Tâm tình phóng viên nữ

ĐỖ THỊ NGỌC DIỆP 18/06/2015 09:08

Là nhà báo - chiến sĩ, những cây bút nữ không chỉ khắc họa hình ảnh người lính bên cây súng, trong chiến hào, trên trận địa mà ẩn sâu bên trong là trái tim nhân hậu, thủy chung dành cho hậu phương, người thân, gia đình, đồng đội.

Tác giả (ở giữa) và đoàn công tác của Quân khu 5 chụp ảnh lưu niệm trên đường phố Tà Veng, tỉnh Ratanakiri (Campuchia).
Tác giả (ở giữa) và đoàn công tác của Quân khu 5 chụp ảnh lưu niệm trên đường phố Tà Veng, tỉnh Ratanakiri (Campuchia).

Với tôi, mỗi chuyến đi, mỗi bài báo là một cuộc “chiến đấu” thầm lặng, với hoàn cảnh, với chính bản thân mình, để ngòi bút luôn trung thực, sắc sảo, xứng đáng với sự yêu mến, tin cậy của độc giả. Thức đêm thức hôm, lội suối băng đèo để rồi ngay ngày hôm sau đón trang báo mới, nhận những phản hồi tích cực từ bạn đọc lại thấy lòng ấm lên.

Một lần hú vía!

Đó là lần đi chống lũ tháng 11.2013 ở thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Chiều 15.11, tôi theo ca nô của Lữ đoàn Phòng không 573 “đột kích” vào các vùng ngập nặng trên địa bàn xã Canh Vinh, huyện miền núi Vân Canh. Do địa hình phức tạp, đi được vài trăm mét, chân vịt ca nô vướng đường nhựa và lưới B40 bị cong vênh khiến việc tiến hay lui đều rất khó khăn. Tấp được vào bụi tre lớn, chiếc ca nô quay tròn, rồi bất ngờ va vào chướng ngại vật làm kính vỡ tung, cây chống cũng bị gẫy. May mà sau hơn nửa tiếng đồng hồ đánh vật với nước xoáy, chiếc ca nô cùng tìm được đường ra. Hú vía!

Vào đến bờ, hay tin Đại tá Trần Duy Hùng - Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định đang chỉ huy một cánh quân di dời người dân vùng lũ, tôi nhanh chóng liên lạc rồi tiếp tục lên ca nô của đơn vị này đi cứu dân. Mặc trời mưa xối xả, đầu đội mũ cối, chân đi đôi ủng sũng nước, người cồng kềnh áo phao, áo mưa, vai khoác máy ảnh, túi đựng máy vi tính xách tay, tôi đi lại như con thoi để chụp ảnh, phỏng vấn, ghi chép. Trời tối, điện cúp, ăn vội miếng cơm cùng lực lượng cứu hộ tại UBND xã Canh Vinh. Lợi dụng ánh sáng đèn xe U-oát của Lữ đoàn Phòng không 573, tôi hối hả viết, gửi e-mail để thông tin “Lực lượng vũ trang Quân khu 5 dốc sức cứu dân vùng lũ” sáng hôm sau xuất hiện trên trang nhất báo Quân đội.

Cùng chinh phục “giặc lửa”

Lại nhớ chuyến đi chống giặc lửa sáng 22.6.2014. Thông tin báo về, tại tiểu khu 53, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng đang xảy ra cháy rừng, đám cháy đã lan rộng sang khu vực rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang cùng đông đảo người dân đang tham gia dập lửa. Không kịp ăn sáng, tôi cùng đồng nghiệp tức tốc lên đường.

Từ nơi đỗ ô tô, muốn lên đến đỉnh núi, chỗ “bà hỏa” đang hoành hành, đường chim bay chỉ khoảng 2 cây số, nhưng phải đi bộ lại dài gấp 3 lần. Cứ bám theo lối mòn, hết lên dốc lại xuống đèo, nhiều đoạn phải nhảy qua các tảng đá lớn hoặc cúi lom khom để tránh dây leo chằng chịt, có lúc nghe rất gần tiếng cây rừng cháy nổ lép bép nhưng đi mãi vẫn chưa tới nơi. Nắng như dội lửa trên đầu khiến tôi thở cả bằng miệng lẫn tai. Lên đỉnh núi, ngoái lại thấy con đường mới đi qua đang bị lửa phong tỏa mà nổi da gà.

Đến nơi, các cánh quân đang tập hợp ở bãi đá cạnh một con suối lớn. Trước nguy cơ lửa có thể phong tỏa 4 phía gây mất an toàn, tôi lại là phụ nữ duy nhất có mặt ở vùng tâm lửa, các anh Phòng Cứu hộ cứu nạn Quân khu 5 yêu cầu tôi di chuyển ngay đến nơi khác, nhưng tôi kiên quyết: “Bộ đội ở đâu, phóng viên ở đấy”. Mặc cho tàn lửa bay tới tấp, tôi cứ mải mê thu vào ống kính những khuôn hình sinh động nhất về trận chiến chinh phục “giặc lửa”.

Để phỏng vấn cán bộ, chiến sĩ tham gia chữa cháy, tôi đã bị trượt xuống con suối, nước ngập ngang thắt lưng. Khi trở về, muốn tăng tốc, tôi cùng đồng nghiệp tự tìm đường tắt để đi, kết quả là lạc đường, vòng tới vòng lui hơn 2 tiếng đồng hồ trên núi. Giải quyết “tình thế” này, tôi cứ chân bước, óc suy tính sắp xếp bố cục. Nhờ vậy khi về đến nhà, ngồi trước bàn phím máy vi tính, chỉ cần gõ ra bài báo đã sắp sẵn trong đầu.

Kỷ niệm với Tà Veng

Hơn 20 năm làm báo, tôi mới có một chuyến xuất ngoại vào đầu tháng 4.2014 cùng đoàn công tác của Quân khu 5 đi thăm, tặng quà, khám chữa bệnh cho bà con huyện Tà Veng, tỉnh Ratanakiri, Campuchia.

3 giờ 30 phút xuất phát từ Đà Nẵng, hơn 17 giờ cùng ngày mới tới nơi. Địa điểm “trú quân” là một trường tiểu học nằm ở trung tâm huyện, thầy trò đang nghỉ tết Chol Chnam Thmay. Ưu tiên phụ nữ, tôi và chị Thái Thị Thuận (hộ sinh khoa Ngoại chung) được ở một phòng riêng. Giường là 4 chiếc bàn ghép với nhau nên lúc nào cũng... rung rinh.

Trời vừa hửng sáng, cả đoàn khởi động cho ngày làm việc khẩn trương. Khoảng 400 phần quà, hàng chục thùng thuốc chữa bệnh được dỡ xuống từ 2 xe tải. Tám giờ sáng, sân trường tiểu học đông nghịt người. Từ các phum, làng xa xôi, bà con đổ về đây mỗi lúc một đông. Có cả những phụ nữ địu theo con nhỏ mới vài tháng tuổi. Nhiều cụ già đầu quấn khăn, chống gậy, bước chân run run... Một mình vừa quay phim, vừa chụp ảnh, được các anh phiên dịch của đoàn trợ giúp phỏng vấn cảm tưởng của người dân, tôi đã thu hoạch được những tư liệu cần thiết để hoàn thành các tác phẩm báo chí. Đến 12 giờ trưa, lượng người đến khám bệnh vẫn tiếp tục gia tăng. Không nỡ để bà con chờ đợi lâu, các bác sĩ thay nhau xuống bếp ăn vội bữa trưa để khám cho nhân dân. Cùng với khám bệnh, cấp thuốc, đoàn công tác còn tư vấn cho bà con về việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, ăn chín, uống sôi, nhất là trong những ngày tết cổ truyền… Những ngày trên đất bạn trôi qua thật nhanh. Giờ chia tay, nhìn theo những cái vẫy tay da diết của người dân Tà Veng, tôi bỗng liên trưởng đến câu thơ của Chế Lan Viên: “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn”. Xin cám ơn những chuyến đi đầy ắp kỷ niệm để mỗi ngày càng yêu thêm cuộc đời, yêu tình người và gắn bó hơn với nghề làm báo với nhiều vinh quang và cay đắng mà mình đã lựa chọn, nguyện gắn bó suốt đời.

ĐỖ THỊ NGỌC DIỆP

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tâm tình phóng viên nữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO