Đó là ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh
Theo UBND tỉnh, năm 2013, Quảng Nam đã thực hiện tốt mục tiêu ổn định, phát triển kinh tế, góp phần kiềm chế lạm phát. Bình quân 3 năm 2011 - 2013, tốc độ tăng thu nội địa hơn 17%/năm. Trong đó, năm 2013 thu nội địa ước đạt 4.478 tỷ đồng, đảm bảo dự toán được giao. Nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội huy động được 14.922 tỷ đồng, chiếm hơn 33% so với tổng giá trị gia tăng trên địa bàn (GRDP), tỷ lệ này có cao hơn bình quân chung cả nước. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế và sản xuất kinh doanh vẫn duy trì phát triển ổn định, tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng thấp hơn chỉ tiêu đề ra (11,5%). Qua 3 năm 2011 - 2013 tốc độ tăng GRDP bình quân 11,75%, thấp hơn gần 1,8% so với chỉ tiêu đề ra cho cả nhiệm kỳ 2011 - 2015 (13,5%). GRDP bình quân đầu người khoảng 30,7 triệu đồng năm 2013. Tốc độ tăng trưởng các ngành chậm lại và thấp hơn chỉ tiêu bình quân cho giai đoạn 2011 - 1015... Kế hoạch năm 2014 Quảng Nam phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2013 với GRDP tăng khoảng 11,5%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm khoảng 31,5% GRDP, tạo việc làm mới cho 41.000 lao động, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 13%...
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh, tốc độ tăng trưởng của Quảng Nam khá tốt dù một số chỉ tiêu chưa đạt. Quan điểm của chính quyền là gia tăng đào tạo ngành nghề cho lao động nông thôn. Nếu ngân sách khó khăn, sẽ tiếp tục xin tạm ứng trước, đi vay để tập trung đầu tư các dự án lớn, dự án trọng điểm. Chính quyền vẫn giữ nguyên việc phân cấp đầu tư cho các địa phương, nhưng sẽ tăng cường kiểm soát vốn đầu tư xây dựng cơ bản có hỗ trợ của Trung ương và tỉnh. Sẽ lập danh mục đầu tư cụ thể, xác định được nguồn vốn đầu tư mới trình phê duyệt dự án và xây dựng cơ chế điều hành ngân sách. Ưu tiên bố trí vốn cho các dự án chưa hoàn thành, trả nợ khối lượng xây dựng cơ bản.
Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải cho rằng cần tìm cơ chế phân cấp đầu tư xây dựng cơ bản, thu chi ngân sách và tìm nguồn xử lý nợ tạm ứng kéo dài. Chấm dứt cơ chế xin - cho, tập trung đầu tư các dự án trọng điểm, tăng cường khai thác nguồn vốn ODA, tránh chia lẻ dự án để đầu tư. Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải, ngân sách càng khó khăn thì càng phải tiết kiệm chi tiêu, rà soát tất cả dự án, chọn lọc đầu tư có hiệu quả. Ngân sách cần ưu tiên bố trí vốn cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn; chương trình đánh bắt xa bờ và hỗ trợ ngư dân. Quan trọng nhất vẫn là chuyện cải thiện môi trường đầu tư, mở rộng các chương trình xúc tiến đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và giải quyết những tồn đọng, khó khăn cho doanh nghiệp.
T.D