Tản mạn “mũi tên chỉ đường”

HỨA XUYÊN HUỲNH 01/05/2021 06:01

Những con đường mới ở Quảng Nam ngày càng hiển lộ. “Mới”, tức là chưa từng có lối đi trước đó, nhưng cũng có thể từng đã “cũ” và nay được đánh thức…

Ở vùng ven biển cực nam Quảng Nam, vẫn còn nhiều “ngả đường” tiềm năng chờ khai phá.
Ở vùng ven biển cực nam Quảng Nam, vẫn còn nhiều “ngả đường” tiềm năng chờ khai phá.

 Khoảng trống trên bức ảnh

Tôi ngồi lật sê-ri ảnh chụp được từ ngày theo chuyến bay của đoàn làm phim “Mẹ Thu Bồn” dọc hướng biển từ Hội An vào đến điểm cực nam Quảng Nam, rồi từ đó vòng theo hướng núi bay ngang qua Chu Lai về lại Đà Nẵng hồi năm 2011.

Trong hơn 1.000 bức ảnh tư liệu đó, Khu kinh tế mở Chu Lai vẫn còn quá “trống”. Nhiều ô mặt bằng rộng đang chờ nhà xưởng mọc lên, nhiều khoảnh đất nham nhở in hằn dấu vết xe đang san ủi…

Bay ra phía bắc, nhìn diện mạo trung tâm hành chính tỉnh lỵ Tam Kỳ đương nhiên quá khác so với bây giờ. Ra nữa, men theo vệt cát dài ven biển trắng phau, chỉ loáng thoáng bên dưới cánh bay vài khu resort tươm tất, như The Nam Hải.

Năm ấy, khu resort này lọt vào tốp 25 khách sạn, resort nghỉ dưỡng hàng đầu châu Á, theo bầu chọn của tạp chí du lịch trực tuyến Smart Travel Asia. Còn lại, dọc bờ biển, quá nhiều khoảng trống với những công trình dở dang, những chiếc xe xúc lọt thỏm giữa trảng cát…

Khu du lịch Vinpearl Nam Hội An góp phần thay đổi diện mạo vùng cát phía đông. Ảnh: H.X.H
Khu du lịch Vinpearl Nam Hội An góp phần thay đổi diện mạo vùng cát phía đông. Ảnh: H.X.H

Cũng dễ hiểu thôi, bởi ít nhất sau đó 3 năm, khi chúng tôi đi dọc bờ biển đoạn phía nam Đà Nẵng kéo vô đến Cửa Đại - Hội An, “con đường resort” ấy vẫn chưa chịu chuyển mình. Thời điểm đó, trong gần 16km bờ biển Điện Bàn - Hội An có đến 33 dự án du lịch nhưng chỉ chưa đầy 1/3 số dự án hoạt động, 7 dự án thuộc chủ đầu tư ngoại thì hết 3 dự án đang vướng…

Lúc ấy tự hỏi sao có thể để một vùng đất tiềm năng, nơi có nhiều bãi biển nổi tiếng như Cửa Đại (tốp 25 bãi biển đẹp nhất của châu Á năm 2014, TripAdvisor xếp hạng), An Bàng (vị trí 86 trong số 100 bãi biển tốt nhất hành tinh, chuyên trang du lịch của hãng CNN xếp hạng năm 2013)… mãi ngủ quên?

 Khoảng trống trên bản đồ

Nhưng bây giờ thì sao?

“Đã hình thành chuỗi đô thị ven biển giữ vai trò chủ đạo trong việc tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội”. Câu này đọc thấy trong Báo cáo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XXI trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020 - 2025). Để viết được câu rất ngắn đó, địa phương đã trải qua quãng thời gian dài và phải có một quyết sách đột phá để khai phóng vệt không gian đầy tiềm năng này. Tức phải có ít nhất một mũi tên chỉ đường, và chỉ đúng hướng.

Chuỗi đô thị ven biển, nằm trong tổng thể mạng lưới đô thị ở Quảng Nam, được nhìn nhận là đang từng bước hình thành rõ nét, xác định mối liên kết hỗ trợ nhau, đảm bảo liên kết giữa đô thị và nông thôn.

Chuỗi đô thị ven biển ấy bao gồm đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, thành phố Hội An, vệt du lịch cao cấp ven biển Hội An - Điện Ngọc, đô thị Nam Hội An, Tam Kỳ, Chu Lai - Núi Thành… Mạng lưới đô thị Quảng Nam hiện ghi danh cả một chuỗi dài: Tam Kỳ (đô thị loại II), Hội An (đô thị loại III), Điện Bàn, Núi Thành (đô thị loại IV) cùng nhiều đô thị loại V...

Quảng Nam tự tin với mạng lưới đô thị là vì có khát vọng, có niềm tin, và từ đó sẽ dần lấp bớt những khoảng trống trên bản đồ… Cũng như những “khoảng trống” trên bức ảnh tư liệu cũ vừa nhắc, sau đúng 10 năm, nhận thấy khoảnh khắc bấm máy lúc đó trở nên quá “lạc hậu” nếu nhìn lại diện mạo Khu kinh tế mở Chu Lai bây giờ.

Mới những con đường cũ

Thực ra, Quảng Nam vẫn đang làm mới những cung đường cũ, cũng là một cách đi. Như với con đường nước.

Hơn thế kỷ nay, sứ mệnh lưu thông đường thủy kết nối 2 cảng lớn Đà Nẵng - Hội An đã gián đoạn, khi sông Cổ Cò (Lộ Cảnh giang) bị bồi lấp nặng. Tài liệu của người Pháp xác nhận khoảng năm 1891 lưu thông trên con sông nối liền Đà Nẵng với Hội An bằng xà lúp vẫn dễ dàng. Trong khi đó, “Đại Nam nhất thống chí” nhà Nguyễn (sách chép sự việc đến năm 1906) ghi nhận “nay nước sông cạn, ghe thuyền đi không thông”.

Nhắc lại, trong tấm bản đồ chi tiết “con đường nước nối liền Đà Nẵng và Hội An ngày xưa” (phóng lớn từ bản đồ do Le Floche de la Carrière vẽ năm 1787) được nhà nghiên cứu Võ Văn Dật đăng tải trong biên khảo “Lịch sử Đà Nẵng 1306-1975” (NXB Hồng Đức 2019), có phác họa về sông Cổ Cò. Con sông cạn ấy giờ đang đứng trước cơ hội hồi sinh mạnh mẽ, khi chính quyền tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng xúc tiến dự án hợp tác nạo vét.

Hồi đầu năm 2021, tại hội thảo “Khơi thông sông Cổ Cò: đột phá mới cho phát triển kinh tế - xã hội Quảng Nam và Đà Nẵng”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Lê Trí Thanh kỳ vọng “sông Cổ Cò sẽ là một trong những con sông đẹp nhất của Việt Nam”. Đến giữa cuối tháng 2 năm nay, đoạn sông phía bắc đã khởi động với tiểu dự án 1: Nạo vét, thoát lũ khẩn cấp sông Cổ Cò đoạn qua địa phận quận Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng.

Ở một vùng trọng điểm du lịch như Quảng Nam, đừng tưởng rằng không cần đi cũng… đã có sẵn đường. Mà là phải nghĩ ra hướng đi mới. Tuyến du lịch tuần tra bảo vệ rừng ở Khu bảo tồn sông Thanh do lãnh đạo tỉnh Quảng Nam khởi sự khảo sát hồi giữa năm 2020 đã gây chú ý về ý tưởng. Ít nhất, cũng có thể tạo ra lối đi mới mang hình mũi tên.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tản mạn “mũi tên chỉ đường”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO