Tận dụng cơ hội TPP: không dễ!

TRỊNH DŨNG (thực hiện) 16/04/2016 08:44

Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) kết thúc đàm phán ngày 5.10.2015, sau 7 năm thương thảo giữa các nước: Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mê-hi-cô, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam. Mười hai quốc gia thành viên TPP đã ký kết hiệp định này vào ngày 4.2.2016, chính thức bắt đầu tiến trình phê chuẩn tại mỗi nước, dự kiến trong vòng 2 năm. Các quốc gia thành viên hiện tại của TPP chiếm 40% GDP của cả thế giới và 26% lượng giao dịch hàng hóa toàn cầu.

Các chuyên gia quốc tế hay trong nước đều đánh giá Việt Nam hưởng lợi lớn nhất từ TPP. Người Việt khá lạc quan trước hội nhập. Tuy nhiên, những đánh giá định lượng được đưa ra cần nhìn nhận một cách thận trọng vì đàm phán TPP là đàm phán kín. Những lợi ích mang lại cũng chỉ là dự đoán, chỉ là suy đoán trên lý thuyết, còn thách thức thì đã hiện hữu. Sức ép toàn cầu buộc phải thích nghi. Nỗ lực từng doanh nghiệp cùng với sự trợ lực của nhà nước thì mới có thể hy vọng thích nghi nhanh chóng được. Làm thế nào để tận dụng tối đa cơ hội hội nhập là điều không dễ.

Tất cả ngành sản xuất tại Quảng Nam ít nhiều sẽ có cơ hội nhưng cũng đầy thách thức khi hội nhập, nhất là ngành nông lâm thủy sản và dệt may gia công. Ảnh: TRỊNH DŨNG
Tất cả ngành sản xuất tại Quảng Nam ít nhiều sẽ có cơ hội nhưng cũng đầy thách thức khi hội nhập, nhất là ngành nông lâm thủy sản và dệt may gia công. Ảnh: TRỊNH DŨNG

Một bàn tròn với chuyên gia kinh tế, thành viên đoàn đàm phán, hiệp hội doanh nghiệp, cơ quan quản lý và chính quyền sẽ có thêm góc nhìn đa diện hơn.

Trần Bá Cường - Trưởng phòng WTO, Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), thành viên đoàn đàm phán TPP, WTO và các FTA của Việt Nam

“Doanh nghiệp mạnh, đủ năng lực sẽ chiến thắng trong hội nhập”

Lợi ích dễ thấy là tham gia một số hiệp định thương mại tự do “thế hệ mới”, Việt Nam có cơ hội đa dạng hóa, mở rộng thị trường xuất khẩu từ việc các nước thành viên sẽ giảm hoặc xóa bỏ thuế quan cho doanh nghiệp xuất khẩu. Sẽ bán được nhiều hơn và hàng hóa Việt Nam sẽ trở nên cạnh tranh hơn so với những nước không có hiệp định thương mại tự do này. Cam kết bảo hộ, mở cửa thị trường tạo nhiều cơ hội tăng trưởng đầu tư nước ngoài, sẽ dẫn đến tăng trưởng GDP, việc làm, công nghệ. Người dân, doanh nghiệp sẽ có cơ hội sử dụng những hàng hóa tốt, chất lượng, an toàn với giá rẻ.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội xuất khẩu những mặt hàng truyền thống như dệt may, da giày, đồ gỗ. Trong thế giới hiện đại, không có một doanh nghiệp sản xuất nào có thể tự tạo tất cả quy trình sản xuất ra một sản phẩm, mà cần rất nhiều mắt xích, nhiều doanh nghiệp tham gia. TPP tạo cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu thông qua các cơ hội liên doanh, liên kết với các tập đoàn lớn để học hỏi, chuyển giao công nghệ, có nhiều cơ hội hơn để làm các nhà cung ứng dịch vụ, cung ứng các mặt hàng công nghiệp, hỗ trợ cho các tập đoàn đa quốc gia.

Làm thế nào để thực thi và nắm bắt cơ hội từ TPP? Điều đầu tiên là nhà nước sẽ phải phê chuẩn hiệp định càng sớm càng tốt, dự kiến là trong năm nay. Trước khi phê chuẩn, sẽ rà soát các văn bản pháp luật hiện hành, phù hợp thì tiếp tục thực hiện còn không thì sửa đổi hay bãi bỏ cho tương thích với những cam kết trong hiệp định. Nhà nước cần tích cực phổ biến, cung cấp thông tin cam kết TPP nói riêng và những hiệp định thương mại tự do khác để cho cộng đồng, doanh nghiệp hiểu và vận dụng một cách hiệu quả, tận dụng tối đa cơ hội những hiệp định để thúc đẩy thương mại, xuất khẩu. Ngoài ra, nhà nước phải có những chương trình đào tạo, giúp doanh nghiệp, cơ quan quản lý địa phương nâng cao năng lực để thực thi hiệp định và hỗ trợ cho những lĩnh vực dễ bị tổn thương, chẳng hạn như nông nghiệp. Có thể có những chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, như các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ nâng cao năng lực chế biến, sản xuất, xuất khẩu và năng lực tiếp thị giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận và cạnh tranh.

Thách thức, bất lợi lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là khi cam kết xóa bỏ thuế quan, hàng hóa nước ngoài sẽ tràn ngập với giá rẻ, trong khi nhân lực, sản phẩm doanh nghiệp Việt chưa cao… Trong bối cảnh này, doanh nghiệp phải nhận thức được khó khăn hội nhập, chủ động nâng cao năng lực và sức cạnh tranh, nâng cao năng lực quản lý về công nghệ, con người và chiến lược phát triển phù hợp, tham gia chuỗi cung ứng giá trị sản xuất khu vực do hiệp định tạo ra. Doanh nghiệp mạnh, đủ năng lực sẽ chiến thắng trong hội nhập.

Trần Đình Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam

“Không  thể để “mù” thông tin”

Chắc chắn ngân sách Quảng Nam sẽ bị ảnh hưởng, chỉ là mức độ ảnh hưởng nhiều hay ít mà thôi. Ngành nghề nào khác chưa nói, chứ riêng doanh nghiệp dệt may, da giày sẽ bị ảnh hưởng. Ngân sách Quảng Nam phụ thuộc vào ô tô, nhưng Trường Hải là một doanh nghiệp lớn, chuyên nghiệp, có chiến lược phát triển, chủ động với hội nhập, dự báo được tốc độ phát triển của thị trường… nên mức độ ảnh hưởng sẽ hạn chế. Nếu giá xe có giảm, thuế nhập khẩu bằng 0% hay thuế tiêu thụ đặc biệt giảm dần thì tổng thu ngân sách riêng Quảng Nam sẽ không giảm. Sản lượng hay tiêu thụ xe tăng sẽ bù đắp những khoản thiếu hụt nên số nộp ngân sách sẽ không giảm. Có thể sẽ ảnh hưởng nhưng không nhiều.

Báo chí đưa tin, phân tích nhưng chuyện phổ biến sâu rộng hiệp định còn quá hạn chế. Những thông tin ngắn gọn, hệ thống chưa có. Quanh đi quẩn lại chỉ là cơ hội và thách thức. Nhưng những thông tin khúc chiết, dễ hiểu, hệ thống cho cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người dân nắm bắt nội dung để ứng xử rất hạn chế mà lẽ ra trách nhiệm này thuộc về nhà nước. Chính điều đó là bất ổn, trở ngại đầu tiên khi ký kết tham gia hiệp định. Thời cơ ở đâu không biết đến nhưng đó là trở ngại. Nghĩa là mình không nắm bắt được thì cũng như mù. Mù thì rất khó làm ăn! Họ nói Việt Nam sẽ là nước hưởng lợi lớn nhất trong TPP bởi cho rằng dệt may, da giày là thế mạnh. Thế nhưng, hiện tại doanh nghiệp, cơ quan quản lý vẫn không biết được thách thức tới đâu. Biết thách thức để ứng xử đã khó, huống gì không biết thì làm sao đối phó. Thách thức không ngừng tăng khi tham gia một cuộc chơi lớn mà mình không biết luật chơi.

Chính quyền, cơ quan quản lý phải đặt vị thế của mình là doanh nghiệp hay người dân để tháo gỡ những vướng mắc trên nền tảng của một nền hành chính phục vụ. Không thể để “mù” thông tin. UBND tỉnh sẽ phải đứng ra, mời chuyên gia về nói chuyện để biết TPP là cái gì; phổ biến những nội dung ký kết, phân tích rõ những cơ hội, thách thức và hướng dẫn doanh nghiệp tận dụng tối đa lợi ích hiệp định này. Chắc chắn rằng một khi hàng rào thuế quan giảm thiểu, lưu thông hàng hóa trong nội khối sẽ thuận lợi vô cùng. Góc độ nào đó sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh của từng doanh nghiệp thông qua việc chiếm lĩnh thị phần. Tuy nhiên, giảm thiểu hàng rào này thì có những hàng rào khác thế chỗ. Đối với TPP, đó là xuất xứ của nguyên vật liệu phải nằm trong nội khối. Trong khi là thế mạnh của Quảng Nam hay Việt Nam là dệt may lại phụ thuộc phần lớn vào Trung Quốc - mà nước này nằm ngoài khối TPP. Vì vậy, thì dù có mở cửa thì nó cũng không mấy hữu hiệu. Hàn Quốc đã nhanh chóng mở dự án Panko tại Quảng Nam để đón đầu cơ hội. Còn các doanh nghiệp Quảng Nam mới chỉ làm những công đoạn nhỏ, các công đoạn khác thì nằm ở đâu đó. Nếu không có sự liên kết, phân công lại thì thời cơ lại hóa ra thách thức. Nâng cao năng lực chưa biết đến đâu nhưng khả năng sẽ “thua ngay trên sân nhà”.

Đậu Anh Tuấn - Trưởng phòng Pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI)

“Ủng hộ, dù thiếu thông tin”

VCCI đã mở cuộc điều tra xã hội học quy mô lớn, đánh giá hiểu biết và quan điểm của các doanh nghiệp về cơ hội, thách thức từ TPP. Mức độ nhận thức và ủng hộ dành cho TPP trong cộng đồng các doanh nghiệp nói chung đã tăng lên. Điều này cho thấy các doanh nghiệp đã có những hiểu biết nhất định về TPP. Tỷ lệ  doanh nghiệp biết tới hiệp định này tăng từ 68% năm 2014 lên 78% và mức độ ủng hộ tăng từ 62% lên 72% năm 2015. Doanh nghiệp cảm nhận rõ ràng hơn về việc Hoa Kỳ phê chuẩn hiệp định và thông qua các điều khoản đã được đàm phán. Có thể thấy, một trong những tính toán quan trọng về lợi ích doanh nghiệp có được từ TPP là khả năng thâm nhập vào thị trường Hoa Kỳ. Khảo sát cho thấy doanh nghiệp nội địa am hiểu về TPP thấp hơn các doanh nghiệp FDI từ các nước thành viên và không tới từ các nước thành viên TPP khi chỉ 77% so với 86% và 82%. Tuy nhiên, mức độ ủng hộ TPP của các doanh nghiệp nội địa lại cao nhất so với các doanh nghiệp FDI đến từ các nước thành viên và không tới từ các nước thành viên khi so 73% với 67% và 65%.

Kết quả so sánh cảm nhận giữa doanh nghiệp trong nước thuộc nhóm có khả năng hưởng lợi từ TPP với nhóm được dự đoán bị ảnh hưởng tiêu cực cho thấy nhóm doanh nghiệp bị ảnh hưởng hiểu biết ít hơn về các điều khoản của TPP và có xu hướng ủng hộ ít hơn việc thông qua hiệp định này. Ngoài ra, có sự khác biệt lớn giữa các doanh nghiệp định hướng xuất khẩu trong nhóm được hưởng lợi với các doanh nghiệp trong nước về mức độ hiểu biết và ủng hộ hiệp định. Phát hiện này cung cấp một vài gợi ý chính sách cần lưu ý. Nó cho thấy những doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực từ TPP thường là những doanh nghiệp có sự hiểu biết rất ít về hiệp định. Phần lớn doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI đều thể hiện quan điểm lạc quan. Tuy nhiên, các doanh nghiệp FDI từ các nước không thuộc TPP định hướng xuất khẩu lại không mấy lạc quan. Có lẽ do thách thức mà họ dự kiến phải đối mặt khi hiệp định có hiệu lực.

Các doanh nghiệp trong nước kỳ vọng Chính phủ Việt Nam sẽ hỗ trợ họ để thích ứng với TPP bằng cách thành lập cơ quan đầu mối thông tin, chịu trách nhiệm giúp đỡ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, đào tạo lại và tư vấn về cách thức để tận dụng được các cơ hội thị trường mới.

Võ Văn Hùng - Trưởng ban Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp Quảng Nam

“Sẽ luôn là cầu nối hỗ trợ doanh nghiệp”

Theo đánh giá của các chuyên gia, khi gia nhập TPP thì làn sóng đầu tư mới vào lĩnh vực dệt may được xem là có điều kiện thu hút đầu tư cao nhất. Hiện tại, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may, da giày chiếm đa số. Không ít dự án đầu tư lớn với mô hình khép kín, tập trung đón đầu TPP (dự án Khu liên hợp sợi – dệt – nhuộm – may của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, nhà máy may, dệt, nhuộm Tam Thăng của Công ty PanKo Tam Thăng, nhà máy sợi Thăng Bình của Tổng công ty CP Dệt may Hòa Thọ…) đã xuất hiện tại Quảng Nam. Tuy nhiên, doanh nghiệp Quảng Nam phần lớn nhỏ và vừa, khả năng cạnh tranh hội nhập tăng sẽ làm cho doanh nghiệp công nghệ sản xuất, kinh doanh lạc hậu có thể rơi vào tình trạng khó khăn (thậm chí phá sản). Nhưng tác động này chỉ mang tính ngắn hạn và quy mô không đáng kể. Xét tổng thể, gia nhập TPP vẫn mang lại nhiều cơ hội, lợi ích cho doanh nghiệp Quảng Nam phát triển.

