Tận dụng cơ hội từ FTA Việt Nam - Hàn Quốc

TRỊNH DŨNG 14/09/2016 09:11

Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Hàn Quốc có hiệu lực với những cam kết giảm thuế khá thuận lợi cho doanh nghiệp, nhưng liệu doanh nghiệp có tận dụng được các cơ hội này hay không vẫn là câu chuyện được luận bàn.

Nhiều mặt hàng được cắt giảm thuế

Tại lớp tập huấn đầu tiên về kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế 2016, ông Trần Bá Cường - Trưởng phòng WTO (Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương) - thành viên đoàn đàm phán TPP, WTO và các FTA của Việt Nam cho hay doanh nghiệp sẽ có cơ hội đa dạng hóa, mở rộng thị trường xuất khẩu, hàng hóa sẽ được bán nhiều hơn và trở nên cạnh tranh hơn khi tham gia FTA. Doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ có nhiều cơ hội xuất khẩu những mặt hàng truyền thống như dệt may, da giày, đồ gỗ, có thể học hỏi, chuyển giao công nghệ, có nhiều cơ hội hơn để làm các nhà cung ứng dịch vụ, cung ứng các mặt hàng công nghiệp, hỗ trợ cho các tập đoàn đa quốc gia.

Panko Hàn Quốc là doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may tận dụng tối đa các lợi ích từ FTA Việt Nam - Hàn Quốc. Ảnh: T.DŨNG
Panko Hàn Quốc là doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may tận dụng tối đa các lợi ích từ FTA Việt Nam - Hàn Quốc. Ảnh: T.DŨNG

Theo tính toán của Bộ Công Thương, hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng nhiều cơ hội thị trường mới nhờ các cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ của phía Hàn Quốc (ký kết ngày 5.5.2015, có hiệu lực từ ngày 1.1.2016). Hàn Quốc sẽ tự do hóa 97,2% giá trị nhập khẩu, chiếm 95,4% số dòng thuế và có nhiều nhóm hàng nông, thủy sản xuất khẩu chủ lực như tôm, cua, cá, hoa quả nhiệt đới, và hàng công nghiệp như dệt may, đồ gỗ, sản phẩm cơ khí... Việt Nam là đối tác FTA đầu tiên được Hàn Quốc mở cửa thị trường đối với những sản phẩm hết sức nhạy cảm trong nước như tỏi, gừng, mật ong, khoai lang... (thuế suất những mặt hàng này rất cao, từ 241 - 420% do đặc biệt nhạy cảm với Hàn Quốc).

Phía Việt Nam cũng sẽ cắt giảm thuế quan với 92,7% giá trị nhập khẩu, chiếm 89,2% số dòng thuế, chủ yếu với các nhóm hàng công nghiệp như nguyên phụ liệu dệt, may, nguyên liệu nhựa, linh kiện điện tử, xe tải và xe con từ 3.000cc trở lên, phụ tùng ô tô, điện gia dụng, một số sản phẩm sắt thép, dây cáp điện... Đây là các nguyên, phụ liệu cần nhập khẩu phục vụ sản xuất, giảm phụ thuộc nguồn nhập khẩu từ nhiều nước khác. Theo FTA này, Hàn Quốc cam kết hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực xây dựng, thực thi chính sách, nâng cao sức cạnh tranh của các lĩnh vực mà Hàn Quốc có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu hợp tác để cạnh tranh xuất khẩu bền vững như nông nghiệp, thủy sản và lâm nghiệp; công nghiệp điện tử, công nghiệp lọc hóa dầu, công nghiệp hỗ trợ...

Theo một doanh nghiệp sản xuất gỗ và sản phẩm từ gỗ ở Cẩm Hà (Hội An), trước đây, các sản phẩm gỗ mà Quảng Nam xuất sang Hàn Quốc như viên nén gỗ, ván gỗ hay các sản phẩm gỗ nội thất có bọc da thường phải chịu mức thuế 3 - 5%, có loại tới 6% nhưng giờ tất cả đều bằng 0%. Còn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị chế biến gỗ như máy cưa xẻ, máy sấy, gia công chi tiết của Hàn Quốc có mức thuế rất cao giờ đã giảm xuống 0%, đã giúp doanh nghiệp tiết giảm rất lớn chi phí.

Cơ hội nào cho doanh nghiệp?

Theo tính toán của UBND tỉnh, địa phương có đủ khả năng quy hoạch các vùng nguyên liệu nông - lâm sản và cây công nghiệp lớn phục vụ xuất khẩu. Sản lượng khai thác thủy hải sản đạt trên 40.000 tấn/năm hay yến sào đủ để toan tính cho xuất khẩu và dệt may được xác nhận và mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Quảng Nam trong vài năm tới. Hay công nghiệp phụ trợ cơ khí ô tô hướng đến xuất khẩu đang được Thaco mở rộng… Theo công bố của UBND tỉnh, tổng giá trị xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2016 đạt hơn 405 triệu USD, tăng hơn 10% so cùng kỳ. Tăng nhiều nhất là hàng dệt may (tăng hơn 32%), mặt hàng gỗ tăng 12% và giày các loại tăng 7%. Chưa có một con số thống kê cụ thể lượng hàng hóa xuất khẩu từ các doanh nghiệp Quảng Nam sang Hàn Quốc từ 155 doanh nghiệp xuất khẩu đang hoạt động, nhưng dễ nhìn thấy việc xuất khẩu hàng dệt may, túi xách thời trang hiện tại chủ yếu là từ các doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại Quảng Nam.

FTA đã mở cửa. Hiện tại 20 doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư vào Quảng Nam với tổng vốn đầu tư khoảng 250 triệu USD, chủ yếu là dệt may, túi vải, lều bạt và cả làm hàng nông sản. Họ đã chủ động tận dụng cơ hội miễn thuế từ FTA này. Sự gia tăng chuỗi sản xuất, cung ứng ngành dệt may của Panko Hàn Quốc vào Tam Thăng hay mới đây cuộc tìm hiểu, xúc tiến đầu tư vào Quảng Nam của 20 doanh nghiệp Hàn Quốc cho thấy môi trường đầu tư giờ đây đã có dấu hiệu tích cực. Không chỉ các nhà đầu tư Hàn Quốc lên kế hoạch tận dụng FTA, Thaco - một nhà sản xuất, lắp ráp ô tô cũng đã sẵn sàng đón nhận thời cơ này. Năm 2015, Thaco đã được Tập đoàn Kia Motors (Hàn Quốc) trao giải thưởng nhà phân phối thương hiệu xe Kia xuất sắc nhất châu Á. Động thái mới nhất là doanh nghiệp này đã khai trương tuyến hàng hải container Hàn Quốc - Chu Lai, chính thức xuất khẩu trực tiếp hàng hóa Quảng Nam sang Hàn Quốc.

Thuận lợi dễ thấy, nhưng làm thế nào để nắm bắt cơ hội từ FTA này là câu chuyện không dễ dàng. Thiếu những chương trình đào tạo, thiếu hỗ trợ nâng cao năng lực cho doanh nghiệp nên không ít doanh nghiệp chọn một hướng đi khác thay vì xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc. Ông Văn Công Mẫn - Giám đốc Công ty TNHH thương mại - dịch vụ Việt Quang cho hay, những mặt hàng thực phẩm, thủy sản, nông sản xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc có quy định khá chặt chẽ. Động thực vật khi xuất khẩu vào thị trường này đều phải đáp ứng quy định về kiểm dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm. Các sản phẩm không vượt qua được các yêu cầu kiểm dịch, không đáp ứng các tiêu chuẩn liên quan đến dư lượng thuốc trừ sâu, dư lượng hóa chất, hàm lượng phụ gia thực phẩm trong sản phẩm sẽ buộc phải khử trùng, tiêu hủy hay tái xuất. Quá nhiều những rào cản kỹ thuật, nên không dễ dàng gì xuất khẩu sang thị trường này.

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tận dụng cơ hội từ FTA Việt Nam - Hàn Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO