1.Gia đình nhỏ của anh ấy đang ở phương Nam, rất xa quê nhà xứ Quảng - lúc này đang là mùa đông. Phương Nam gần như không có mùa đông, lại càng không có cảnh mưa dầm gió bấc.
Từng mùa, anh nhớ quê đủ thứ. Mỗi năm, phân khúc thời gian của những tờ lịch treo tường nhắc nhở anh về mùa đông ở quê nhà. Cảnh lại hiện ra, gió bấc lại luồn qua nỗi nhớ.
Và anh nhớ…
2.Nhà anh xưa kia ở bên sông. Những ngày mùa đông mưa dầm gió bấc, lụt lội tại đây thì nơi nào cũng lạnh, nhưng chịu lạnh nhiều nhất là những xóm làng ở dọc đôi bờ con sông lớn.
Đứng rớ ngày đông. Ảnh: Hà Nguyễn |
Gió bấc riu riu, dai dẳng đã lạnh, độ lạnh càng tăng bởi thứ gió còn khó chịu hơn gió bấc, ấy là gió chướng. Gió bấc rải cái lạnh đều khắp, về chiều và đêm càng lạnh. Còn gió chướng hùa theo các trận lụt trên sông. Nó xuất hiện từng đợt, từng luồng. Đất trời xám xịt, sướt mướt và luôn có tiếng vù vù âm vang của gió. Hướng thổi của gió chướng giống con ngựa bất kham vô hình, lúc qua tả ngạn, khi tạt sang hữu ngạn hay thổi ngược dòng nước chảy. Nó như có sức mạnh cản nước lại. Chính hướng gió rất “chướng” này làm cho nước lụt lâu rút hơn, bà con ta gọi là “nước giựt”.
3. Vào những ngày như thế, cư dân ở dọc bờ các con sông lớn phải chịu đựng hai loại gió bấc và gió chướng. Ngoại trừ số bà con ở các vạn ghe và những người làm cá, còn thì chẳng ai muốn đứng bên sông để run lập cập. Thôi thì cứ ở nhà để hưởng cái không khí ấm áp của gia đình vậy. Mọi công việc thường nhật không cần thiết lắm tạm gác lại chờ đến ngày nắng hửng, nước giựt.
Anh nhớ nhất là bữa cơm trong những ngày mưa dầm gió bấc có đầy đủ thành viên trong gia đình. Bên ngoài trời không ngớt mưa. Gió từ sông mang cái lạnh chui vào nhà chia đều cho từng người. Lúc này bếp lửa của bữa cơm trưa, cơm chiều sao mà ấm áp! Tiếng củi cháy lép bép, tiếng cơm sôi sùng sục trở thành những âm thanh vui nhộn. Cơm cạn, mẹ hay chị mở nắp vung, một làn khói mỏng tỏa ra mang theo hương vị bát cá mòi dầu hay cá chuồn thính được chưng trong đó. Mùi thơm lan cả gian nhà. Ôi, cái mùi đặc trưng, đặc vị của hai món ăn dân dã quê nhà anh tin rằng đã thấm sâu trong tâm thức, tình cảm của mỗi con người xứ Quảng. Anh đã đi qua nhiều vùng quê trên cả nước, đôi nơi có hai loại cá này nhưng chẳng nơi nào biết làm thành mòi dầu và chuồn thính.
Bữa cơm được dọn ra. Trời lạnh, cơm nóng, canh sốt. Món ăn trong những ngày này thường không có các vật tươi sống mua tại chợ mà toàn là những thức ăn được phòng trữ tại nhà. Giữa mâm là bát cá mòi dầu mới chưng, mùi thơm lan tỏa. Cặp cá mòi nằm ngập trong màu nước nâu sậm nổi váng dầu và ớt bột khô lấm tấm. Có bữa, thay cho mòi là cá chuồn thính. Mỗi con được cắt đôi đặt trong dĩa lớn, lớp thính bọc quanh thân cá chuồn có màu vàng ngon mắt.
Thịt cá mòi mặn dịu, thịt chuồn thính mặn vừa, thấm đẫm hơi chua của lớp thính rất kích thích vị giác. Hai loại cá biển dự trữ của bà con xứ Quảng không cần đóng hộp, rút chân không gì cả nhưng để lâu vẫn không hư.
Tuy không đi chợ nhưng các bà, các chị không chịu để những bữa cơm ngày bấc thổi bị đơn điệu chỉ có cá mòi hay chuồn “độc diễn”. Trong mâm còn có dĩa rau sam, rau dền hái ngoài vườn đem luộc để chấm với nước cá mòi dầu, dĩa mắm nục dầm ớt, con mắm đã được xé từng miếng nhỏ trông rất ngon lành. Lại còn có chén “mắm bỏ” bằng đu đủ, dưa gang, cà dĩa nữa. Món nào cũng phải trộn nhiều ớt bột hoặc dằm ớt tươi. Thiếu ớt là không được. Cái vị cay xè này rất hợp với những bữa cơm mùa đông lạnh lẽo. Nên có người “nâng cấp” ớt lên để gọi nó là “thực khiếu” của người xứ Quảng.
Có đôi bữa cơm được đổi món thịnh soạn hơn vì trong nhà có người bủa lưới, đứng rớ, thả lờ được nhiều cá sông, cá đồng. Khi ấy, bữa cơm thêm phần hấp dẫn, tăng chất lượng với các món rô nướng, lúi kho, trê chiên, tràu nấu ám…
Anh vẫn ngồi đó, lặng im để nhớ. Nỗi nhớ như mọc cánh. Nó đưa anh về dưới mái nhà xưa ở bên sông đúng mùa bấc thổi.
Tùy bút của TƯỜNG LINH