Tận lực vì doanh nghiệp

TRỊNH DŨNG 01/10/2018 02:17

Chính quyền Quảng Nam đã đưa ra một bản kết luận, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tái hoạt động sau ngày họ đến “kêu cứu”. Song có thực hiện được hay không, tất cả đều nằm trong tay doanh nghiệp.

Một trong những buổi tiếp doanh nghiệp định kỳ tháo gỡ khó khăn cho Sao Mộc.Ảnh: T.D
Một trong những buổi tiếp doanh nghiệp định kỳ tháo gỡ khó khăn cho Sao Mộc.Ảnh: T.D

Tạo cơ hội cho doanh nghiệp “sống sót”

Chỉ sau 10 ngày ông Trương Đình Hiền - nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư sản xuất và xuất nhập khẩu Sao Mộc đến “kêu cứu” (5.9.2018), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân đã phát đi một kết luận cụ thể.

Theo kết luận này, ông Trương Đình Hiền - nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư sản xuất và xuất nhập khẩu Sao Mộc (Đại Lộc) phải giải quyết dứt điểm khoản nợ  tại Cục Hải Quan Đà Nẵng. Xây dựng phương án tổ chức lại sản xuất, kinh doanh và làm việc với Chi cục Thuế Đại Lộc, Ngân hàng Phát triển khu vực Quảng Nam – Đà Nẵng để thống nhất kế hoạch trả dần các khoản nợ bằng văn bản. Ông Hiền phải lên kế hoạch tìm kiếm đối tác, vận động các nhà đầu tư góp vốn thành lập doanh nghiệp mới để liên kết, hợp tác sản xuất, kinh doanh theo đúng quy định pháp luật. Điều quan trọng là doanh nghiệp mới này phải chịu trách nhiệm kế thừa tất cả nghĩa vụ của Sao Mộc

Không để doanh nghiệp “đơn thương, độc mã” lần mò giải quyết các thủ tục pháp lý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cũng đã yêu cầu các cơ quan quản lý hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp. Cục Thuế chịu trách nhiệm chỉ đạo Chi cục Thuế Đại Lộc hướng dẫn ông Hiền lập đầy đủ hồ sơ để thống nhất hỗ trợ khoanh, giãn các khoản nợ, tạo điều kiện cho ông Hiền thanh toán các khoản nợ của Sao Mộc. Sở KH&ĐT, UBND huyện Đại Lộc chịu trách nhiệm hướng dẫn pháp nhân mới liên kết, hợp tác với ông Hiền về các thủ tục liên quan để tiếp tục thuê đất để hoạt động sản xuất, kinh doanh tại địa điểm cũ của Sao Mộc theo đúng quy định. Còn Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư làm đầu mối hỗ trợ ông Hiền, phối hợp với UBND huyện Đại Lộc, các cơ quan liên quan trong việc xử lý các hồ sơ, thủ tục để khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh của Sao Mộc. Những phát sinh, vướng mắc (nếu có) sẽ phải được nhanh chóng báo cáo, tham mưu UBND tỉnh  xem xét và giải quyết.

Không còn đủ tư cách pháp nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, Sao Mộc chỉ còn chờ phá sản. Với số tiền nợ thuế hơn 2,2 tỷ đồng (phạt chậm nộp hơn 927 tỷ đồng), nợ thuế Hải quan Đà Nẵng 80 triệu đồng và nợ tiền vay đầu tư gốc, lãi Ngân hàng Phát triển khu vực Quảng Nam – Đà Nẵng hơn 7 tỷ đồng, Sao Mộc đang đứng trước nguy cơ phải bị phát mãi tài sản (nhà xưởng, máy móc, thiết bị…), kể cả mảnh đất đang được ưu đãi đầu tư sẽ bị thu hồi. Tuy nhiên, kết luận này, về lý thuyết, đã trở thành “liều thuốc” giúp Sao Mộc có thể “phục sinh”!

Chờ câu trả lời từ thực tế

Những cuộc tiếp xúc doanh nghiệp định kỳ luôn được mở rộng không gian và những kiến nghị, kêu cứu của thương giới đã được giải đáp đã từng được xác lập như một sáng kiến cải thiện môi trường đầu tư. Đó là một trong những động thái chia sẻ, thông hiểu, đồng hành với doanh nghiệp của chính quyền trong cuộc chiến thương trường ngày càng khốc liệt. Sao Mộc không là một ngoại lệ. Song không ít ý kiến cho rằng không dễ dàng có thể đưa doanh nghiệp trở lại thương trường khi có quá nhiều điểm yếu.

Ông Trương Công Trái - Giám đốc Trung tâm Phát triển Cụm công nghiệp thương mại và dịch vụ Đại Lộc nói, để được hoạt động trở lại, Sao Mộc phải cam kết tiến độ trả nợ thuế, được ngân hàng bảo lãnh trả nợ và phải được cơ quan chức năng cho phép liên kết đầu tư. Trong góc nhìn khác, ông  Đoàn Văn Quang - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc nói Sao Mộc nhiều năm hoạt động cầm chừng. Chính quyền địa phương đã từng đặt hy vọng lớn vào doanh nghiệp này, nhưng thực tế không được như ý muốn. Nếu doanh nghiệp không có thiện chí, nhiệt tình và trách nhiệm thì địa phương buộc phải thu hồi đất để bố trí cho dự án khác. “Nếu doanh nghiệp có giải pháp hoạt động cũng nên xem xét năng lực trả nợ; không thể để thêm nợ nữa thì lại lâm vào vòng luẩn quẩn như 10 năm nay. Trước đây doanh nghiệp được ưu đãi tiền thuê đất vẫn làm ăn không hiệu quả, bây giờ hoạt động trở lại sẽ phải tính đến tiền thuê đất vì thời hạn miễn giảm đã hết. Đó sẽ là một gánh nặng nữa của doanh nghiệp. Liệu có thể thực hiện được không?” - ông Quang nói.

Ông Trương Đình Hiền chia sẻ, doanh nghiệp vẫn luôn nuôi hy vọng phát triển, luôn muốn đưa doanh nghiệp đóng góp nhiều hơn cho địa phương. Hiện doanh nghiệp sử dụng 70 lao động tại địa phương. Nếu không hoạt động, số lao động này lại sẽ gặp khó khăn, nên bằng mọi cách, Sao Mộc cũng sẽ cố gắng tái sản xuất. Ông Hiền cam kết chuyện nợ thuế Hải quan Đà Nẵng sẽ được xử lý ngay. Ngân hàng Phát triển cũng đã đồng ý khoanh nợ, tái cấu trúc. Sao Mộc cũng đã liên kết sản xuất với Công ty TNHH S. DESING ở Đà Nẵng (có nguồn hàng nội thất đầu ra, cung cấp nguyên vật liệu, công nhân sản xuất) và Sao Mộc góp vốn bằng nhà xưởng, máy móc thiết bị cùng sản xuất các đơn hàng. “Kết luận này của chính quyền sẽ giúp doanh nghiệp có cơ hội tiếp tục hoạt động, có nguồn thu trả nợ, giải quyết việc làm cho người lao động. Phía đối tác cũng đã cam kết cùng chịu trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ cũ của Sao Mộc” - ông Hiền nói.

Ông Thiều Việt Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư Quảng Nam cho rằng, kết luận này thể hiện sự quan tâm, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của chính quyền tỉnh. Những yêu cầu của doanh nghiệp đã được giải quyết. Những gì có thể giúp đã được giúp. Còn vấn đề doanh nghiệp có vực dậy được sản xuất, kinh doanh hay không, phải chờ câu trả lời trên thực tế.

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tận lực vì doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO