Nếu xét riêng về lời chúc tụng thì có lẽ người Việt ta là dân tộc lịch sự và thân thiện. Lời chúc được trao tặng mọi lúc mọi nơi bằng nhiều hình thức và nội dung khác nhau. Chúng ta mỗi ngày ít ra cũng được nhà đài VTV “Chúc một ngày làm việc hiệu quả” (trước đây là “Chúc một buổi sáng tốt lành”) sau chương trình Chào buổi sáng và “Chúc ngủ ngon” vào lúc đêm khuya. Trẻ sơ sinh mới làm lễ đầy tháng đã được chúc “bú no, ngủ ngoan, chóng lớn”. Lấy vợ lấy chồng thì chắc chắn sẽ nhận được vô số lời chúc có cánh, đại loại như “bền duyên cầm sắt”, “hạnh phúc đến đầu bạc răng long” cùng với chữ “song hỷ” treo dán khắp nơi. Người già lụ khụ được chúc “giai lão bách niên”. Đến khi lìa đời vẫn còn được chúc “phiêu diêu miền cực lạc” lại còn mong “sống khôn thác thiêng phò trì con cháu”...
Một “Mẫu” lời chúc. Nguồn: Internet |
Lời chúc thực ra chỉ là một ngôn ngữ giao tiếp mang tính ước lệ, nhiều khi nó được rập khuôn bằng những cụm từ quen thuộc đến mức không còn gây được cảm xúc nào cho người được nhận. Ngày tết đi đâu cũng được nghe “Chúc mừng năm mới - An khang thịnh vượng” đến độ... bội thực. Trong những “ngày vía” của các ngành các giới thì người trong cuộc chắc hẳn sẽ nhận được một slogan ngắn gọn: “Chúc mừng ngày Phụ nữ (Nhà giáo, Thầy thuốc, Doanh nhân...) Việt Nam. Ngày nay nhờ có cellphone, internet, chỉ với một câu slogan kiểu như thế người ta có thể “khuyến mãi” lời chúc cho hàng chục người. Thậm chí có một số trang mạng còn thiết kế sẵn những câu chúc… mẫu, dài ngắn, chèn hình đủ kiểu cho khách hàng tải về máy rồi “bắn liên thanh” đến tất cả những ai thân quen, khỏi mất công gõ chữ. Còn người nhận vì lịch sự nên phải trả lời cảm ơn hàng chục lời chúc na ná nhau, cả ngày phải ngồi bấm bàn phím đến rã tay. Có lẽ trong những ngày này, các nhà mạng là ghi nhận được nhiều... cảm xúc hơn cả với cước phí nhắn tin.
Ở các cơ quan đơn vị, trong những dịp đại hội, cái câu “Chúc đại hội thành công tốt đẹp” dường như đã được mặc định sau mỗi lời phát biểu. Bây giờ nhờ có “tư duy kinh tế thị trường” nên nhiều người còn kèm theo một vế nữa là “Chúc quý vị hạnh phúc, thành đạt”, mặc dù nội hàm “thành đạt” vẫn được hiểu khá mơ hồ. Lại có kiểu lời chúc được... triển khai mở rộng thành hàng loạt nhiệm vụ trọng tâm như một chỉ thị: “... Cuối cùng, chúc đơn vị chúng ta trong thời gian tới phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà đại hội đã đề ra, sao cho... sao cho... sao cho... Một lần nữa, xin chúc...”. Nghe những lời chúc “trường thiên” kiểu này, cử tọa chắc là phải vừa ngáp vừa thầm chúc cho diễn giả sớm... hoàn thành xuất sắc... lời chúc.
Ở ngoài quán nhậu, dân tửu đồ ngày nay cũng rất sính chúc nhau, nào là chúc sức khỏe, chúc vui vẻ, chúc yêu đời, chúc các “sư tử” ở nhà chuyển nết dịu dàng như miu miu. Hết chúc người đến chúc cạn ly, chúc mừng... mồi mới. Hết chúc ở bàn mình ngó qua bàn bên thấy có ai quen thì lò dò đi sang mời chúc. Cứ thế mỗi câu chúc là một lần “dzô”. Đến khi say quắc cần câu lựng khựng ra về vẫn còn kéo cổ nhau mà chúc “tụi mình sớm gặp lại nhau”.
Ngày xưa ở nông thôn rất ít khi nghe người ta chúc nhau. Có lẽ dân quê vốn ăn chắc mặc bền nên cảm thấy ngượng mồm khi nói lời chúc tụng. Lời chúc chỉ xuất hiện trong giới nho sinh quan lại hoặc thị dân. Vả lại, những dịp để chúc nhau cũng rất hãn hữu, tập trung nhất là vào dịp lễ tết. Còn nội dung lời chúc thì quanh đi quẩn lại cũng chỉ gồm mấy tiêu chí như giàu sang, thượng thọ, con đống cháu đàn... Nhà thơ Trần Tế Xương đã làm một cuộc “tổng kết” và bình phẩm các nội dung đó trong bài “Chúc Tết” mà gần như ai cũng từng nghe qua vài câu:
... Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang
Đứa thì mua chức đứa mua quan
Phen này ông quyết đi buôn lọng
Vừa chửi vừa rao cũng đắt hàng...
Sau khi điểm qua những câu thiên hạ chúc nhau với “lời bình” trào tiếu châm chọc, nhà thơ đã dâng tặng cho cả thiên hạ một lời chúc nghiêm túc, vừa giản đơn vừa cao cả, rất nguyên sơ nhưng vẫn luôn mang ý nghĩa thời đại:
... Bắt chước ai ta chúc mấy lời
Chúc cho khắp hết ở trong đời
Vua, quan, sĩ, thứ, người muôn nước
Sao được cho ra cái giống người.
“Sao được cho ra cái giống người”! Thật là... mạnh miệng! Vừa là cảm thức thực tiễn vừa là ý nguyện chân thành. Ngày nay chắc là không mấy ai dám chúc nhau như thế. Các câu chữ, khẩu hiệu vận động có rất nhiều, rất hay, có thể “vận dụng” thành những lời chúc đại loại như “Cần kiệm liêm chính” đối với quan chức, “Chớ làm hàng giả hàng nhái hàng kém chất lượng” đối với doanh nhân, “Đừng buôn gian bán lận” đối với thương nhân... Thiết nghĩ những lời chúc kiểu này có lẽ ít nhiều sẽ gây được cảm xúc tích cực. Vậy có ai tiên phong chúc thử xem sao?
PHAN VĂN MINH