Tản mạn về nghề báo

TRẦN ĐỨC ANH SƠN 21/06/2022 04:44

Tôi “vào” nghề báo rất sớm. Khi đang học năm thứ 4 ở Huế (1988 - 1989), tôi đã có bài đăng trên báo Văn hóa và Đời sống ở Huế. Ra trường, ngoài công việc chuyên môn, tôi chọn viết báo làm nghề tay trái, vừa để rèn luyện kỹ năng viết lách, vừa kiếm thêm thu nhập.

Các nhà báo tác nghiệp tại vùng cao. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Các nhà báo tác nghiệp tại vùng cao. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Trong những năm 1990 - 1993, tôi cộng tác gần như hàng tuần với báo Thừa Thiên Huế và Đài Phát thanh Thừa Thiên Huế, đến độ, dù chỉ là cộng tác viên, nhưng tôi đã được Chi hội Nhà báo của đài này kết nạp làm hội viên, và qua năm 1994 thì chính thức trở thành hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.

Cũng trong năm 1994, tôi thi đỗ ngạch phóng viên Báo Tiền Phong, nhưng vì tiếc cái nghề khảo cổ đã được học và đang đắc dụng với tôi lúc đó, nên tôi từ chối ra Hà Nội làm phóng viên chính thức của Báo Tiền Phong, chỉ nhận làm thường trú ở Huế, vừa làm báo bằng nghề tay trái, vừa làm chuyên môn trong lĩnh vực khảo cổ học và bảo tàng học tại Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế.

Sau khi rời Huế vào Đà Nẵng làm việc, ngoài nhiệm vụ Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển KT-XH Đà Nẵng, tôi còn kiêm nhiệm Tổng biên tập Tạp chí Phát triển KT-XH Đà Nẵng trong 10 năm (2009 - 2019), cho đến khi chính thức rời cơ quan nhà nước, đi làm “phu chữ” ở Tao Đàn Thư Quán.

Tôi không thể nhớ mình đã viết bao nhiêu bài báo kể từ năm 1989 đến nay, chỉ biết rằng, tôi đã photocopy những bài báo đã đăng của mình đóng thành tập, và đến nay đã có 21 tập, mỗi tập dày khoảng 300 trang A4, riêng Tập 1 dày tới 514 trang.

Trong 10 năm tôi làm Tổng biên tập Tạp chí Phát triển KT-XH Đà Nẵng, tạp chí này đã xuất bản 111 số, với hơn 1.000 bài nghiên cứu trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội và khoa học nhân văn được đăng tải.

Trong số đó có những bài bàn luận những vấn đề rất gay cấn, nhạy cảm, nhưng tạp chí chưa bị “tuýt còi” hay đình bản. Vậy nên, có thể nói rằng: ngoài viết báo, tôi còn biết làm báo, và làm “tròn vai”.

Có lần, vào dịp 21.6, phóng viên một tờ báo ở Đà Nẵng phỏng vấn tôi: “Anh là người viết báo lẫn làm báo. Anh thấy làm báo ở nước ta dễ hay khó?”. Tôi trả lời: “Vừa dễ, vừa khó”.

Dễ với người viết báo, nếu người đó có kiến thức, có kỹ năng diễn đạt bằng ngôn từ và biết cách chọn đề tài để viết báo. Khó với người viết báo là phải viết sao cho đúng, cho hay, nhưng phải “an toàn” để các tờ báo có thể đăng bài của mình; còn khó với người làm báo là biết chọn lựa những bài báo hay - đúng - trúng để đăng, và trong thời buổi hiện nay, làm báo ra phải bán được thì mới là giỏi.

Tôi đã từng rơi vào những trường hợp: bài tôi viết, bàn những chuyện quốc gia đại sự, trực tiếp “đụng chạm” đến Trung Quốc, nên nhiều tờ báo không dám đăng, buộc tôi phải viết lại mới đăng được. Tôi cũng từng đắn đo khi chọn đăng bài viết của cộng tác viên, vì thấy bài hay, nhưng đăng rồi thì có khi phát sinh những phức tạp ngoài mong muốn. Dễ và khó là vậy!

Có hai “lời dạy” về nghề báo mà tôi đọc, thấm và luôn cố gắng thực hành. Đó là: “Nếu không có quyền nói tất cả những điều mình muốn nói, thì ít ra cũng giữ cái quyền không nói những điều người ta ép buộc nói” của chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng; và “Muốn viết báo khá thì cần: (1) Gần gũi dân chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực; (2) Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài để xem báo nước ngoài mà học kinh nghiệm của người; (3) Khi viết xong một bài, tự mình phải xem lại ba bốn lần, sửa chữa lại cho cẩn thận. Tốt hơn nữa, là đưa nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào không hiểu thì sửa lại cho dễ hiểu; (4) Luôn luôn gắng học hỏi, luôn luôn cầu tiến bộ...” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đó là những chỉ dẫn hữu ích và chí lý của những bậc tiền bối trong nghề báo nước ta. Trong đó, lời dạy của cụ Huỳnh, tuy ngắn gọn nhưng khó thực hành hơn. Viết làm sao, đăng làm sao mà vẫn giữ được “cái quyền không nói những điều người ta ép buộc nói” như “lời dạy” của cụ Huỳnh thì người làm báo cần khéo léo và bản lĩnh.

Còn “lời dạy” của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì người làm báo nước ta hiện nay rất hay quên. Bởi vậy mà báo chí nước nhà, nhất là báo mạng, tràn ngập những bài viết vô thưởng vô phạt, xa rời thực tế, bất cận nhân tình; còn chữ nghĩa thì hoặc là “cao siêu”, đánh đố, không ai hiểu; hoặc là ngô nghê, gượng ép, tối tăm… cũng không ai hiểu. Đó là chưa kể tình trạng viết sai chính tả, sai ngữ pháp, phi logic... và nạn “rút title câu view” vô đạo và bất nhẫn xuất hiện nhan nhãn trên các trang báo.

Nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6), tôi viết đôi dòng tản mạn về nghề báo, như lời tâm sự của một người đã “hành nghề” ngót 30 năm, nhưng vẫn chưa thôi trăn trở với từng con chữ, từng trang viết, chỉ với một ước vọng: tất thảy người làm báo nước nhà nên biết và làm theo những “lời dạy” chí lý, chí tình của chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng và Chủ tịch Hồ Chí Minh khi hành nghề, để nghề báo thực sự là một nghề tử tế và được xã hội trọng thị.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tản mạn về nghề báo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO