Xuân là thời, xuân thì, là đương độ xuân xanh. Tết mang theo cảm thức đỉnh cao của ý niệm thời gian. Do đó, tết là cảm quan cực độ của hòa hợp: hòa hợp tất cả, con người, sinh vật và môi trường thiên nhiên. “Thái”, thì cần bền lâu, nhờ cuộc sống và sinh thái hài hòa.
Vui như tết và hòa như xuân. Vui tết, êm đềm như giấc mộng đêm xuân. Ngày tết thường được quy định vào đầu năm, có thể theo âm lịch hoặc dương lịch. Có nơi như Thái Lan, Lào, Campuchia… lại chọn ngày khác, nhưng cũng được coi là những ngày vui nhất trong năm. Nhiều chỗ tết không có tên riêng, mà được gọi chung là ngày lễ đầu năm - The feast of new year hay La fête de nouvel an. Ở Việt Nam, Tết là tên riêng để gọi lễ đầu năm âm lịch, mang màu sắc nội tâm và thi vị đặc biệt. Tết như đóa hoa mãn khai trong lòng xuân, biểu hiện trong câu thơ chữ Hán “Dương Tử giang đầu, dương liễu xuân” và trong bài hát tiếng Việt: “Anh cho em mùa xuân/ mùa xuân này tất cả/ (…) trẻ nô đùa khắp trời,/ niềm yêu đời phơi phới”...
Trong câu thơ Hán, xuân là vận động của thiên nhiên. Với câu hát Việt, xuân là tất cả: tính chất trẻ thơ, thời niên thiếu… Tất cả, “the whole”, “wholism” là tầm nhìn minh triết, tầm nhìn toàn cầu được bộc lộ, phô bày vào thế kỷ XXI, tầm nhìn tổng hợp của thiên niên kỷ, nhãn quan khai mở, không khép kín, không hạn hẹp. Giữa khoa học và tâm linh, chủ quan và khách quan, tinh thần và vật chất xem ra cũng không còn phân cách trong ý niệm về “xuân là tất cả” ấy.
Hiện đại sát cánh không rời truyền thống trong một "doxa" minh triết. Con người, muôn thú, cá nhân, tập thể, biển cả, dòng sông, bông hoa, cành cây, con chim… đều cần được sống hài hòa trong môi trường trường xuân hợp nhất không - thời. Không có cái “tôi” nào cả đứng trên đại thể. Ai xác nhận con người là chủ nhân của thiên nhiên? Sống hòa hợp với thiên nhiên, sống hòa bình, đối thoại là minh triết. Nhưng cái “doxa” minh triết là gì? Người ta thường tạo ra những “paradigmes” (hệ xử lý), “net of paradigmes” (mạng xử lý) hoặc những “règles des jeux” (nguyên tắc trò chơi) như những giải pháp ứng phó tạm thời việc đời. Nhưng con người không thể tự coi mình đứng trên tự nhiên để tha hồ tùy tiện bố trí thiên nhiên.
Albert Camus, tác giả đoạt giải Nobel Văn chương, đã đối thoại với mùa xuân trong nghịch lý. Đại thi hào Nguyễn Du cũng góp phần thực hiện mùa xuân đích thực vào lần thứ nhì qua hai lần phô hiện âm nhạc của Thúy Kiều:
Chàng rằng: phổ ấy tay nào?
Xưa sao sầu thảm, nay sao vui vầy?
Tẻ, vui bởi tại lòng này
Hay là khổ tận đến ngày cam lai?
Lòng người là cái doxa tựu thành đoàn viên - cảnh giới tự nhiên - con người không phải chủ tể (vị kỷ), phải hành động đúng chức năng trong bản thể đại đồng.
Hiện tại hoài bão tương lai, mang hạt mầm tiềm ẩn ngày mai. Nhạc, thơ, phong cách vui chơi và sinh sống, hàm ẩn lời tiên tri báo trước hình tượng của ngày mai.
Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau.
(Bùi Giáng)
PHẠM DÕNG