Tản mạn từ mâm lễ vía Thần Tài

LIÊU HÂN 01/02/2019 04:44

“Tam sênh” là lễ cúng rất phổ biến trong dân gian Việt Nam. Khi cúng đất hoặc cúng mở cửa mả, cúng Thần Tài… dân gian thường có lễ tam sênh. Thậm chí, trong lễ cúng tất niên, vẫn có nhà bày thêm mâm lễ tam sênh…

Cúng đất ngày cuối năm. (ảnh minh họa). Ảnh: Hứa Thạnh
Cúng đất ngày cuối năm. (ảnh minh họa). Ảnh: Hứa Thạnh

1. Ngày mùng 10 tháng Giêng là lễ vía Thần Tài. Ông thần này là kẻ đi ban phát tài lộc cho nên được thiên hạ kính trọng cũng là điều phải lẽ. Thiên hạ đua nhau bày mâm lễ cúng tam sênh là để mong Thần Tài đến nhà. Người ta tin rằng hễ ông bước vào thì sẽ mang đến cho gia chủ một khối tài sản đại loại như tấm vé độc đắc Vietlott. Lễ nghinh đón ông thần tưởng tượng này vào những ngày xuân được diễn ra cũng khá rộn ràng.

Tam sênh là cách đọc trại của tam sinh, gồm ba loài sinh vật dùng trên mâm lễ. Theo thư tịch cổ của các bác ba Tàu thì mâm lễ gồm ba món bò, dê, heo thường được gọi là “đại tam sênh”; còn mâm lễ gồm ba món heo, cá, gà thường được gọi là “tiểu tam sênh”. (Ngưu, dương, thỉ, tục vị đại tam sinh. Trư, ngư, kê, tục vị tiểu tam sinh). Mà ba món trên mâm lễ này cũng chẳng liên quan gì đến ông Thần Tài tào lao kia cả.

Ở Việt Nam, ba món lễ vật trong mâm lễ tam sênh thường khác nhau theo mỗi vùng miền. Ví dụ ở Huế, người ta thường cúng môi bò, dồi trường và lưỡi heo; còn ở miền Nam thì người ta thường cúng thêm cá lóc. Có một số “chuyên gia” trong lĩnh vực văn hóa giải thích rằng bộ tam sênh phải gồm ba loài vật tượng trưng cho thổ - thủy – thiên, cho nên mâm lễ phải gồm miếng thịt heo, một con tôm hoặc cua và một cái trứng gà hoặc trứng vịt. Heo sống trên cạn, tượng trưng cho thổ; tôm, cua sống dưới nước, tượng trưng cho thủy; còn trứng gà hoặc trứng vịt đại diện loài có lông vũ bay trên trời, tượng trưng cho thiên. Gà, vịt mà giải thích  là loài bay trên trời thì đúng là “chuyện lạ bốn phương”!

Cũng có nơi cúng mâm lễ tam sênh gồm một miếng thịt, một con tôm, một quả trứng luộc. Có “học giả” còn lôi cả kinh Lăng Nghiêm ra để chứng minh cho cái lễ cúng tam sênh, cho rằng tam sênh được bắt nguồn từ ba biểu tượng Thai sinh (loài sinh ra từ bào thai), Noãn sinh (loài sinh ra từ trứng), Thấp sinh (loài sinh ra từ chỗ ẩm thấp). Ôi! A Di Đà Phật! Thiệt tào lao hết biết. Có ông Phật nào bắt Phật tử phải sát sinh để cúng thần thánh đâu? Đúng là khi tôn giáo biến thành mê tín thì sự nhảm nhí đi xa đến chỗ không biết đâu là lường.

2. Qua một thời gian dài, các thức cúng trên mâm lễ tam sênh đã có nhiều thay đổi tùy theo từng địa phương và theo quan điểm của dân gian. Nhưng dù có thay đổi như thế nào đi nữa thì cơ bản phải gồm đủ ba món. Thật ra, mọi biểu hiện thờ cúng của dân gian từ ban đầu thường hàm chứa ý nghĩa tượng trưng rất sâu xa về mặt triết học, trong đó người bình dân muốn hòa hợp tiết nhịp của cuộc sống với sự vận động của âm dương, trời đất, vì người bình dân không thích lý luận nhiều mà họ thường lý giải sự việc theo cảm tính một cách tinh tế. Lễ tam sênh là một trong các lễ cúng đó. Nhưng lâu dần, phần tinh thần chân chính của lễ cúng phai nhạt và bị thay thế bởi những thói mê tín vốn rất luôn phổ biến trong dân gian.

Lễ tam sênh của dân gian sau đây có lẽ mang một ý nghĩa khái quát nhất, bao gồm: một con tôm, một con cua và một cái trứng vịt. Tôm là loài di chuyển bằng cách búng mình tới, tức di chuyển theo trục tung. Còn con cua là loài luôn bò ngang (ngang như cua mà!) tức di chuyển theo trục hoành. Một tung, một hoành, nếu thêm hai chữ “thiên hạ” vào nữa thì đủ để ngang dọc bốn phương!

Trứng vịt hình tròn tượng trưng ý nghĩa “bao quát càn khôn”. Nhưng tại sao phải là trứng vịt mà không là trứng gà? Vì vịt là giống thủy cầm sống được dưới nước lẫn trên cạn, tức gồm đủ yếu tố thủy thổ, âm dương. Như vậy trong lễ tam sênh đơn giản đó lại gồm đủ ý nghĩa “tung hoành ngang dọc, bao quát càn khôn”, nghĩa là lễ cúng được dâng trọn vẹn cho cả thập phương chư thần.

Chúng ta cũng không biết lễ tam sênh đó phải đúng là lễ tam sênh nguyên thủy hay không. Nhưng dù sao thì khi cúng chư thần, lễ vật cũng chỉ là phương tiện mà thôi. Ông bà ta thường nói “Tế thần như thần tại”, nghĩa là khi cúng thần thánh thì cái tâm cần phải nghiêm cẩn và thành kính, như thần thánh đang có mặt để dự. Đó là quan niệm sâu sắc mang đầy tính nhân văn, cho nên khi cúng bái thì cái tâm thành mới là điều quan trọng.

Mà có một điều còn quan trọng và thực tế hơn nữa là khi đã cúng xong, lễ vật trên mâm biến thành món nhắm bên ly rượu để tăng thêm hương vị ngày xuân. Đến lúc đó, chúng ta cũng đâu cần quan tâm trên mâm lễ tam sênh phải có những gì!

LIÊU HÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tản mạn từ mâm lễ vía Thần Tài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO