Thủy sản

Tận dụng FTA - Dọn đường cho thủy sản bứt phá

NGUYỄN QUANG - VĨNH LỘC01/12/2024 08:40

Hiệp định thương mại tự do (FTA) mở ra nhiều cơ hội cho ngành thủy sản Việt Nam, trong đó có Quảng Nam. Tận dụng các lợi thế FTA để đưa hàng thủy sản ra thị trường thế giới được xem là cơ hội lớn giúp doanh nghiệp Quảng Nam đẩy mạnh hoạt động sản xuất, giao thương, mở rộng thị trường hàng hóa.

xk.jpeg
Để xuất khẩu hiệu quả, ngành thủy sản Quảng Nam phải vượt qua nhiều khó khăn. Ảnh: Q.VIỆT

CƠ HỘI LỚN CHO NGÀNH THỦY SẢN

Cơ hội với xuất khẩu thủy sản đang có rất nhiều dư địa, nhiều thị trường đã mở cửa. Tuy nhiên, để tăng giá trị xuất khẩu, ngành thủy sản phải khẳng định được vị thế ngay trên sân nhà, bằng cách phải vượt qua những khó khăn trước mắt.

Tiềm năng của Quảng Nam

Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa tỉnh Quảng Nam đến năm 2030 đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030 đạt bình quân 15 - 16%/năm, trong đó tập trung tăng tỷ trọng các mặt hàng nông, lâm, thủy sản với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt 3 - 3,5%/năm.

DSC05453_PHUONG THAO
Tận dụng FTA đưa sản phẩm về thủy hải sản xuất khẩu là mục tiêu của Quảng Nam.Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Những năm qua hoạt động xuất nhập khẩu của Quảng Nam đối với nhóm hàng thủy sản đã từng bước được cải thiện và tăng dần tỷ trọng. Theo số liệu của Cục Hải quan Quảng Nam, giai đoạn 2020-2023 kim ngạch xuất khẩu 88 triệu USD, đạt tốc độ tăng trưởng 2,5%/năm. 8 tháng đầu năm 2024 kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 15 triệu USD, trong đó tập trung vào các mặt hàng: bạch tuộc, bánh nướng nhân thủy sản đông lạnh, cá các loại, mực, tôm đông lạnh, cá ngừ steak, cá khô tẩm gia vị.

Đại diện Sở NN&PTNT cho biết, Quảng Nam có rất nhiều điều kiện thuận lợi để tận dụng các FTA xuất khẩu thủy sản. Ngành nuôi trồng thủy sản của tỉnh đang nỗ lực phát triển theo chiều sâu. Các doanh nghiệp, nông hộ đang ứng dụng công nghệ mới, các quy trình kỹ thuật tiên tiến để nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao đạt năng suất, sản lượng, nhất là tôm sạch đáp ứng các yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn đảm bảo an toàn thực phẩm của quốc tế để xuất khẩu. Nghề nuôi biển đang khai phá tiềm năng với các đối tượng chủ lực như cá bớp, cá dìa, cá lăng, cá măng, cá tra… để chế biến xuất khẩu. Nghề đánh bắt hải sản của tỉnh ngày càng hiện đại hóa, vươn khơi xa thu được sản lượng lớn.

So với tiềm năng, lợi thế này thì hoạt động xuất khẩu vẫn chưa tương xứng. Ngành công thương nhận định, quy mô hàng hóa xuất khẩu ở lĩnh vực nông thủy sản vẫn còn nhỏ. Sản lượng đánh bắt, nuôi trồng thủy sản lớn, quy mô vùng trồng được đầu tư nhưng chưa khai thác hết nguồn lực sẵn có, dẫn đến việc xuất khẩu mặt hàng này chiếm tỷ trọng nhỏ và chưa có sự tăng trưởng vững chắc. Cạnh đó, những khó khăn từ phía các chủ thể được nhận diện khi gia nhập sân chơi cùng FTA.

Nhận diện khó khăn

Vướng mắc lớn nhất trong chuỗi liên kết hải sản xuất khẩu hiện nay là nghề khai thác hải sản của tỉnh chưa chuyên nghiệp. Đối với các tàu đánh bắt hải sản có đầy đủ giấy phép, thì được các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu mua với giá tốt hơn. Tuy nhiên, vẫn có nhiều tàu cá chưa được ngành thủy sản tỉnh cấp giấy phép khai thác.

Quảng Nam gặp khó trong xác nhận nguyên liệu hải sản chế biến xuất khẩu. Ảnh: Q.VIỆT

Theo quy định, các doanh nghiệp chế biến hải sản phải kê khai các loại phí với ngành thuế. Cục Thuế Quảng Nam sẽ loại tất cả chi phí thu mua nguyên liệu của doanh nghiệp chế biến hải sản xuất khẩu nếu họ mua hải sản từ những tàu cá chưa có giấy phép khai thác hải sản vì xem đó là chi phí không hợp lệ.

Đơn cử, hiện nay dù con tôm được xem là đối tượng chủ lực của nghề nuôi thủy sản, nhưng chỉ số ít doanh nghiệp có mô hình ứng dụng công nghệ cao còn lại chủ yếu có quy mô nhỏ lẻ, tự phát. Các hộ dân thiếu liên kết với doanh nghiệp, quá trình nuôi tôm chưa đảm bảo đúng quy trình phòng dịch bệnh và xả thải, nên ảnh hưởng đến môi trường và sản lượng không đạt năng suất...

Một cái khó khác trong xuất khẩu hải sản chế biến của doanh nghiệp là vướng mắc, bất cập về xác minh thông tin thu mua nguyên liệu hải sản từ các tàu cá, ngư dân, chính quyền địa phương.

Dù Sở NN&PTNT yêu cầu thống kê sản lượng hải sản ở các bến cá để xác nhận, chứng nhận, truy xuất nguồn gốc nhưng các địa phương vẫn chưa thực hiện.

Từ nhiều năm nay, Quảng Nam chỉ giám sát, thống kê sản lượng hải sản của ngư dân trên địa bàn tỉnh khi cập cảng cá Tam Quang được Bộ NN&PTNT chỉ định. Ở các bến cá như An Lương (Duy Xuyên), Tân An (Thăng Bình), Tam Tiến (Núi Thành), thống kê sản lượng hải sản vẫn bỏ ngỏ; ngư dân không khai báo hải sản lên bến được đánh bắt ở vùng biển nào, thời điểm nào…

Đó là nguyên nhân của việc cấp giấy xác nhận nguyên liệu hải sản khai thác và giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác phục vụ xuất khẩu thủy sản chế biến gặp ách tắc.

“Thích nghi” cùng tiêu chuẩn quốc tế

Ông Bạch Hải Ngọc - chuyên gia Viện Tony Blair vì sự thay đổi toàn cầu cho rằng, vấn đề đặt ra đối với doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Quảng Nam là chi phí sản xuất quá cao.

Nguyên nhân chính xuất phát từ các mắt xích trong chuỗi giá trị, nhất là khi năng suất đạt thấp. Dù đã có nhiều tiến bộ, đạt các tiêu chuẩn chất lượng nhưng thủy sản xuất khẩu Quảng Nam vẫn đối mặt với các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm.

Tôm thẻ chân trắng đảm bảo an toàn thực phẩm được nuôi trên địa bàn tỉnh là nguyên liệu chế biến thủy sản chất lượng để xuất khẩu hiệu quả. Ảnh: Q.VIỆT

Để phát triển bền vững, doanh nghiệp xuất khẩu Quảng Nam cần đáp ứng được tiêu chuẩn ASC (xác nhận cấp quốc tế đối với thủy sản được nuôi có trách nhiệm, giảm tối đa tác động xấu lên môi trường, hệ sinh thái, cộng đồng dân cư và đảm bảo tốt các quy định về lao động). Đây là tiêu chuẩn cao nhất trong ngành xuất khẩu thủy sản. Ðạt chuẩn ASC, doanh nghiệp có thể tự tin khi xuất khẩu sang các thị trường cao cấp như EU, Anh, Mỹ.

Để tận dụng tốt cơ hội từ FTA, theo ông Bạch Hải Ngọc, ngành công thương, nông nghiệp, các cơ quan, đơn vị liên quan của Quảng Nam cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp xuất khẩu để chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về hàng rào kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Các cơ quan của tỉnh cần chủ động nắm bắt thông tin, các văn bản hướng dẫn, khuyến cáo của bộ, ngành để tổ chức hoạt động tuyên truyền, định hướng thị trường xuất khẩu thủy sản. Điều cốt yếu là hỗ trợ người nông dân, doanh nghiệp đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho hàng hóa, đảm bảo chất lượng, truy xuất nguồn gốc đáp ứng yêu cầu cạnh tranh trong hội nhập quốc tế.

Ở góc nhìn địa phương, ông Hường Văn Minh - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, cần gia tăng những mô hình kinh tế hiệu quả, hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa doanh nghiệp với nông hộ, tạo ra chuỗi sản xuất quy mô tập trung, đầu vào chất lượng, đầu ra ổn định cho các sản phẩm thủy sản.

Trong đó, cần tăng dần tỷ trọng thủy sản nuôi, giảm dần tỷ trọng hải sản khai thác, hạn chế đánh bắt vào mùa cá sinh nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đồng thời đầu tư xây dựng hạ tầng các vùng nuôi tôm, cá công nghệ cao, công nghiệp, hiện đại ở các huyện Núi Thành, Thăng Bình để tạo khu vực nuôi trồng khoa học, đạt tiêu chuẩn chất lượng, đảm bảo vệ sinh môi trường, tập trung được nguồn nguyên liệu ổn định cho các nhà máy chế biến.

LÀM GÌ ĐỂ KHAI THÁC TỐT LỢI THẾ ƯU ĐÃI TỪ CÁC FTA?

Những giải pháp gì được xây dựng để tiếp cận và xây dựng hệ sinh thái tận dụng FTA hợp lý, giúp doanh nghiệp xuất khẩu và toàn ngành thủy sản nối dài kỳ tích xuất khẩu đã có? Báo Quảng Nam ghi nhận ý kiến từ các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp nhằm tìm cách khai thác tốt các lợi thế ưu đãi từ các FTA.

Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương): Bộ Công Thương đang xây dựng hệ sinh thái FTA cho xuất khẩu thủy sản

Doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu đang đối diện với 5 vấn đề khó khăn. Đó là nguyên liệu đầu vào không ổn định, giá thành cao, chất lượng con giống chưa đảm bảo; thiếu vốn, khó tiếp cận vốn, vướng các quy định của ngân hàng để tiếp cận vốn vay phục vụ sản xuất kinh doanh; thiếu thông tin thị trường, đơn hàng không ổn định, không dễ trong cạnh tranh để có đơn hàng; doanh nghiệp đang rất cần tư vấn hướng dẫn, cập nhật chính sách, quy định của nước ngoài về nhập khẩu hàng thủy sản từ nước ta; đặc biệt là doanh nghiệp chưa xây dựng được thương hiệu. Bộ Công Thương đang xây dựng hệ sinh thái FTA cho xuất khẩu thủy sản.

Khi tham gia hệ sinh thái, người nông dân sẽ được hỗ trợ vốn, kỹ thuật, được giải đáp các vướng mắc và được hỗ trợ đầu ra. Doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu cũng được các ưu đãi đó và được thông tin, tiếp cận thị trường xuất khẩu.

Để tham gia hệ sinh thái FTA cho xuất khẩu thủy sản, hộ dân phải đáp ứng các tiêu chí là có diện tích nuôi trồng thủy sản phù hợp; đồng ý tham gia các chương trình phát triển bền vững, xây dựng thương hiệu; đồng ý kết nối với doanh nghiệp, đảm bảo cung cấp đầy đủ nguyên liệu chất lượng; cam kết nuôi trồng thủy sản theo đúng tiêu chí quy định. Doanh nghiệp tham gia hệ sinh thái FTA xuất khẩu thủy sản, phải có nguồn khách hàng tiềm năng, ưu tiên doanh nghiệp uy tín, tài chính vững mạnh, có hợp đồng xuất khẩu ổn định; doanh nghiệp phải cam kết phát triển bền vững, cam kết thu mua hàng hóa của nông dân; có hệ thống nhà xưởng, may móc chế biến đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

VIỆT NGUYỄN (ghi)

vu.jpg

Ông Nguyễn Xuân Vũ - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT: Nhiều giải pháp để tận dụng các FTA xuất khẩu thủy sản

Để hòa chung vào hệ sinh thái tận dụng các FTA xuất khẩu thủy sản của cả nước, Quảng Nam đang áp dụng đồng bộ các giải pháp.

Ngành nông nghiệp tham mưu UBND tỉnh tổ chức hiệu quả về khai thác, nuôi trồng thủy sản theo quy mô lớn, tập trung, tận dụng công nghệ cao, gắn sản xuất thủy sản với tín hiệu của thị trường quốc tế. Cơ cấu sản phẩm của kinh tế thủy sản sẽ được thay đổi theo hướng tăng tỷ trọng nuôi trồng, tăng tỷ trọng sản phẩm có giá trị cao phục vụ chế biến xuất khẩu.

Quảng Nam tái cấu trúc ngành thủy sản trên cơ sở đánh giá đầy đủ nhu cầu thị trường thế giới. Gắn tái cấu trúc ngành thủy sản với điều kiện phát triển từng vùng, địa phương, thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng như quy hoạch lại sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất, cung ứng nguyên liệu đầu vào đến bảo quản, chế biến, xuất khẩu thủy sản, trong đó, chú trọng giảm chi phí, nâng cao chất lượng, tăng hiệu quả cạnh tranh.

Quảng Nam định hướng chuyển từ nghề khai thác hải sản ven bờ sang nuôi biển công nghệ cao, công nghiệp với dẫn dắt của các nhà đầu tư lớn. Tỉnh tận dụng ưu thế của cách mạng công nghiệp 4.0 để tái cấu trúc ngành thủy sản gắn với bảo vệ nguồn lợi, bảo vệ môi trường, nâng tầm chuỗi cung ứng, tăng giá trị gia tăng, khẳng định vị thế trên trường quốc tế, đặc biệt là phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

Quảng Nam liên kết chặt chẽ người nông dân, ngư dân bằng mô hình hợp tác, kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp, đồng bộ các khâu sản xuất, chế biến, phân phối, hàng hóa xuất khẩu. Bên cạnh nỗ lực từ phía các doanh nghiệp, các chủ thể nuôi trồng, khai thác hải sản thì hỗ trợ của Chính phủ, cộng đồng quốc tế là rất quan trọng để Quảng Nam phát triển mạnh ngành thủy sản, tận dụng được các FTA xuất khẩu thủy sản, nâng cao giá trị sản xuất.

QUANG VIỆT (ghi)

Ông Trần Minh Trinh - Giám đốc Công ty TNHH Hải sản Đông An: Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cần các cơ quan đồng hành, tiếp sức gỡ khó

Tôi thành lập công ty vào năm 1993 với ngành nghề chế biến hải sản xuất khẩu. Qua quá trình phát triển tôi mở rộng thêm 9 chi nhánh hoạt động sản xuất trên địa bàn toàn tỉnh. Nhưng nay, công ty chỉ còn hoạt động với quy mô nhỏ ở 1 cơ sở thuộc xã Bình Trung (Thăng Bình). Cái khó lớn nhất là tôi không còn được thế chấp đất đai để vay vốn ngân hàng đầu tư cho sản xuất kinh doanh. Các thủ tục, hồ sơ xuất khẩu thủy sản rất nhiều nhưng tôi không được các cơ quan chức năng của tỉnh hướng dẫn, trợ giúp.

Sản xuất kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu như tôi đều gặp khó. Nguồn nguyên liệu không đủ lại khó truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của đối tác nên khó vươn xa ở thị trường quốc tế. Thời gian qua, doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu Quảng Nam chịu sự cạnh tranh gay gắt từ những đối thủ xuất khẩu có chi phí thấp và giá bán rẻ hơn như Ecuador, Ấn Độ. Hệ quả là lượng hàng tồn kho tăng, trong khi khâu bảo quản, logistics còn hạn chế nên dẫn đến doanh thu thấp.

Thị trường xuất khẩu thủy sản đi xuống từ vài năm nay. Mới đây, công ty vừa ký được một số đơn hàng với Trung Quốc, Hàn Quốc nhưng giá giảm nhiều so với trước. Từ khi không thể tiếp cận vốn vay của ngân hàng, công ty không thể đầu tư mới cho máy móc, thiết bị, công nghệ hiện đại nên chi phí, giá thành sản xuất tăng cao. Đã vậy, do áp lực của thị trường xuất khẩu, chúng tôi phải ký kết hợp đồng với giá rẻ hơn trước. Do vậy, khó khăn nhân lên gấp đôi và đây là nút thắt khó giải quyết khi doanh nghiệp đơn thương độc mã.

Trong nỗ lực khôi phục lại vị thế xuất khẩu thủy sản mạnh trước đây, chúng tôi cần hỗ trợ, đồng hành từ các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh. Muốn tận dụng được những lợi thế từ các FTA, chúng tôi cần hướng dẫn của ngành công thương để nắm rõ, áp dụng linh hoạt, trung thực các quy tắc xuất xứ của các FTA.

VIỆT QUANG (ghi)

nv2.jpg

Ông Đỗ Minh Vương - Chủ cơ sở thu mua hải sản Bình Minh: Gặp khó trong quá trình thu mua

Chúng tôi gặp khó khăn trong quá trình thu mua vì hầu hết tàu thuyền đánh bắt cá ở Bình Minh đều không có những chứng nhận về an toàn thực phẩm, trong khi các đối tác yêu cầu về truy xuất nguồn gốc cũng như các chứng từ thu mua, chế biến. Tất nhiên, vấn đề này đúng nhưng đối với những tàu thuyền đánh bắt có kích thước nhỏ thì khó, bởi mặc dù có đăng ký đăng kiểm nhưng hầu như ngư dân không đăng ký về an toàn thực phẩm cũng như an toàn về đánh bắt.

Cạnh đó, việc quy định về ngư trường cũng cứng nhắc vì không phải khi nào tàu thuyền cũng đánh bắt đúng ngư trường quy định ban đầu. Thông thường khu vực nào có thủy hải sản thì ngư dân tới đánh bắt. Đơn cử ví dụ, như quy định cá cơm phải đánh bắt ngoài khu vực Cù Lao Chàm, trong khi phía trong Cù Lao Chàm mới có cá này. Chưa kể tàu thuyền nhỏ thì không thể đi xa được nên quy định về ngư trường đánh bắt cần linh động và phù hợp.

Chưa kể, biển Bình Minh, Thăng Bình là bãi ngang chủ yếu đánh cá theo phương thức truyền thống chứ không phải cảng cá, trong khi quy định các tàu thuyền phải vô trong bến cá trình sổ, định vị mới bán được cá nên cũng là một khó khăn cho người dân.

Chúng tôi cũng hiểu một số quy định chung là đúng, nhưng nếu áp vô một xã nhỏ như Bình Minh thì cũng bất tiện. Hiển nhiên việc đánh bắt khó khăn như vậy cũng sẽ khiến việc thu mua của cơ sở cũng sẽ khó, đặc biệt nếu xuất khẩu thì càng khó gấp bội.

KHÁNH LINH (ghi)

nv3.jpg

Bà Nguyễn Thùy Linh - Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT): Thách thức xác định vùng khai thác

Hiện nay, Việt Nam có 19 FTA đã và đang đàm phán (16 FTA đã đi vào thực thi). Trong đó, việc tham gia 16 FTA giúp Việt Nam có thể xuất khẩu thủy sản đến thị trường các đối tác này với thuế suất 0%. Cạnh đó, chúng ta cũng có những thuận lợi về chi phí nhân công thấp, các thủ tục cũng tương đối thuận lợi…

Đối với doanh nghiệp Quảng Nam, để cải thiện sức cạnh tranh cần tính toán một số yếu tố về giá cả vật tư đầu vào, nguồn nguyên liệu, lao động và những tiêu chí về tài chính, lợi nhuận… Đồng thời cần xây dựng kế hoạch sản xuất giúp cải thiện cạnh tranh giá thành tại các thị trường xuất khẩu mà Việt Nam đang có nhiều thuận lợi.
Cụ thể, các sản phẩm tôm, cá tra, cá ngừ và các mặt hàng giáp xác, nhuyễn thể là những mặt hàng ưu tiên cho xuất khẩu thủy sản. Tiếp đến là các thị trường ưu tiên như khối CPTPP, đang vươn lên trở thành thị trường quan trọng nhất của Việt Nam sau đó là Mỹ, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, Anh, điều đó chứng tỏ những thị trường chủ chốt của chúng ta hầu hết khó tính.

Thời gian qua, Bộ NN-PTNT cũng đã đưa ra chiến lược phát triển thủy sản bền vững đến năm 2030 tầm nhìn năm 2045, dựa trên những nền tảng thuận lợi của 16 FTA mang lại. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhanh chóng triển khai các biện pháp áp dụng khoa học kỹ thuật vào truy xuất nguồn gốc, nơi khai thác, vùng khai thác, phải làm sao duy trì được vị thế đi đầu trong chế biến với tôm, cá tra, kể cả đẩy mạnh năng lực chế biến cá ngừ nhằm cải thiện giá trị gia tăng sản phẩm.

Tiếp đến, đảm bảo những lợi thế về lao động, trách nhiệm và môi trường sinh thái; kiểm soát rác thải, giảm rác thải đối với nuôi trồng thủy sản theo hướng thân thiện với hệ sinh thái biển. Xóa bỏ hoàn toàn việc khai thác bất hợp pháp không báo cáo và không theo quy định, hướng tới ứng dụng kỹ thuật số vào truy xuất nguồn gốc.

Đặc biệt, cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa để được công nhận hệ thống quản lý; đàm phán kỹ thuật để xóa bỏ những rào cản đối với những sản phẩm nuôi trồng, dỡ bỏ những cuộc điều tra liên quan đến khai thác IUU, gỡ thẻ vàng IUU…

VĨNH LỘC (ghi)

nv.jpg

Ông Hoàng Trọng Thủy - Chuyên gia cao cấp về nông nghiệp: Nâng cao năng lực thúc đẩy sản xuất, hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp

Vấn đề xuất khẩu thủy sản rất quan trọng, nếu không xuất khẩu thì chúng ta không thể tiêu thụ hết ở thị trường trong nước. Tuy nhiên, hiện nay thị trường xuất khẩu thủy sản đang bị cạnh tranh rất nhiều.

Thực tế đang có tình trạng người sản xuất thì chạy theo năng suất, sản lượng; doanh nghiệp vừa và nhỏ thiếu vốn đầu tư, ít vùng nguyên liệu dẫn đến gian lận thương mại, đứt gãy chuỗi cung ứng. Vì vậy, phải đẩy mạnh liên kết, doanh nghiệp phải làm đại diện kinh tế, kết nối, bắt tay với người dân, tổ chức sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật, thu mua, tiêu thụ sản phẩm của người dân...
Đặc biệt, cần tập trung nâng cao kiến thức vì điều này còn bấp bênh lắm. Tôi đi rất nhiều vùng thấy chỗ nào cũng làm ao vuông, ít có ao tròn. Tôi hỏi, tại sao không có ao tròn thì dường như không ai trả lời được. Bây giờ nuôi thủy sản buộc phải có máy tạo ô xy, không khí nên khi quạt nước đẩy khí thì các góc hình vuông hầu như không có ô xy, cuối cùng chỉ đẩy chất bẩn vào trong góc ao dẫn đến cá sinh bệnh. Một chi tiết như vậy thôi nông dân cũng chưa nắm được, cho nên kiến thức tạo ra nguồn cung là quan trọng và chúng ta đang thiếu điều này.

Theo tôi, trong các nhóm chính sách phát triển ngành thủy sản thì nâng cao năng lực thúc đẩy sản xuất, hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp là quan trọng nhất. Riêng đối với nguồn cung, người nông dân cần tập trung vào 4 đột phá gồm công nghệ và nuôi trồng, công nghệ và thức ăn, phát triển con giống, phát triển đa dạng công nghệ sinh học. Một điểm mấu chốt của hệ sinh thái thủy sản trong nguồn cung đó là liên kết ngang; liên kết của các tổ chức, đơn vị ngành có cùng một sản phẩm và có quan hệ sử dụng lẫn nhau để tăng năng suất, tăng sản lượng, tăng chất lượng, tăng lợi ích của nông dân, tổ hợp tác, HTX…

GIA KHANG (ghi)

Tại cuộc tọa đàm về hệ sinh thái tận dụng các FTA trong lĩnh vực thủy sản tại Quảng Nam diễn ra mới đây, nhiều đại biểu có chung nhận định: các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu rất quan tâm vấn đề truy xuất nguồn gốc hải sản nguyên liệu cũng như việc cấp giấy xác nhận, chứng nhận nguồn gốc cho các mặt hàng thủy sản. Do vậy, Quảng Nam cần tập trung kiểm tra, hướng dẫn ngư dân phân loại cá, quản lý, giám sát bốc vác hải sản; đồng thời kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi gian lận trong khai báo sản lượng hải sản để xuất khẩu được bền vững.

Nội dung: QUANG VIỆT - VĨNH LỘC

Trình bày: MINH TẠO

Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tận dụng FTA - Dọn đường cho thủy sản bứt phá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO