Ngoài săn lùng các loại cây thuốc quý như cà gai leo, chùm bành…, gần đây, người dân còn ồ ạt khai thác cây vằng bán cho thương lái Trung Quốc.
Nhiều ngày nay, tầm 5 giờ chiều, trên quốc lộ 1 đoạn từ huyện Thăng Bình ra thị xã Điện Bàn, thường bắt gặp nhiều phụ nữ chạy xe máy, phía sau chở nặng bao tải chứa lá vằng. Dân gian gọi cây vằng là chè vằng, lá nấu làm nước uống. Người dân xã Bình Tú (Thăng Bình) đổ xô khai thác lá cây vằng tươi bán với giá mỗi ký hơn 7.000 đồng. Nhiều cơ sở thu mua vằng cũng mọc lên ở địa phương. Có mặt tại cơ sở thu mua lá cây vằng của bà Nguyễn Thị Sâm (thôn 7, xã Bình Tú), chúng tôi nhận thấy khách đến bán vằng nườm nượp. Quệt những giọt mồ hôi lăn dài trên trán, bà Sâm cho biết: “Do nhiều người đi hái lá cây này nên gần đây phải đi xa mới có vằng mà hái. Ngoài đứng ra thu mua, tôi còn trực tiếp đi khai thác. Các địa phương như Núi Thành, Quế Sơn, Tam Kỳ… tôi đều đặt chân đến. Có ngày may mắn thì được 40kg, còn không thì khoảng 20kg”. Bà Sâm chia sẻ, cây vằng thường mọc xen với những bụi cây cao nên việc lấy chúng rất khó khăn. Loại vằng thấp thì chỉ cần dùng liềm cắt lúa là hái được, còn những bụi vằng mọc cao phải dùng đến cù móc, hay trèo lên cây mới có thể khai thác được.
Gần đây người dân ồ ạt khai thác cây vằng bán cho thương lái. Ảnh: T.NGUYỄN |
Một cơ sở thu mua khác, ông Nguyễn Văn Thảo (thôn 7, xã Bình Tú) cho biết, vằng có 3 loại là vằng lá nhỏ (vằng sẻ), vằng lá to (vằng trâu), vằng núi nhưng ông chỉ thu mua vằng sẻ và vằng trâu vì hai loại này có thể sử dụng làm thuốc. Vằng sẻ có giá cao hơn vằng trâu, vì loại này dùng làm thuốc tốt hơn. Cơ sở của ông đứng ra thu mua vằng, đóng gói bao bì. Khi nào đủ một xe tải thì các thương lái đến mua, vận chuyển ra các tỉnh phía bắc rồi đưa đi tiêu thụ. “Bình quân mỗi ngày, tôi thu mua được gần chục tạ vằng tươi” – ông Thảo nói.
Theo quan sát, khu vực xã Bình Tú hiện có gần 10 điểm thu mua lá cây vằng. Khi được hỏi, đa số người dân đều không biết chính xác cây vằng được thu mua để làm gì. Họ chỉ biết đây là loại cây góp phần cải thiện cuộc sống. Một giờ theo chân vợ chồng bà Nguyễn Thị Hoa (thôn Long Hội, xã Bình Chánh, Thăng Bình) săn lùng cây vằng, chúng tôi lo ngại về kiểu khai thác tận diệt. Đồ nghề của hai vợ chồng bà Hoa đơn giản, chỉ có hai cái liềm cắt lúa và 3 - 4 bao tải, hai chai nước uống. Bà Hoa cho biết: “Mỗi ngày vợ chồng hái được 30kg vằng, thu nhập gần 200 nghìn đồng/ngày. Trừ chi phí tiền xăng xe, ăn uống dọc đường thì còn lại khoảng 100 nghìn đồng tiền lời. Công việc này khá vất vả nhưng có thêm thu nhập trang trải hàng ngày, nên ngày nào rảnh là chúng tôi tìm vằng để hái bán”.
Các đại lý thu mua thông tin, vằng được khai thác ở các địa bàn trong tỉnh, sau đó được các thương lái Trung Quốc cạnh tranh thu mua, rồi đưa ra các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị để chế biến thành chè vằng và cao vằng. Theo các thầy thuốc y học cổ truyền, vằng mọc rải rác ở các tỉnh thuộc vùng núi thấp, trung du và đồng bằng, sống lẫn với cây bụi ở ven đồi, bờ nương rẫy, quanh làng bản. Cây nhỏ dạng bụi, hoa màu trắng, quả mọng khi chín màu đen. Nghiên cứu dược lý cho thấy, lá vằng có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, làm mau lành vết thương…, được người dân tại nhiều vùng miền sử dụng dưới dạng sắc thuốc hay pha nước uống, đặc biệt tốt khi dùng cho các sản phụ. Cây này thông dụng trong các bài thuốc nam dân gian. Tuy nhiên, theo một chuyên gia đông y, với số lượng khai thác lớn như hiện nay, sớm muộn gì loại cây này cũng trở nên khan hiếm và nguy cơ thiếu hụt nguồn dược liệu quý. Thời gian qua, nhiều nguồn dược liệu quý trong dân gian bỗng dưng được thương lái Trung Quốc mua với giá cao, trong khi đó các cơ quan chức năng gần như mù mờ thông tin về thị trường, không tìm ra nguyên nhân vì sao một số cây dược liệu bỗng dưng “sốt giá”.
TRẦN NGUYỄN