Thị trường xuất khẩu đã rộng cửa từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA), mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Quảng Nam. Nhưng làm thế nào để tận dụng tốt cơ hội này là điều không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận được. Họ rất cần sự hỗ trợ từ Nhà nước.
CHỦ ĐỘNG HỘI NHẬP
Thaco đã hoàn thành mục tiêu xuất khẩu các sản phẩm xe du lịch, xe tải, xe bus và linh kiện phụ tùng, cơ khí sang thị trường ASEAN và các nước trên thế giới trong năm 2019 là minh chứng cụ thể cho sự sẵn sàng đón đầu thị trường rộng mở từ các FTA.
Xuất khẩu ô tô
Không chỉ xe bus – sản phẩm chiến lược mang thương hiệu Việt Nam với tỷ lệ nội địa hóa cao tiến vào thị trường ASEAN (Philippines, Singapore), 120 chiếc xe Kia Cerato - mẫu ô tô du lịch đầu tiên của Thaco xuất khẩu sang Myanmar đánh dấu bước khởi đầu cho một Thaco trở thành trung tâm sản xuất của Kia Motors tại ASEAN xuất khẩu xe nguyên chiếc và linh kiện sang các nước trong khu vực.
Tỷ lệ nội địa hóa xe bus trên 60%, xe tải 40% và xe du lịch bình quân 25% (một số mẫu xe du lịch đạt trên 40%) đã đáp ứng tiêu chí giá trị hàm lượng khu vực RVC (Regional value content) để hưởng thuế suất nhập khẩu ưu đãi 0% theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết dù con số xuất khẩu chỉ mới xấp xỉ 50 triệu USD, nhưng sự kiện này rất có ý nghĩa khi Việt Nam có vị trí trong bản đồ công nghiệp ô tô của khu vực và thế giới. Đồng thời góp phần vẽ lại cơ cấu bản đồ xuất nhập khẩu Việt Nam theo hướng bền vững hơn.
Dự kiến, năm 2020, Thaco sẽ xuất khẩu 1.026 chiếc xe các loại. Chủ tịch HĐQT Thaco Trần Bá Dương cho biết việc Thaco xuất khẩu ô tô cho thấy doanh nghiệp có thể cạnh tranh ở thị trường khu vực trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng. Hội nhập đầy thách thức nhưng cũng là cơ hội cho doanh nghiệp Việt cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp khu vực và thế giới.
Thành công của Thaco trong việc xuất khẩu xe thể hiện chiến lược dài hơi với các chu kỳ đầu tư phát triển mới là xây dựng hầu hết nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô mới như nhà máy xe du lịch Kia, Mazda, xe du lịch cao cấp, nhà máy xe bus, xe tải và các nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trên 40%, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang các nước ASEAN.
Ông Trần Bá Dương – Chủ tịch HĐQT Thaco cho hay sẽ đẩy mạnh liên doanh, liên kết, đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng chính yếu, trong đó có nhà máy sản xuất động cơ, nhằm gia tăng tỷ lệ nội địa hóa cho các loại xe.
Mở rộng thị trường
Không chỉ không ngừng gia tăng tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm ô tô, Thaco còn mở rộng thị trường thế giới thông qua việc xuất khẩu linh kiện phụ tùng sang thị trường ASEAN và các nước khác.
Thaco đã xuất khẩu nhiều sản phẩm linh kiện phụ tùng và cơ khí gồm: cản xe, dây điện, nhíp, sàn xe chuyên dụng, xe đẩy hành lý sân bay, áo ghế, két giàn nóng máy lạnh, linh kiện xe bus, linh kiện cơ khí nông nghiệp… sang các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Campuchia, Nga, Đức, Úc, Lào, Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan, Kenya... Tổng giá trị xuất khẩu đạt 26 triệu USD (riêng năm 2019 đạt 14,5 triệu USD).
Kế hoạch năm 2020 sẽ xuất khẩu 21 triệu USD và doanh số xuất khẩu sẽ gia tăng ít nhất 3 lần trong những năm tiếp theo.
Tổ hợp cơ khí của Thaco là nhà cung cấp sản phẩm thường xuyên cho các doanh nghiệp FDI và xuất khẩu như SMT (Hàn Quốc), JMK (Hàn Quốc), Fori (Hàn Quốc), Hanaoka (Nhật Bản). Và nhíp xe như là một trong sản phẩm chủ lực (năm 2019 xuất 2.200 tấn và năm 2020 sẽ xuất hơn 5.100 tấn) đang được xây dựng trở thành cứ điểm sản xuất nhíp tại khu vực ASEAN, mở rộng thị trường và gia tăng sản lượng xuất khẩu sang Hàn Quốc, châu Âu, Trung Đông và Nam Mỹ.
Nông nghiệp Thaco cũng góp phần lớn vào chiến lược hội nhập của doanh nghiệp. Năm 2020, không chỉ xuất khẩu 21.000 tấn trái cây mà sẽ nâng lên 150.000 tấn trái cây với doanh thu ước đạt 2.500 tỷ đồng từ hàng hóa qua cảng Chu Lai, góp phần khẳng định chất lượng và nâng cao giá trị nông sản Việt Nam.
Hiện thực hóa các kế hoạch này, một nhà máy sản xuất phụ tùng xuất khẩu (100 triệu USD) sẽ hoạt động vào cuối năm nay và phát triển thêm các dự án sản xuất linh kiện phụ tùng xuất khẩu khả thi khác. Một nhà máy chế biến trái cây quy mô 500.000 tấn/năm (giai đoạn 1 là 100.000 tấn/năm) sản xuất các loại trái cây sấy, nước cốt cô đặc, bột cấp đông. Dự kiến sẽ đưa dây chuyền chế biến trái cây sấy và trái cây đông lạnh từ tháng 9.2020 và dây chuyển sản xuất nước cốt trái cây cô đặc và bột trái cây vào tháng 12.2020.
Tổng doanh thu xuất khẩu ô tô, linh kiện phụ tùng ô tô và cơ khí của Thaco Chu Lai năm 2020 dự kiến gần 75 triệu USD, góp phần giảm nhập siêu và cân bằng cán cân thương mại.
Chủ tịch HĐQT Thaco Trần Bá Dương cho hay Thaco quyết tâm thực hiện chiến lược xuất khẩu ô tô và linh kiện phụ tùng ô tô để có thể cân bằng được cán cân thương mại và cân bằng cho chính lĩnh vực sản xuất ô tô trong năm 2020, ít nhất là 20%. Cộng với nông nghiệp, sẽ cân bằng cán cân thương mại và tiền tệ 50% năm nay và năm 2021 sẽ nâng riêng ô tô từ 25% đến 30% và cùng nông nghiệp sẽ cân bằng được cán cân thương mại và tiền tệ cho chính doanh nghiệp.
XUẤT KHẨU SẼ SANG TRANG?
Thị trường thế giới đã mở toang cửa. Doanh nghiệp Quảng Nam không thể đứng bên lề cuộc chơi mà làm thế nào để mở rộng cơ hội xuất khẩu là điều đang được bàn luận để tìm ra lối đi.
Thị trường rộng mở
Các chuyên gia quốc tế hay nội địa đều đánh giá Việt Nam sẽ được hưởng lợi khá nhiều từ các FTA (Hiệp định thương mại tự do). Gần 15 FTA song phương và nhất là các FTA thế hệ mới như CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, hiệu lực 1.2019) và EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu, có hiệu lực 7.2020 sau khi Quốc hội Việt Nam phê chuẩn) với việc cắt giảm gần 100% thuế quan hàng hóa trong vòng 7 năm, sẽ mở ra nhiều cơ hội lớn cho cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa tìm kiếm sự hợp tác, đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường thế giới rộng mở. Quảng Nam cũng không là ngoại lệ.
Những mặt hàng truyền thống như dệt may, da giày, đồ gỗ… vốn là thế mạnh của Quảng Nam đang được chính quyền quy hoạch các vùng nguyên liệu nông - lâm sản và cây công nghiệp lớn phục vụ xuất khẩu. Hay công nghiệp phụ trợ cơ khí ô tô xuất khẩu đang được Thaco mở rộng… đều đang được các thị trường tự do này ưa chuộng.
Ông Nguyễn Quang Phước - một doanh nghiệp gỗ ở Cẩm Hà (Hội An) nói, trước đây, các sản phẩm gỗ Quảng Nam xuất sang các nước Hàn Quốc, Nga hay Chi Lê… như viên nén gỗ, ván gỗ hay các sản phẩm gỗ nội thất có bọc da thường phải chịu mức thuế từ 3 - 5%, có loại tới 6% nhưng giờ tất cả bằng 0% sẽ giúp doanh nghiệp tiết giảm chi chí lớn, đủ khả năng cạnh tranh.
Hiện EU là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong đó có Quảng Nam. Nhưng thị phần hàng hóa của địa phương tại khu vực này vẫn còn rất khiêm tốn bởi năng lực cạnh tranh (nhất là về giá) còn hạn chế.
Một khi xóa bỏ tới 99% thuế quan theo EVFTA, các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội tăng khả năng cạnh tranh về giá của hàng hóa khi nhập khẩu vào thị trường quan trọng này. Các ngành dự kiến sẽ được hưởng lợi nhiều nhất là những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của địa phương vốn đã từng bị EU duy trì thuế quan cao như dệt may, da giày và hàng nông sản.
Không đợi đến khi các hiệp định có hiệu lực, những doanh nghiệp xuất khẩu có tiềm lực Quảng Nam như Tuấn Đạt, Trường Giang, Phước Kỳ Nam, Gỗ Cẩm Hà… đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng tham gia cuộc chơi toàn cầu thông qua các FTA.
Công ty Hữu Toàn Chu Lai đã áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng hiện đại, trở thành một trong những doanh nghiệp vừa và nhỏ đầy uy tín, chiếm thị phần xuất khẩu lớn sang Indonesia, Lào, Campuchia… về máy phát điện, máy nén khí và các loại máy nông ngư cơ, nhất là máy phát điện loại lớn sang thị trường Nhật Bản.
Đại Dương Kính (Tây An, Duy Xuyên) đã lựa chọn và áp dụng hệ thống bảo trì năng suất toàn diện. Ông Nguyễn Trường Ninh - Phó Tổng Giám đốc Công ty Đại Dương Kính nói, công ty đã chủ động kế hoạch sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, làm chủ công nghệ để chiếm lĩnh thị trường nội địa và gia tăng xuất khẩu. Một doanh nghiệp khác là Công ty CP Gỗ Cẩm Hà sử dụng kỹ thuật mới đã giảm thiểu tỷ lệ hao hụt, nâng sức cạnh tranh sản phẩm gỗ xuất khẩu của doanh nghiệp…
Tuy nhiên, những doanh nghiệp kể trên chỉ là số ít điểm sáng của doanh nghiệp Quảng Nam tự thân chuẩn bị hội nhập. Cho dù sản phẩm may mặc, giày da, các sản phẩm từ gỗ, thủy sản… là những mặt hàng chủ lực Quảng Nam xuất sang các thị trường Colombia, Đan Mạch, Trung Quốc, Singapore, Hồng Kông, Slovakia...
Cơ hội đã được nhận diện nhưng tất cả vẫn còn đang ở dạng tiềm năng. Tận dụng được lợi thế hay không phụ thuộc rất lớn vào năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp địa phương. Nhận được bao nhiêu cơ hội từ các FTA này vẫn là câu chuyện chờ diễn ra trên thực tế.
Hiệu lực thực tế
Có thể hiểu, không có một doanh nghiệp sản xuất nào có thế tự tạo tất cả quy trình sản xuất ra một sản phẩm, mà cần rất nhiều mắc xích, nhiều doanh nghiệp tham gia. Các FTA tạo cơ hội cho doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu thông qua các cơ hội liên doanh, liên kết với các tập đoàn lớn để học hỏi, chuyển giao công nghệ, có nhiều cơ hội hơn để làm các nhà cung ứng dịch vụ, cung ứng các mặt hàng công nghiệp, hỗ trợ cho các tập đoàn đa quốc gia. Nhưng làm thế nào để tận dụng?
Không ít câu hỏi đã được đặt ra. Doanh nghiệp sẽ làm gì để cải thiện vị thế sản phẩm tham gia chuỗi giá trị toàn cầu? Liên kết phát triển xem như mấu chốt để phát triển lại là điều xa xỉ của doanh nghiệp Quảng Nam trong hiện tại.
Giám đốc Công ty TNHH Thương mại & xuất, nhập khẩu Việt Thắng Quảng Nam - ông Nguyễn Xuân Nhàn nói doanh nghiệp yếu không thể ra biển lớn được. Doanh nghiệp này từng xuất hàng nông sản đến Nhật, Nga… EU là một thị trường lớn nhưng đều có những quy định khó khăn về kiểm dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm, nên không dễ dàng xuất khẩu sang thị trường này.
Ông Phạm Quốc Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội doanh nghiệp Quảng Nam nói doanh nghiệp địa phương đang gặp khá nhiều khó khăn khi hàm lượng công nghệ hàng hóa xuất khẩu thấp, xuất khẩu nguyên liệu thô, quy mô doanh nghiệp nhỏ, chưa có hoặc thấp rào cản kỹ thuật, các biện pháp vệ sinh dịch tễ không hiệu quả, chủ yếu nhập nhập khẩu nguyên liệu gia tăng, tạo ra áp lực cạnh tranh về giá, mẫu mã và chất lượng sản phẩm... Có phải chính điều đó đã khiến doanh nghiệp không mặn mà với hội nhập hay không? Doanh nghiệp đang chật vật xoay xở để tồn tại đã khó thì nói gì đến chuyện viễn vông với khát vọng toàn cầu?
Cuộc khảo sát mới đây của VCCI cho thấy mức độ hiểu biết của doanh nghiệp Quảng Nam về các FTA, nhất là FTA mới nhất là EVFTA không nhiều. Thậm chí có đến 40% doanh nghiệp chưa biết gì về các hiệp định và chỉ khoảng từ 4 - 8% doanh nghiệp biết nhiều thông tin về các hiệp định này.
Ông Nguyễn Thanh Quang - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho hay, Quảng Nam có nhiều lý do để lo ngại khi 96% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Xuất khẩu chủ yếu doanh nghiệp FDI. Người sản xuất không biết được thông tin cũng như khả năng tiếp nhận các nguồn gốc giống tốt, yếu kém về công nghệ chế biến, thiếu vốn, thiếu vùng quy hoạch và thiếu doanh nghiệp “đầu đàn”. Những doanh nghiệp nhỏ bé địa phương thiếu tài chính, kinh nghiệm, thiếu thông tin không thể tận dụng được cơ hội xuất khẩu mà còn sẽ không khác gì những ngọn đèn treo trước gió, có thể tắt bất cứ lúc nào!
CHIẾN TRƯỜNG CỦA DOANH NGHIỆP
Tận dụng cơ hội xuất khẩu là cuộc chiến riêng của doanh nghiệp nhưng họ không thể thành công khi “chiến đấu một mình” mà thiếu sự hỗ trợ của Nhà nước.
“Những đứa con ngoài giá thú?”
Hiện Quảng Nam có 379 doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu làm thủ tục tại các đơn vị thuộc Cục Hải quan Quảng Nam năm 2019, với tổng kim ngạch 805,7 triệu USD. Hàng gia công may mặc, giày da, chíp điện tử, vật tư xây dựng, kim dệt… là những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu. Một số doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn như: giày Rieker Việt Nam (ngành hàng giày da), Panko Tam Thăng, Việt Vương, Tuấn Đạt (ngành may mặc), CCI Việt Nam (chip điện tử), Groz Beckert Việt Nam (sản phẩm phục vụ ngành may mặc)…
Những thông tin ít ỏi này chỉ có thể tìm thấy ở cơ quan hải quan. Còn các cơ quan quản lý khác dường như không thể biết được. Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương cho hay bất cứ FTA nào cũng đầy áp lực. Thị trường rộng lớn nhưng doanh nghiệp Quảng Nam vốn quá bé nhỏ sẽ rất khó để hội nhập. Nhưng điều quan trọng và bất ngờ nhất là không một cơ quan quản lý nào nắm được sự vận hành hay về chiến lược thâm nhập thị trường của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Ông Thử nói: “Kể từ 3 năm nay, số liệu xuất nhập khẩu đã không còn nằm trong chỉ tiêu tính toán của địa phương. Tất cả đã được chuyển giao về Trung ương. Vì vậy không thể nắm được con số thống kê về xuất nhập khẩu hay lượng doanh nghiệp. Cả 63 tỉnh thành đều vậy chứ không riêng gì Quảng Nam”.
Ngay ông Lê Quý Đạt - Cục trưởng Cục Thống kê cũng xác nhận số liệu xuất nhập khẩu không còn nằm trong hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh!
Có thể nói xuất khẩu vẫn thuộc khu vực khu vực yếu kém nhất trong toàn bộ nền kinh tế Quảng Nam. Tại sao với vùng đất được xem là có lợi thế nguồn nguyên liệu tương đối ổn định do được mua từ các tỉnh trong nước hoặc nhập khẩu từ Lào, Campuchia, Malaysia…, với thị trường xuất khẩu tiềm năng như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật, Đài Loan và Hàn Quốc từ các FTA, nhưng vẫn không thể tăng trưởng như kỳ vọng?
Câu trả lời không khó. Sau hơn 25 năm gia nhập thị trường thế giới, hạ tầng dự trữ và thông tin thị trường vẫn yếu kém, sản phẩm còn ở dạng thô, thương hiệu yếu nên xuất khẩu nông, lâm, thủy hải sản vẫn luôn bị động, chạy theo diễn biến của thị trường và mùa vụ sản xuất chưa thể hình thành được một định hướng kinh doanh.
Thiếu một định hướng chiến lược từ chính quyền, cơ quan quản lý xuất khẩu dễ dàng bị thiếu ổn định? Kế hoạch phát triển thương mại gần như đặt nặng vấn đề xuất khẩu để cân bằng cán cân thương mại, nhưng sự vận hành của các doanh nghiệp này dường như không ai để ý. Không lẽ họ là “những đứa con ngoài giá thú?”.
Không thể đi một mình
Cơ hội đã được nhận diện nhưng tất cả vẫn còn đang ở dạng tiềm năng. Tận dụng được lợi thế hay không phụ thuộc rất lớn vào năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp địa phương. Ông Trần Quốc Bảo – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Nam cho hay việc tận dụng cơ hội, lợi ích từ các hiệp định là không dễ. Không còn con đường nào khác, doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu thông tin, cập nhật kiến thức, khai thác tối đa lợi thế doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh.
Có thể nhận định, không ai có thể làm thay doanh nghiệp trong cuộc cạnh tranh sắp tới. Đó là cuộc chiến của doanh nghiệp nhưng họ không thể “chiến đấu” một mình bởi sự thành bại của họ cũng liên quan đến vận mệnh kinh tế địa phương hay quốc gia. Nhưng khá nhiều doanh nghiệp cho rằng họ vẫn đang là… “người ngoài cuộc”. Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI được tiếp cận thông tin sớm hơn và có sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nước sở tại nên đã chủ động “tiến quân” vào thị trường Việt Nam, Quảng Nam để làm “bàn đạp” ra các thị trường lân cận. Sự gia tăng chuỗi sản xuất, cung ứng ngành dệt may của Panko Hàn Quốc vào KCN Tam Thăng là một ví dụ.
Lợi ích của các FTA là xuất khẩu, là bán được hàng xuyên biên giới. Nhưng cơ cấu kinh tế chủ yếu của Quảng Nam vẫn là nền kinh tế cá thể. Khu vực này chiếm tỷ trọng lớn nhất trong GDP, lên đến 1/3, cao hơn hẳn các khu vực Nhà nước hay FDI. Nhưng nguồn lực của họ rất hạn hẹp nên có thể bó tay trước các thuận lợi hay bất lợi mà các FTA mang lại.
Bởi vậy, cần có hoạch định chiến lược, chương trình phát triển thương mại cho các ngành hàng chiến lược từ nguồn nguyên liệu đầu vào, thị trường và các yếu tố đầu ra cho sản xuất rõ ràng. Các kết quả nghiên cứu cần định vị chiến lược phát triển cho các ngành hàng xuất khẩu chiến lược cũng như tiềm năng các ngành hàng vật tư đầu vào để thúc đẩy công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy hải sản phát triển.
Chưa có cơ quan nào đề cập những thách thức cụ thể, hướng doanh nghiệp phải làm gì? Thông tin, kết nối và huấn luyện tại chỗ là ba điều cần thiết (không cần đầu tư nhiều tiền bạc) nhưng vẫn là khoảng trống của doanh nghiệp. Thay vì mở hội thảo chung chung, các nhà quản lý, hiệp hội nên biên soạn tài liệu, cung cấp thông tin về luật pháp kinh doanh, nội dung cần biết trong các FTA mới, thông tin thị trường… Kết nối cộng đồng doanh nghiệp thành mạng lưới để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, kể cả để cùng khai thác các cơ hội… Có như vậy doanh nghiệp mới hết thờ ơ với hội nhập và tận dụng cơ hội cạnh tranh toàn cầu.