Sau lớp tập huấn vừa mở, sẽ tiếp tục tổ chức những buổi phổ biến chuyên sâu hơn, nhất là các thách thức, cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận, vận dụng một cách hiệu quả nhất. Chúng tôi tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tổ chức các chương trình, hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp theo lĩnh vực và chuyên đề để lãnh đạo các cấp lắng nghe, từ đó sẽ có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp phù hợp. Và tiếp tục làm cầu nối hỗ trợ doanh nghiệp tham gia trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, cung cấp thông tin cần mua - bán, cơ hội giao thương để giúp doanh nghiệp tìm đầu ra sản phẩm. Quảng Nam sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư tại chỗ. Xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ, tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư đang thực hiện dự án tại Quảng Nam mở rộng đầu tư, tăng công suất, đổi mới công nghệ... làm tiền đề để họ tự tin giới thiệu các nhà đầu tư mới vào Quảng Nam. Nghiên cứu, đánh giá tiềm năng và lựa chọn đối tác cụ thể để trực tiếp đến trụ sở chính, “đại bản doanh” của nhà đầu tư để giới thiệu dự án, mời gọi đầu tư hoặc thông qua các cơ quan ngoại giao, đại diện kinh tế Việt Nam ở nước ngoài. Hỗ trợ tối đa về mặt thủ tục để nhà đầu tư sớm triển khai dự án; đồng thời chú trọng công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ để nhà đầu tư tái đầu tư trên địa bàn tỉnh...

Nguyễn Quang Việt - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Quảng Nam

“Chủ động nghiên cứu hiệp định, nâng cao năng lực nội sinh”

Kinh tế tỉnh Quảng Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá dù phải đối mặt nhiều khó khăn do khủng hoảng kinh tế toàn cầu mất nhiều thời gian hồi phục. Bốn nghìn doanh nghiệp đang hoạt động (gần 90% doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ) đóng góp rất lớn vào tiến trình phát triển này. Vì vậy, hoàn toàn có thể kỳ vọng vào sự thành công của doanh nghiệp khi bước vào hội nhập. Những cam kết hội nhập sẽ là cơ hội mở rộng giao thương, thúc đẩy xuất khẩu, thu hút vốn FDI, liên kết, hợp tác để hiện đại hóa sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, Quảng Nam đang gặp khá nhiều khó khăn khi hàm lượng công nghệ hàng hóa xuất khẩu thấp, xuất khẩu nguyên liệu thô, quy mô doanh nghiệp nhỏ, chưa có hoặc thấp rào cản kỹ thuật, các biện pháp vệ sinh dịch tễ không hiệu quả, chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu gia tăng, tạo ra áp lực cạnh tranh về giá, mẫu mã và chất lượng sản phẩm.

Hội nhập đã “ập đến”. Không còn con đường nào khác là tự doanh nghiệp phải thông qua các cơ quan hữu trách, chuyên gia kinh tế, các nhà đàm phán, các học giả, chủ động tìm hiểu, nắm bắt cụ thể nội dung các hiệp định, khai thác tối đa lợi thế của doanh nghiệp mình trong quá trình sản xuất, kinh doanh để mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Những tính toán cho thấy Việt Nam là nước được hưởng lợi lớn nhất từ TPP, nhưng làm sao để tận dụng tối đa lợi ích từ hiệp định là điều không dễ. Công cụ lớn nhất mà TPP sử dụng để thúc đẩy trao đổi hàng hóa là những ưu đãi miễn giảm thuế giữa các nước thành viên cam kết. Nếu biết khai thác những thị trường này, liên doanh, hợp tác với doanh nghiệp FDI, tổ chức lại sản xuất, cải thiện vốn, công nghệ, nhân lực, đáp ứng các điều kiện của TPP thì doanh nghiệp Quảng Nam mới đủ sức đứng vững để hội nhập.

Việc mời các chuyên gia kinh tế mở lớp tập huấn kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế cho sở, ban, ngành, doanh nghiệp Quảng Nam hai ngày 7&8.4 vừa qua, chỉ là mở đầu cho một tiến trình cập nhật phổ biến kiến thức, giúp doanh nghiệp, cơ quan quản lý hiểu và tìm cách tận dụng cơ hội.

 TRỊNH DŨNG (thực hiện)


(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tận dụng cơ hội TPP: không dễ!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO