Nhân sự kiện mỹ thuật cộng đồng do các nghệ sĩ, họa sĩ đến từ Hà Nội và địa phương Quảng Nam thực hiện ở làng biển Tam Thanh, Tam Kỳ - nối tiếp làng bích họa do các nghệ sĩ Hàn Quốc thực hiện (tháng 9.2016 đến tháng 6.2017), và sự kiện trại sáng tác mỹ thuật diễn ra đến lần thứ ba của Hội Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh tại Công viên đất nung Thanh Hà (Hội An) cuối tháng 4.2017, người viết chợt nghĩ đến mối quan hệ giữa thị dân và mỹ thuật trên đất Quảng…
Những ngôi nhà của người dân ở thôn Trung Thanh, xã Tam Thanh được các nghệ sĩ Hàn Quốc vẽ lên những bức tranh sinh động. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Trước hết, dẫu Hội An, Tam Kỳ hay Điện Bàn và cả những thị trấn lớn mà ngày xưa đủ gọi là phố huyện như Ái Nghĩa (Đại Lộc), Nam Phước (Duy Xuyên), Trà My (Bắc Trà My), Khâm Đức (Phước Sơn)…, cư dân ở phố trước khi là thị dân thì đều là nông dân với con mắt quen cảm nhận cái đẹp dân gian, dân dã với mỹ thuật điêu khắc dân gian ở nhà cửa, nhà thờ tộc, đình, miếu, chùa, nhà thờ Công giáo, gươl, nhà mồ… những phù điêu, những bức chạm trổ (gỗ, vôi, đá…), tượng tròn ở các kiến trúc tín ngưỡng, thờ tự hay ở các không gian công cộng (công viên, đài tưởng niệm…). Điểm giống nhau của các tác phẩm mỹ thuật mà cả người dân nông thôn lẫn đô thị quen nhìn và cảm nhận - xét về bề nổi, bề ngoài - là tính biểu hình, tính tả thực (hiện thực). Ở mỹ thuật dân gian, các tác phẩm thường lấy đề tài là các mô-tip tứ quý, tứ bình như “long, lân, quy, phụng” rồi “mai, lan, cúc, trúc”… và các tượng tròn thì cũng là tượng tả thực (tượng Phật, tượng Chúa, tượng danh nhân…). Kỳ thực, mỹ thuật dân gian là cả một kho tàng mỹ thuật vốn sâu sắc và phong phú vô cùng với nhiều những tác phẩm mà thủ pháp ước lệ, tượng trưng đã làm cho các tác phẩm nghệ thuật có tính biểu tượng cao, đạt đến ngưỡng chân, thiện, mỹ. Điều này có thể kiểm chứng qua mỹ thuật trang trí các kiến trúc gỗ ở đô thị cổ Hội An, ở gươl, nhà mồ các dân tộc Cơ Tu, Co, Ca Dong... Những nhà nghiên cứu mỹ thuật cho rằng xu hướng đề cao thủ pháp hiện thực (tả thực) là do ảnh hưởng mỹ thuật phương Tây thời thuộc Pháp và cả thời kỳ mỹ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa trước đổi mới (1986) kéo dài đến vài thập niên nửa cuối thế kỷ 20. Điều đó thực sự khiến cho không những chiều sâu cái đẹp của mỹ thuật dân gian không được công chúng bình thường nhận ra mà cả những cái mới lạ, đặc sắc của mỹ thuật đương đại cũng khó được đồng cảm, chấp nhận trong đời sống xã hội.
Những người giảng dạy mỹ thuật trong nhà trường luôn than thở vì thời lượng giảng dạy cho học sinh về mỹ thuật dân gian truyền thống quá ít và về phía học sinh cũng không chuyên chú vì mỹ thuật dân gian không phải là “môn thi đại học” (dẫu là thi đại học mỹ thuật hay kiến trúc). Phía khác, khi một sinh viên tốt nghiệp mỹ thuật chọn con đường “làm mỹ thuật đương đại” như trình diễn, sắp đặt, video art… hay nói chung là mỹ thuật đa phương tiện thì thường bị dư luận phê phán là “dại”, vì xu hướng nghệ thuật này hoàn toàn phi lợi nhuận, xem xong thì “hủy tạo”, là bỏ đi, chỉ để lại ấn tượng hay nỗi ám ảnh thẩm mỹ trong tâm thức người xem/nghe hay người cùng tham gia đồng sáng tạo tác phẩm. Nhiều tác phẩm sắp đặt hay trình diễn chỉ diễn ra trong một thời lượng rất ngắn, xong thì thôi, hết vai trò, chẳng phải trao đổi, mua bán chi. Được biết, nhiều người trẻ làm mỹ thuật đương đại vừa làm những công việc có liên quan đến mỹ thuật “giá vẽ” để sống vừa dồn hết sức đam mê cho mỹ thuật đương đại hoàn toàn miễn phí, vì thế xu hướng mỹ thuật này rất cần các nhà tài trợ, hỗ trợ kinh phí cho các dự án. Nhìn ra các nước trong khu vực, chỉ riêng Thái Lan đã có sự lựa chọn các môn học vừa mang tính truyền thống như mỹ thuật dân gian, mỹ thuật tả thực theo truyền thống châu Âu (cổ điển, hàn lâm - académie), vừa mở rộng giảng dạy các loại hình mỹ thuật theo các trường phái khác nhau trong diễn trình hội họa thế giới như ấn tượng, hậu ấn tượng, dã thú, đa đa, cực thực, siêu thực, lập thể, trừu tượng, biểu hiện, biểu hiện - trừu tượng, mỹ thuật đa phương tiện, mỹ thuật hậu hiện đại… Có nghĩa là nhiều quốc gia đã lựa chọn nền mỹ thuật vừa “dân tộc” vừa “hiện đại” trong bối cảnh toàn cầu hóa văn hóa, nghệ thuật.
Xem ra việc đào tạo cảm quan thẩm mỹ cho công chúng rộng rãi một cách bài bản vốn là một nan đề của mỹ thuật ở bất cứ quốc gia nào, vì công chúng thưởng ngoạn cần có những tri thức nhất định để bình giá các tác phẩm nghệ thuật. Giới trẻ “sống hết mình” với mỹ thuật đương đại đang hồ hởi đón nhận môn mỹ thuật đa phương tiện đã được Đại học nghệ thuật Huế đưa vào giảng dạy và là trường đầu tiên trong cả nước đưa vào dạy chính thức môn học này trong vài ba năm gần đây. Trong các nghệ sĩ trẻ xuất hiện trong xu hướng nghệ thuật này có các nghệ sĩ Quảng Nam như Bùi Công Khánh (Đại học Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh) Trương Bách Tường (nghệ sĩ tự học), Trầm Thị Trạch Oanh (Đại học Nghệ thuật Huế)…
Trong xu thế hội nhập quốc tế, chính quyền và ngành văn hóa Hội An đã phối hợp với Bộ VH-TT&DL, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Sở VH-TT&DL Quảng Nam tổ chức Trại sáng tác điêu khắc quốc tế năm 2006 để Hội An có một công viên tượng (Vườn tượng quốc tế) với nhiều phong cách sáng tác khác nhau, đã làm “đẹp” thêm cho cảnh quan bờ sông Hoài phía An Hội. Năm 2016, một trại sáng tác điêu khắc cũng được tổ chức tại Tam Kỳ và cũng để lại những tác phẩm làm đẹp không gian công cộng của thành phố tỉnh lỵ. Thiết nghĩ, những dự án mỹ thuật công cộng cần được xã hội hóa mạnh hơn nữa bởi ngoài việc tôn thêm thẩm mỹ cảnh quan thu hút du lịch còn hướng đến việc thông qua các tác phẩm mỹ thuật khơi dậy năng lực sáng tác và nâng cao năng lực cảm nhận nghệ thuật của cộng đồng. Nhiều tác phẩm qua thời gian đã được công chúng “giải mã” nghệ thuật và công chúng đồng thời cũng cảm nhân mình “giàu có”, phong phú hơn về đời sống tinh thần khi được sống trong sự tương tác thẩm mỹ với tác phẩm
Đâu chỉ có nhà trường mới cung cấp cho mỗi người tri thức để “tri nhận” tác phẩm nghệ thuật, thị dân còn một “biển tri thức” trên internet và quan trọng nhất là môi trường cảnh quan với nghệ thuật cộng đồng luôn được diễn ra các sự kiện và có những tác phẩm nồng ấm hơi thở đương đại…
PHÙNG TẤN ĐÔNG