Vượt qua gần 250 ý tưởng, giải pháp “Tận dụng nhiệt thải từ lò sấy bánh tráng” của nhóm sinh viên Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng đã đoạt giải ứng dụng của Holcim Prize năm 2015. Tin vui là thiết bị sấy bánh tráng đầu tiên được tạo ra từ ý tưởng này sẽ được lắp đặt tại Đại Lộc.Nhiều ưu điểmĐại Lộc nổi tiếng bởi có làng nghề bánh tráng truyền thống và bánh tráng Đại Lộc có thương hiệu, tên tuổi trên thị trường. Tuy nhiên, trong sản xuất, yếu tố thời tiết luôn ảnh hưởng tới chất lượng, độ ngon, dẻo và hương vị của bánh. Thời tiết miền Trung từ tháng 8 âm lịch trở đi có mưa nhiều, chưa kể mùa đông trời ảm đạm, nhiệt độ xuống thấp là nỗi lo của người sản xuất. Theo thói quen của người dân Đại Lộc, vào những ngày mưa hay những ngày mùa đông sương mù, sẽ dùng chất đốt như than củi, trấu, mùn cưa để xông, sấy khô bánh. Việc gia tăng sử dụng nguyên liệu chất đốt vừa tốn kém, vừa tăng lượng nhiệt và khí CO2 thải ra, ảnh hưởng môi trường sống và không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.Phơi sấy bánh tráng dưới trời nắng. Ảnh: Triêu NhanTheo chia sẻ của nhóm sinh viên vừa đoạt giải là Nguyễn Thị Hà, Đào Thị Phượng, Nguyễn Hữu Quyền và Lê Văn Viễn, việc sử dụng thiết bị sấy bánh dựa trên cơ sở tận thu nguồn nhiệt tỏa ra từ lò tráng bánh để sấy bánh là vô cùng thiết thực. Mô hình thiết bị sấy bánh được vẽ ra trên cơ sở tận thu nguồn không khí nóng tỏa ra từ lò tráng bánh thủ công thông qua một đường ống được thông với ống khói của lò tráng bánh. Nghĩa là, khi chất đốt được đưa vào cửa lò tráng bánh thủ công, một phần lượng nhiệt sẽ dùng để tráng bánh, phần còn lại sẽ theo ống khói đi qua hệ thống sấy bằng dàn ống gia nhiệt, không khí được tiếp tục gia nhiệt lên 3000C bởi bộ gia nhiệt và được quạt thổi vào buồng sấy, giúp sấy khô bánh, hơi ẩm được thoát ra bên ngoài theo một đường ống được chuyển thẳng lên cao. “Cách sấy bánh thủ công bằng than củi, mùn cưa, trấu có ưu điểm là sấy rất nhanh, chỉ mất 15 - 20 phút cho một mẻ bánh, tuy nhiên, lại có rất nhiều nhược điểm: gây ô nhiễm môi trường vì khói bụi, ảnh hưởng đến sức khỏe người làm bánh, chất lượng bánh giảm rõ rệt, lại tốn nhiều nhân công. Bình quân một gia đình mỗi năm tiêu tốn 15 triệu đồng để mua nguyên liệu, chưa kể chi phí thuê nhân công sấy bánh. Trong khi nguồn nhiệt thải từ lò tráng bánh ra môi trường rất nhiều, lãng phí lớn nếu không tận thu nguồn nhiệt này. Hệ thống sấy Calorifer chỉ tiêu tốn 369 nghìn đồng/năm cho điện vận hành máy quạt. Với vốn đầu tư khoảng 20 triệu đồng, sau 1,5 năm, các hộ dân sẽ hoàn vốn” - bạn Đào Thị Phượng, đại diện của nhóm chia sẻ. Đáng mừng là Holcim Prize Việt Nam đã giúp nhóm sinh viên biến ý tưởng thành hiện thực, ngoài 70 triệu đồng tiền thưởng của giải, nhóm sinh viên còn được tài trợ tiền để làm dự án, sản xuất thành phẩm thiết bị sấy bánh tráng ngoài thực tế.Sẽ hỗ trợ nhân rộngThS. Mã Phước Hoàng (Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng) - giảng viên hướng dẫn nhóm sinh viên, cho biết: “Hiện tại, chúng tôi đang hoàn thiện dự án và thiết bị này, tháng 3.2016 tới sẽ lắp đặt thiết bị sấy bánh tráng đầu tiên tại nhà ông Trương Hạnh (thôn Phú Mỹ, Đại Hiệp, Đại Lộc). Nếu thành công, chúng tôi sẽ tiếp tục quảng bá lắp đặt, nhân rộng ra địa bàn Đại Lộc và các làng nghề bánh tráng khác ở Quảng Nam và Đà Nẵng”. Cũng theo giảng viên Mã Phước Hoàng, thiết bị này có giá thành tầm 32 triệu đồng, có thể áp dụng tại nhiều cơ sở mà không cần phải chỉnh sửa nhiều. Thiết bị cơ khí này có thể sấy khoảng 40kg bánh/ngày, tương đương với công suất của lò tráng bánh thủ công. Các cơ sở tráng bánh có thể tiết kiệm chi phí mua nguyên liệu củi, trấu, mùn cưa để đầu tư mua thiết bị này. Có thể kết hợp cả hai phương pháp phơi nắng lẫn sấy bằng nhiệt thải, giúp tăng năng suất trong tiết nắng.Ông Trương Hạnh, một chủ cơ sở tráng bánh thủ công chia sẻ: “Mỗi ngày, gia đình tôi chỉ tráng được 50kg gạo, cho ra 40kg bánh thành phẩm theo phương thức thủ công. Sắp tới đây, tin vui là gia đình tôi sẽ được thừa hưởng thành quả từ đề tài nghiên cứu. Mọi việc chỉ được đánh giá khi thiết bị được lắp đặt, trải qua sản xuất thử nghiệm, song trước mục đích thiết thực của dự án, nhiều hộ sản xuất xung quanh tỏ ra rất ủng hộ. Nếu gia đình tôi ứng dụng thành công, các hộ xung quanh chắc chắn sẽ đầu tư mua thiết bị, cải tiến sản xuất” - ông Trương Hạnh chia sẻ.Theo Phòng Kinh tế & hạ tầng huyện Đại Lộc, việc đầu tư, công nghệ thiết bị cải tiến sản xuất, nâng chất lượng sản phẩm bánh tráng tại làng nghề là vô cùng cần thiết. Đến nay, một số chủ cơ sở đã tự bỏ tiền đầu tư máy tráng bánh bán công nghiệp giúp nâng công suất của cơ sở, đáp ứng được yêu cầu về mẫu mã, chất lượng thị trường. Song, việc sấy bánh trong tiết mưa thì chưa tìm được công nghệ phù hợp. Hy vọng, thiết bị sản xuất thí điểm đầu tiên này sẽ đáp ứng được niềm mong mỏi đó. Nếu thành công, từ nguồn khuyến công, Phòng Kinh tế & hạ tầng sẽ hỗ trợ một số cơ sở đầu tư nhân rộng.TRIÊU NHAN