ngày. Cô không chỉ là cô mà còn là mẹ.

Ngoài giờ lên lớp cô Uyên còn chăm chút từng bữa ăn, tóc tai, quần áo sách vở cho "các con" của mình. Tâm tình ấy, niềm yêu thương ấy đã hóa thành thơ nhạc trong bao la chuyện nghề, chuyện trồng người của một cô giáo trẻ vùng cao: "Anh hỏi em sao chọn nghề nhà giáo/ Sớm phải đi tối muộn mới trở về/ Em trả lời đó là niềm đam mê/ Là mơ ước khi em còn thơ bé/ Anh hỏi em cả tuổi xuân tươi trẻ/ Bụi phấn rơi, tiếng thỏ thẻ còn đâu/ Em trả lời là tình yêu ban đầu…”.

Cô giáo Trần Tú Uyên chia sẻ: "Vào ngành sư phạm năm 2000, và ngôi trường tôi công tác đầu tiên là Trường Tiểu học xã Trà Giác. Từ nhà đi xe máy đến điểm trường chính mất khoảng 45 phút đường đèo dốc, rồi phải mất một buổi đường mới đến được điểm trường thôn. Mười lăm năm cứ đi về như thế với học trò là các em nhỏ Ca Dong, tôi đã trải lòng mình với từng con chữ trong bài thơ được phổ nhạc “Tâm tình cô giáo trẻ”".

Có ai lớn lên mà không một lần được tắm mình trong dòng sông tri thức. Tuổi học sinh đi qua với bao vụng dại một thời. Có những lúc mình cứ ngỡ chẳng ai yêu thương mình bằng ba mẹ. Nhưng khi nhận được sự yêu thương từ thầy cô thì mình mới hiểu vẫn có một vầng trăng ấm áp luôn bên mình...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tâm tình "người lái đò"…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO